Nghịch lý tỉnh công nghiệp lại khát đất khu công nghiệp

(Banker.vn) Đồng Nai là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về phát triển công nghiệp và đã thành lập được 33 khu công nghiệp nhưng tới nay lại đang khát quỹ đất công nghiệp để thu hút các tập đoàn lớn có công nghệ cao, tiên tiến vào đầu tư với các dự án tỉ USD.
Thanh Hóa: Quy hoạch thêm 9 khu công nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao Khơi thông nguồn lực cho phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp Đồng Nai ban hành chính sách ưu đãi cho các dự án công nghiệp, công nghệ cao
Nghịch lý tỉnh công nghiệp lại khát đất khu công nghiệp
Khu công nghiệp Giang Điền tại huyện Trảng Bom và TP. Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai thu hút nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Hà Anh Chiến

Cạn kiệt quỹ đất công nghiệp cho nhà đầu tư thuê

Nguyên nhân được UBND tỉnh Đồng Nai chỉ ra là quỹ đất công nghiệp cho nhà đầu tư thuê lại đang cạn kiệt do vướng bồi thường giải tỏa hoặc chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý để triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Hiện nay tại tỉnh Đồng Nai, quỹ đất trong các khu công nghiệp đã đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh không còn nhiều, nhất là những khu công nghiệp địa bàn trọng điểm như huyện Long Thành, TP. Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch.

Cụ thể, diện tích đất công nghiệp chưa cho thuê còn khoảng 1.050ha. Tuy nhiên, trong số này, chỉ có khoảng 237ha đất đã sẵn sàng hạ tầng cho nhà đầu tư thuê (dù không liền khoảnh, không có diện tích lớn đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư). Phần diện tích còn lại khoảng 813ha đất thì còn vướng bồi thường giải tỏa và chưa hoàn chỉnh hạ tầng.

Riêng Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành được thành lập để kêu gọi các dự án theo đúng tiêu chí công nghệ cao nhưng chỉ mới đang trong giai đoạn giao đất. Do đó, hiện nay tỉnh Đồng Nai chỉ có thể kêu gọi được các dự án quy mô nhỏ.

Một lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết: “Trong thời gian qua, tỉnh có tiếp cận làm việc với một số tập đoàn lớn sử dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại và có nhu cầu đầu tư vào tỉnh, nhưng không còn quỹ đất để bố trí giới thiệu cho các nhà đầu tư”.

Theo tìm hiểu, mới đây một tập đoàn lớn của nước ngoài đã bỏ qua tỉnh Đồng Nai đến địa phương khác để xây dựng nhà máy có tổng mức đầu tư cả tỉ USD cùng hàng nghìn việc làm mới cho người lao động. Một trong những lý do là tỉnh Đồng Nai khan hiếm diện tích đất công nghiệp diện tích lớn cho thuê, các khu đất “đầu thừa, đuôi thẹo” không đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư.

Ngoài ra, nhà đầu tư khi triển khai dự án tại Đồng Nai lại gặp khó khăn thủ tục. Như tại khu công nghiệp Ông Kèo ở huyện Nhơn Trạch, Công ty TNHH Maxihub - Đài Loan (Trung Quốc) đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất dầu nhờn và kho chứa từ năm 2014, nhưng lại gặp vướng mắc tại dự án cầu cảng chuyên dùng phục vụ cho nhà máy do thủ tục đất đai và phần mặt nước chưa phù hợp quy hoạch nên dự án vẫn chưa đi vào hoạt động.

Hiệu quả đầu tư công nghiệp của tỉnh Đồng Nai đang thấp

Là địa phương có định hướng quy hoạch phát triển khu công nghiệp đúng và sớm nên đến nay Đồng Nai đứng đầu cả nước về số khu công nghiệp (quy hoạch 39 khu công nghiệp diện tích hơn 18.500ha) và kết quả thu hút đầu tư FDI vào khu công nghiệp 29,25 tỉ USD.

Mặc dù là tỉnh đầu tiên cả nước phát triển công nghiệp nhưng hiệu quả đầu tư công nghiệp của tỉnh Đồng Nai hiện đang thấp hơn các địa phương phát triển công nghiệp khác.

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trên diện tích đất công nghiệp của Đồng Nai ở mức thấp chỉ 18 tỉ đồng/ha. Trong khi đó, ở TP.HCM là 43 tỉ đồng/ha, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh từ 22 tỉ - 31 tỉ đồng/ha, Bình Dương 19 tỉ đồng/ha.

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, nguyên nhân do chủ yếu Đồng Nai phát triển công nghiệp hỗn hợp, thâm dụng lao động, chưa thu hút được các dự án có quy mô vốn lớn từ 1 tỉ USD trở lên, chưa thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao như Applem Inter, Samsung, Sanofi, Foxcom, Boeing, Lego…

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ và Bộ Kế hoạch Đầu tư sớm xem xét các hồ sơ xin chấp thuận chủ trương thành lập các khu công nghiệp đã nộp gồm Phước Bình 2, Bàu Cạn - Tân Hiệp, Xuân Quế - Sông Nhạn, Amata giai đoạn IIIB để tỉnh triển khai thực hiện các công tác tiếp theo nhằm tạo tiền đề thu hút đầu tư dự án vào các khu công nghiệp.

Được biết, hiện nay UBND tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục rà soát phấn đấu trong năm 2023 thành lập ít nhất 2 khu công nghiệp để bổ sung kịp thời quỹ đất công nghiệp cho thuê.

Đồng Nai quy hoạch 39 khu công nghiệp và đã có 33 khu công nghiệp được thành lập với diện tích hơn 10.500ha, đến nay đã cho thuê đất đạt trên 85% diện tích. Tỉnh Đồng Nai cũng có 7 khu công nghiệp chưa thành lập là Cẩm Mỹ (300ha), Phước Bình (190ha), Gia Kiệm (330ha), Phước Bình 2 (299ha), Phước An (330ha), Bàu Cạn - Tân Hiệp (2.627ha), Xuân Quế - Sông Nhạn (3.595ha).

laodong.vn

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục