"Ngọt" như Đường Quảng Ngãi (QNS): Lợi nhuận 6 tháng tăng trưởng 90%, cổ phiếu lập đỉnh

(Banker.vn) Cùng với kết quả kinh doanh khả quan, cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi có đà tăng ổn định từ đầu năm đến nay. So với mức giá chốt phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023 là 32.200 đồng/cp, hiện QNS đã có thêm 63,6% giá trị lên mức 52.700 đồng/cp, tương ứng vốn hóa 18.810 tỷ đồng

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Đường Quảng Ngãi đạt 5.282 tỷ đồng doanh thu, tăng 31% và lợi nhuận sau thuế tăng 90%, đạt 1.085 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Công ty CP Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) vừa có một kỳ kinh doanh "ngọt ngào", trong đó, doanh thu thuần quý II đạt 3.152 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá vốn hàng bán tăng chậm hơn, giúp lợi nhuận gộp của Đường Quảng Ngãi chạm mức 1.000 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ.

Trong quý, doanh thu tài chính của Đường Quảng Ngãi cũng tăng ấn tượng lên mức 98%, tương đương với 92 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí lãi vay tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, lên mức 50 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng có chiều hướng tăng đáng kể lên gần 81 tỷ đồng và chi phí bán hàng chỉ giảm khoảng 3 tỷ so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, sức ảnh hưởng của các chi phí này không lớn đến kết quả lợi nhuận của Đường Quảng Ngãi. Theo đó, doanh nghiệp này đã có một quý thành công vang dội, khi lãi sau thuế đạt gần 712 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đường Quảng Ngãi cho biết, trong quý II, nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang dần phục hồi sau đại dịch nhưng sức mua vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, vì vậy sản lượng tiêu thụ các sản phẩm như sữa, nước khoáng, bia, bánh kẹo... giảm nhẹ. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực kiểm soát chi phí nên lợi nhuận các sản phẩm này vẫn giữ mức xấp xỉ cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, một số sản phẩm của công ty vẫn duy trì tình hình sản xuất và ghi nhận mức tăng trưởng cao như sản phẩm đường có sản lượng tiêu thụ tăng 133%, doanh thu tăng 151%; điện có sản lượng tiêu thụ tăng 35%, doanh thu tăng 39%... và các yếu tố khác đã dẫn tới lợi nhuận sau thuế của công ty tăng ấn tượng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Đường Quảng Ngãi đạt 5.282 tỷ đồng doanh thu, tăng 31% và lợi nhuận sau thuế tăng 90%, đạt 1.085 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

So với mục tiêu năm 2023 đạt 8.400 tỷ đồng doanh thu, kết thúc nửa đầu năm, Đường Quảng Ngãi đã hoàn thành được 62% kế hoạch. Tuy nhiên, chặng đường tới mục tiêu đạt 1.008 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cả năm của doanh nghiệp có phần thuận lợi hơn và đang tiến gần vạch đích, khi đã hoàn thành được 70,6% kế hoạch.

Tính hết quý II, tổng nguồn vốn của Đường Quảng Ngãi ghi nhận 11.831 tỷ đồng, tăng 12,5% so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 5.204 tỷ đồng; tài sản cố định đạt 3.568 tỷ đồng; hàng tồn kho đạt 1.755 tỷ đồng; lần lượt chiếm 44%, 30%, 15% tổng tài sản.

Đáng chú ý, về biến động tài sản, tính tới ngày 30/6/2023, giá trị hàng tồn kho đã đạt 1.755 tỷ, tăng 85% so với đầu năm. Trong khi đó, đầu tư tài chính ngắn hạn lại tăng 21,1%, lên mức 5.204 tỷ đồng.

Theo thuyết minh của Đường Quảng Ngãi, hàng tồn kho tính hết quý II/2023 chủ yếu là thành phẩm và nguyên, vật liệu lần lượt là 1.376 tỷ và 236 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 5.204 tỷ đang là tiền gửi có kỳ hạn.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của Đường Quảng Ngãi tính đến ngày 30/6/2023 là 4.102 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi với hồi đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp có khoản vay và nợ tài chính ngắn hạn là 2.860 tỷ đồng, tăng 50,9%, còn lại tập trung ở khoản phải trả người bán ngắn hạn với gần 311 tỷ đồng; thuế và các khoản phải nộp Nhà nước là 312 tỷ đồng; phải trả người lao động tăng hơn 3 lần so với năm ngoái lên mức 318 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu cuối tháng 6 của Đường Quảng Ngãi đạt 7.729 tỷ đồng, tăng hơn 265 tỷ đồng so với hồi đầu năm, với việc tăng quỹ đầu tư phát triển lên 31 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ghi nhận là 235 tỷ.

Triển vọng trong thời gian tới, dự báo Đường Quảng Ngãi đang và sẽ tiếp tục tập trung phát triển vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất công nghiệp giúp tăng năng suất và chất lượng cây mía.

Bên cạnh đó, việc dây chuyền sản xuất đường đã đi vào hoạt động ổn định sẽ giúp Đường Quảng Ngãi tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác.

Hơn nữa, các biện pháp phòng vệ thương mại mạnh mẽ của Nhà nước đối với sản phẩm đường và việc kiểm soát tốt đường nhập lậu cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty như Đường Quảng Ngãi tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua và sau này.

Cùng với đó, dự báo sản lượng mía đường năm nay sẽ đạt con số kỷ lục và giá đường tăng cao có thể giúp cho Đường Quảng Ngãi vượt kế hoạch đề ra. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, mùa vụ mía đường năm nay khá thuận lợi về thời tiết giúp năng suất và đạt hiệu quả tốt hơn. Đồng thời, giá mía nguyên liệu gần đây tăng lên 1,2-1,3 triệu đồng/tấn.

Trên thị trường chứng khoán, cùng với kết quả kinh doanh khả quan, cổ phiếu QNS có đà tăng ổn định từ đầu năm đến nay. So với mức giá chốt phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023 là 32.200 đồng/cp, hiện QNS đã có thêm 63,6% giá trị lên 52.700 đồng/cp, tương ứng vốn hóa 18.810 tỷ đồng. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.

Cổ đông ngoại tại Đường Quảng Ngãi (QNS) tiếp tục thoái vốn công ty

Ngược chiều giao dịch, ông Võ Thành Đàng - Tổng Giám đốc Đường Quảng Ngãi đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu QNS nhưng ...

Vi phạm về thuế Đường Quảng Ngãi bị xử phạt

Do vi phạm về thuế, Công ty CP Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) vừa bị Cục thuế tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định xử ...

Quỹ ngoại Foremost Worldwide Limited rời ghế cổ đông lớn của Đường Quảng Ngãi (QNS)

Ngoài Foremost Worldwide Limited, Đường Quảng Ngãi còn có 2 tổ chức khác là nhà đầu tư nước ngoài rót tiền vào cổ phiếu của ...

Ngọc Bích

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán