Nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày là cơ hội tuyệt vời cho ngành du lịch

(Banker.vn) Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 là thời điểm lý tưởng cho ngành du lịch phát triển, đặc biệt nếu đề xuất kỳ nghỉ này kéo dài 5 ngày sẽ là cơ hội thuận lợi để thu hút khách.
Giá vé máy bay dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 lại "nóng" Nghỉ lễ 30/4-1/5, nhiều địa phương đạt hàng nghìn tỷ đồng doanh thu từ du lịch

Tại Họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ngày 11/4, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam - ông Phạm Văn Thủy cho rằng, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 là thời điểm lý tưởng cho ngành du lịch phát triển, đặc biệt nếu đề xuất kỳ nghỉ này kéo dài 5 ngày được thông qua sẽ là cơ hội thuận lợi để thu hút khách du lịch.

Để chuẩn bị cho hoạt động du lịch trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, theo ông Phạm Văn Thuỷ, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã làm việc với điểm đến, cũng như đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp du lịch, lữ hành đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày là cơ hội tuyệt vời cho ngành du lịch
Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 là cơ hội thuận lợi để các địa phương thu hút khách du lịch. Ảnh: Hoa Quỳnh

Về ảnh hưởng của giá vé máy trong dịp 30/4 - 1/5, ông Phạm Văn Thuỷ cũng cho hay đây là vấn đề rất đau đầu đối với cơ quan quản lý ngành du lịch. Cơ quan chức năng rất chia sẻ với doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành.

"Chúng tôi luôn trăn trở, đã làm việc với các đơn vị kinh doanh hàng không. Tuy nhiên đây là vấn đề liên quan đến cấp có thẩm quyền về quản lý vận tải hàng không. Sắp tới chúng tôi đề xuất để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đánh giá lại nhu cầu, chi phí để có chính sách phù hợp”- ông Phạm Văn Thủy nói.

Đề cập đến giải pháp thu hút khách du lịch chi tiêu cao tới Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho hay, ngành du lịch nói chung và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nói riêng đều đã có kế hoạch triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung quảng bá, xúc tiến du lịch.

Bên cạnh đó, theo ông Phạm Văn Thủy, ngành du lịch cần tập trung làm mới các sản phẩm và làm tốt các dịch vụ du lịch, làm hài lòng khách du lịch nhằm thu hút sự quay trở lại của khách du lịch trong nước và quốc tế, qua đó nâng cao khả năng chi tiêu nhiều hơn từ du khách.

Mặt khác, tăng cường phát triển sản phẩm chuyên biệt mang đậm đặc trưng văn hóa Việt Nam. Tận dụng triệt để chính sách mới về cấp thị thực điện tử và miễn thị thực để thu hút khách. Hợp tác chặt chẽ với các hãng hàng không để mở thêm nhiều đường bay trực tiếp, kết nối các quốc gia với Việt Nam.

Năm 2023, ngành du lịch đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ trên 108 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 678 nghìn tỷ đồng. Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế.

Tại Hội nghị triển khai công tác xúc tiến du lịch năm 2024, ngày 10/4, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - ông Hồ An Phong cho rằng, sau 3 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam đã đón được hơn 4,6 triệu lượt khách. Với đà tăng trưởng này, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt, thậm chí vượt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch phải có kế hoạch tốt, đặc biệt là có sự liên kết, phối hợp, huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

Vai trò du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, khi du lịch phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành kinh tế phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới”- ông Phong nhấn mạnh.

Để tạo đột phá cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - ông Hà Văn Siêu cũng cho biết, ở cấp Trung ương, năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu tham gia 3 Hội chợ quốc tế gồm: WTM London; CITM Trung Quốc và ASEAN – Trung Quốc. Cùng với đó là 6 chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Bắc Mỹ, Australia, Trung Quốc, châu Âu, ASEAN và Ấn Độ.

Ngoài ra, ngành du lịch sẽ tổ chức 3 Lễ hội du lịch - văn hóa Việt Nam tại Tokyo và Kanagawa (Nhật Bản), Hàn Quốc. Tổ chức 10 famtrip, presstrip đón các đoàn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Ấn Độ, Australia, Hoa Kỳ, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc). Đặc biệt, sẽ có chương trình xúc tiến du lịch – điện ảnh tại Los Angeles, Hoa Kỳ, dự kiến vào quý II. Đây sẽ là điểm nhấn quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 của Việt Nam.

Được biết, thời gian qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã chủ động tham mưu Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai nhiều hoạt động trong công tác quản lý nhà nước và xúc tiến quảng bá. Trong đó có việc xây dựng Đề án thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài là một kế hoạch lâu dài, trước mắt, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, cơ quan này đang xây dựng đề án thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại Viêng Chăn trên cơ sở thiết chế sẵn có của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào. Văn phòng này sẽ có nhiệm vụ xúc tiến quảng bá, thu hút không chỉ khách du lịch Lào mà cả nguồn khách du lịch quốc tế từ nước thứ ba ở Lào thu hút đến Việt Nam.

Mặt khác, theo ông Hà Văn Siêu, để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, ngành du lịch cũng đã đang tập trung đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch số; triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hóa loại hình, cách thức tiếp cận thị trường; huy động nguồn lực, phối hợp triển khai các công tác hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục