Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu của các TCTD được gia hạn thực hiện đến cuối năm 2023

(Banker.vn) Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 148/NQ-CP tiếp tục triển khai thi hành Nghị quyết 42/2017/QH14, theo đó sẽ kéo dài thời hạn thi hành thí điểm xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đến hết năm nay.

Trước đó, Quốc hội Khóa XV được tổ chức ngày 16/6/2022 đã thông qua Nghị quyết số 63/2022/QH15 liên quan đến việc thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến hết ngày 31/12/2023.

Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu của các TCTD được gia hạn thực hiện đến cuối năm 2023
Ảnh minh họa

Tại Nghị quyết, Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có giải pháp khắc phục những khó khăn, chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết.

Theo đó, trong thời gian Nghị quyết được kéo dài, Chính phủ yêu cầu NHNN tổ chức quán triệt nội dung về việc kéo dài thời hạn đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các đơn vị có liên quan của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức về xử lý nợ xấu đến toàn bộ các tầng lớp nhân dân để khách hàng và các bên liên quan trong công tác xử lý nợ có ý thức và chủ động thực hiện.

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm trao đổi thông tin, kinh nghiệm xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm giữa các tổ chức tín dụng nhằm nâng cao năng lực quản trị rủi ro và xử lý tài sản, thu hồi nợ.

Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm đầu mối phối hợp với Bộ, ngành có liên quan để đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng quy định về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tín dụng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thẩm định giá của các tổ chức thẩm định giá.

Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo Tổng cục thi hành án dân sự rà soát lại những vụ việc thi hành án còn tồn đọng, liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ để tập trung, ưu tiên giải quyết dứt điểm…

Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao xây dựng hệ thống dữ liệu liên quan đến các vụ việc đang được thụ lý giải quyết và cho phép các tổ chức tín dụng được tra cứu, trích xuất.

Cùng với đó, Bộ Công an cần kiên quyết xử lý đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự trong quá trình thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, đảm bảo việc thu giữ xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ được diễn ra thuận lợi, theo quy định pháp luật.

Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán theo quy định tại Nghị quyết số 42 liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và quy định pháp luật có liên quan.

Trong nửa đầu năm 2023, mặc dù đã có cơ chế được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 nhưng nợ xấu của nhiều ngân hàng vẫn tăng mạnh.

Vào thời điểm cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 1,92%, tuy nhiên đến cuối quý 2/2023, tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn của toàn hệ thống ngân hàng ở mức 5,34%. Trong đó, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3%, một số ngân hàng, công ty tài chính nợ xấu tăng đột biến trên 5%.

HDBank tiếp tục giảm đầu tư ngoài ngành

Mới đây, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank, HOSE: HDB) vừa đăng ký bán 8 triệu cổ phiếu VJC của Công ty CP Hàng ...

MBS điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng tín dụng 2023 với hàng loạt ngân hàng

Nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chưa thực sự tích cực trong năm 2023, do đó MBS điều chỉnh giảm tăng ...

SCB có tân Chủ tịch, là nhân sự cấp cao của Agribank được NHNN điều động

NHNN đã quyết định trưng tập, chỉ định ông Phan Đình Điền - Thành viên Hội đồng thành viên của Agribank sang nhận nhiệm vụ ...

Thùy Linh (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán