Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2023

(Banker.vn) Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 135/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2023.

Nghị quyết nêu rõ, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, sự đồng hành của các cơ quan của Quốc hội, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, Chính phủ đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng để thực hiện các đột phá chiến lược theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Chính phủ đánh giá cao các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã triển khai nhiều giải pháp, đề xuất nhiều nội dung quan trọng, khó, phức tạp, cấp bách, nhạy cảm để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Trong 8 tháng năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 7 Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật; cho ý kiến, thông qua 12 đề nghị xây dựng luật, 14 dự án luật, 09 dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội cho ý kiến trong năm 2023 và năm 2024.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, pháp luật, đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp phụ trách lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật (đối với những bộ, cơ quan ngang bộ chưa phân công); thường xuyên chỉ đạo công tác rà soát pháp luật, xác định các vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập để kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ.

Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm về chất lượng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ xem xét, quyết định phải tuân thủ đúng quy định về trình tự, thủ tục, thể thức, thời hạn trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định 39/2022/NĐ-CP ngày 18/6/2022.

Hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải có tài liệu thuyết minh kỹ, rõ về các nội dung, quy định được kế thừa từ pháp luật hiện hành; các quy định không còn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và thực tiễn triển khai thi hành, từ đó đề xuất bãi bỏ hoặc bổ sung sửa đổi những nội dung mới cần ban hành quy phạm pháp luật.

Nội dung thuyết minh cần phân tích kỹ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc kế thừa, sửa đổi, bổ sung từng quy định cụ thể trong dự thảo luật, văn bản quy phạm pháp luật khác. Phải làm rõ các nội dung sửa đổi, bổ sung so với pháp luật hiện hành và lý do sửa đổi, bổ sung; làm rõ các thủ tục hành chính sẽ được cắt giảm, bổ sung mới so với pháp luật hiện hành và nêu rõ lý do.

Chính phủ cơ bản thống nhất các nội dung của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), giao Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì, phối hợp với Thành phố Hà Nội, các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Trong đó, hồ sơ dự án Luật phải thuyết minh rõ lý do kế thừa các quy định của Luật Thủ đô năm 2012; lý do sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp cần bãi bỏ hoặc cần ban hành mới. Nội dung thuyết minh cần phân tích kỹ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc kế thừa, sửa đổi, bổ sung từng quy định cụ thể.

Quy định của dự thảo Luật phải thể hiện rõ nguyên tắc, chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giữa cơ quan Trung ương và chính quyền của Hà Nội, giữa các cấp chính quyền của Hà Nội.

Nội dung phân cấp, phân quyền thể hiện trong mọi lĩnh vực quản lý nhà nước: tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, biên chế, quy hoạch, y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, đầu tư, tài chính, xây dựng, nhà ở,…, đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, các biểu hiện vi phạm pháp luật khác; bảo đảm sự quản lý nhà nước thống nhất về các vấn đề mang tính chuyên môn, chuyên ngành.

Cơ chế, chính sách đặc thù được quy định trong dự thảo Luật phải vừa có tính tổng thể để Hà Nội có thể vận dụng theo yêu cầu phát triển chung, vừa có trọng tâm, trọng điểm để có chính sách đặc thù nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải; đồng thời phải có chính sách, cơ chế thu hút các nguồn lực xã hội phục vụ đầu tư phát triển hạ tầng gắn với phát triển các dịch vụ; nghiên cứu, quy định để Hà Nội chủ động huy động vốn, kể cả vốn vay, cơ chế, chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, sử dụng nhân tài cho Thủ đô.

Về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ, Chính phủ đánh giá cao Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện 02 hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các địa phương; tăng cường công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận, thống nhất; có lập luận chặt chẽ, thuyết phục để hoàn thiện 02 dự án Luật bảo đảm yêu cầu sau:

Tiếp tục rà soát các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội và của Chính phủ liên quan đến quản lý trật tự xã hội, phát triển hạ tầng,… để thể chế hóa trong Luật; đánh giá những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, luật hóa những quy định đã được thực hiện ổn định, phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

- Rà soát quy định của các Luật có liên quan để việc sửa đổi, bổ sung 02 dự án Luật bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất, đồng bộ và đúng thẩm quyền của các cơ quan (Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản, Luật Xử lý vi phạm hành chính, …). Rà soát bảo đảm không quy định các vấn đề về tổ chức bộ máy trong 2 dự án Luật.

Về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung dự án Luật. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Thành viên Chính phủ bảo đảm các yêu cầu.

Trong đó, bổ sung Quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh tại dự thảo Luật; quy định Quy hoạch xây dựng và phát triển Công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh là quy hoạch ngành quốc gia. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong công tác lập quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về quy định nguồn vốn chuyên biệt cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh: Thống nhất chủ trương cần có nguồn tài chính đặc thù dành cho công nghiệp quốc phòng, an ninh được bảo đảm từ nguồn lực Nhà nước, kết hợp huy động các nguồn vốn hợp pháp khác do cấp có thẩm quyền quy định. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước quy định mang tính nguyên tắc trong dự thảo Luật, bảo đảm khả thi, đồng bộ với pháp luật liên quan. Trình tự, thủ tục xử lý các nguồn vốn cụ thể giao Chính phủ quy định.

Về quy định miễn thuế thu nhập cá nhân đối với chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư trong lĩnh vực đặc thù: Thống nhất cần có quy định ưu đãi phù hợp để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực này. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính thể hiện nội dung bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

V.H

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục