Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Phạm Thị Hải Hà, công tác tại Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh.
Nhiều người nghĩ rằng khi làm công việc xử lý nợ, đặc biệt là xử lý nợ ngân hàng sẽ là những con người lạnh lùng, dữ dằn, tính cách mạnh mẽ đầy nam tính..., thậm chí tôi cũng đã từng tiếp xúc với một số người không mấy thiện cảm với công việc này.
Ấy vậy, cách đây 14 năm đã có một cô gái vừa rời ghế nhà trường cầm trên tay tấm bằng cử nhân đầu tiên ngành tài chính ngân hàng, mông lung với việc lựa chọn công việc thì dòng đời lại xô đẩy và gia nhập ngay vào Phòng Quản lý nợ của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
12 năm gắn bó với Phòng Quản lý nợ tại ACB, gần 2 năm gắn bó với Phòng Mua bán & Xử lý nợ tại Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), cả hai công việc đều liên quan đến xử lý nợ, thực sự mang lại cho tôi nhiều cảm xúc và tôi nhận ra đây là một nghề đáng được trân trọng trong xã hội.
Ngày xưa, tôi cũng đã từng tưởng tượng, đến làm việc yêu cầu khách hàng trả nợ phải dữ dằn, hung hãn, mình xăm trổ thì mới tạo được áp lực với khách hàng. Tuy nhiên, qua thời gian gắn bó với nghề, tôi nhận ra rằng để đòi được nợ không cần phải đao to búa lớn, đòi nợ vẫn rất nhẹ nhàng nhưng khách hàng đồng ý trả nợ cho ngân hàng, đấy là cả một nghệ thuật và ngoài kiến thức chuyên môn, bản thân nhân viên phải có rất nhiều kỹ năng trong giao tiếp, một trong những kỹ năng giao tiếp rất quan trọng cần có đó là sự đồng cảm, đặt mình vào vị trí của khách hàng lắng nghe nhu cầu và sau cùng là tìm cách giải quyết tháo gỡ những khó khăn cùng với khách hàng.
Năm 2012 được xem là thời điểm xuất hiện những khó khăn của nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng, lãi suất cho vay tăng cao, giá vàng leo thang ngoạn mục. Bản thân chứng kiến nhiều hoàn cảnh rất khó khăn của khách hàng, vỡ nợ, mất khả năng thanh toán, người mất nhà, mất việc, doanh nghiệp giải thể, phá sản... Hồ sơ nợ quá hạn “đổ” ra rất nhiều, trong khi nhân sự tại Phòng Quản lý nợ ACB mỏng, công việc đốc thúc khách hàng phải đi trực tiếp xử lý từng ca, rất vất vả trong khi lương giảm, nhiều đồng nghiệp không trụ lại được. Bản thân cũng muốn dừng bước, tuy nhiên, những trăn trở với công việc, với những khó khăn của khách hàng, với tình hình nhân sự cấp bách tại Phòng, nên tôi đã quyết định ở lại tiếp tục đồng hành cùng với các anh chị em đồng nghiệp. Thời gian đó, tôi cùng với hai bạn đồng nghiệp nữ của Phòng cầm trên tay rất nhiều hồ sơ khách hàng của toàn hệ thống để trình cơ cấu nợ, giúp khách hàng giảm được áp lực thanh toán trong giai đoạn khó khăn đó. Đây là thời điểm có lẽ đáng nhớ nhất trong suốt thời gian làm xử lý nợ của tôi, bởi lẽ tôi đã giúp đỡ được nhiều khách hàng nhất từ trước đến nay. Mỗi hồ sơ được duyệt cơ cấu thành công, mọi người đều hân hoan, hạnh phúc vì đã hoàn thành trách nhiệm và điều quan trọng hơn là đã giúp đỡ được nhiều khách hàng trong lúc khó khăn nhất.
Khi bước sang môi trường làm việc mới tại Phòng Mua Bán & xử lý nợ của VAMC, tôi cùng với nhiều cán bộ khác của Phòng có cơ hội được tiếp cận và xử lý những khoản nợ xấu có dư nợ lớn tại nhiều TCTD. Thông qua nghiệp vụ mua bán nợ theo giá trị thị trường – một nghiệp vụ còn khá mới mẻ đối với nghề xử lý nợ, chúng tôi đã góp phần làm giảm tỷ lệ nợ xấu cho các TCTD, xử lý dứt điểm được nhiều khoản nợ xấu tại TCTD, giúp được nhiều khách hàng giảm bớt được áp lực thanh toán, dần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Niềm vui của những người xử lý nợ như chúng tôi đơn giản lắm, chúng tôi lấy niềm vui của khách hàng là niềm vui trong công việc của mình. Chúng tôi vui khi khách hàng thông báo trả được nợ “em ơi, nay chị thanh toán nha! Chị bán được nhà rồi" hay "nay tiền hàng về bên anh chuyển tiền trả nợ nha!”. Chúng tôi vui khi khách hàng giảm được áp lực thanh toán, vượt qua được khó khăn.
Có ai biết được rằng nghề xử lý nợ là một trong những nghề thường xuyên phải nhìn thấy nhiều trường hợp éo le và khó khăn nhất của khách hàng. Chúng tôi thường nói vui với nhau rằng “khó khăn của khách hàng chính là công việc của mình”. Khi nền kinh tế càng khó khăn, lạm phát thì ngân hàng sẽ càng phát sinh nhiều nợ xấu hơn, đồng nghĩa với việc chúng tôi mới có “công ăn việc làm”. Nhưng thực tâm chúng tôi không mong điều đó xảy ra chút nào cả. Chứng kiến nhiều hoàn cảnh “bi đát” của khách hàng trong công việc không làm chúng tôi có cái nhìn tiêu cực với nghề, mà nhờ vậy bản thân có thêm sự trải nghiệm, có thêm nghị lực, niềm tin vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
“Điều gì làm các bạn xử lý nợ lo sợ nhất khi xử lý hồ sơ ?”, đó là khi khách hàng có thái độ không hợp tác, trốn tránh tiếp xúc, chưa kể nhiều trường hợp khách hàng bỏ trốn hay tìm mọi cách để kéo dài thời gian trả nợ cho ngân hàng. Chính sự bất hợp tác từ phía khách hàng, làm cho quá trình xử lý hồ sơ mất nhiều thời gian và chi phí. Gần 14 năm gắn bó với công việc xử lý nợ, kể sao hết được những khó khăn khi làm việc cùng nhau dưới ngôi nhà chung của Phòng Quản lý nợ ACB hay hiện tại là Phòng Mua bán & xử lý nợ của VAMC. Khó khăn vất vả với bất cứ công việc nào cũng đều có và công việc xử lý nợ cũng không nằm ngoại lệ. Tuy nhiên, bên cạnh tôi luôn có những đồng đội cùng nhau sát cánh trong công việc, sẵn sàng hỗ trợ nhau trong bất cứ tình huống khó khăn nào, bởi vậy “muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau” luôn đúng là như thế!
Người ta vẫn hay nói rằng “nghề chọn người, chứ người đâu chọn nghề”, sắp đi qua một nửa đời người, tôi nghiệm ra rằng mọi thứ đến với mình trong cuộc đời này đều xuất phát từ hai chữ “nhân duyên”, và nghề xử lý nợ cũng vậy. Sẽ không có bất kỳ công thức nào chính xác hoàn toàn để bản thân tôi và bạn tìm ra một nghề mà bạn yêu mãi mãi suốt cuộc đời. Bất kỳ công việc nào cũng có lúc này lúc khác; có thời kỳ sôi nổi, có giai đoạn bão hòa. Đôi khi mình cảm thấy không hài lòng với công việc hiện tại và nghĩ tới chuyện tìm một công việc mới. Tuy nhiên, với bất kỳ công việc nào, không riêng gì nghề xử lý nợ, hãy kiên định, sống hết mình với công việc, tôi tin cuộc đời sẽ không phụ lòng bạn.
PHẠM THỊ HẢI HÀ
Theo Tạp Chí Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|