Tháng Tư - trời Hà Nội trong veo, gió khẽ chạm nhẹ những tán cây non và hoa loa kèn e ấp nở bên phố nhỏ. Tháng Tư cũng là lúc trái tim người Việt ngân vang những xúc cảm thiêng liêng nhất: Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Khắc ghi lịch sử bằng âm nhạc
Giữa muôn sắc ký ức và niềm tự hào bất tận ấy, tiếng đàn piano của Thạc sĩ Bùi Đăng Khánh (giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) - người nghệ sĩ mang trong mình cả một trời tình với âm nhạc cách mạng - vẫn lặng lẽ ngân lên như một lời tri ân, tự hào giữa quá khứ hào hùng và hiện tại thanh bình.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi anh là “người kể chuyện bằng phím đàn”. Bởi trong những chương trình nghệ thuật lớn nhỏ mà anh tham gia trong suốt hơn 20 năm qua - từ những buổi biểu diễn chính luận nghệ thuật, đến các đêm nhạc đón nguyên thủ quốc tế hay chương trình truyền hình trực tiếp như Bài ca đi cùng năm tháng - Dòng thời gian, tiếng đàn của anh như đang thì thầm, đang gọi mời người nghe quay về một thời cha ông đi qua bom đạn với lòng yêu nước rực cháy.
![]() |
Nghệ sĩ piano Bùi Đăng Khánh |
Tốt nghiệp thủ khoa và xuất sắc trong suốt chặng đường học vấn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, thầy Bùi Đăng Khánh không chỉ là một giảng viên tài năng, mà còn là nghệ sĩ đệm đàn cho biết bao thế hệ ca sĩ, nghệ sĩ lớn của dòng nhạc cách mạng như: NSND Quang Thọ, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Lan Anh, ca sĩ Trọng Tấn… Anh đã chứng kiến và sống trong những buổi luyện tập đầy cảm xúc, những câu chuyện kể chân thực từ các cô chú nghệ sĩ - những nhân chứng của thời kỳ kháng chiến. Những câu chuyện ấy, những ca khúc ấy - từ lâu đã không còn chỉ là tác phẩm - mà là một phần ký ức máu thịt trong trái tim người nghệ sĩ.
Anh tâm sự: “Mỗi lần biểu diễn, tôi không chỉ chơi nhạc. Tôi lắng nghe những câu chuyện của các cô, các chú từng trải qua chiến tranh, từng tận mắt chứng kiến phút giây đất nước chuyển mình. Chính họ, những nhân chứng sống của lịch sử, bằng những lời kể giản dị mà chân thực, đã dạy tôi biết yêu thêm những bản nhạc đỏ, trân trọng hơn nền hòa bình mà chúng ta đang được sống. Mỗi khi chơi những giai điệu âm nhạc cách mạng, đặc biệt vào ngày lễ 30/4, tôi cảm nhận sâu sắc sự kết nối với lịch sử, văn hóa và tinh thần dân tộc. Âm nhạc không chỉ là nghệ thuật mà còn là ngôn ngữ truyền tải những câu chuyện về quá khứ hào hùng…” - nghệ sĩ Piano Bùi Đăng Khánh xúc động chia sẻ cùng phóng viên Báo Công Thương.
Người kể chuyện bằng phím đàn
Không lựa chọn dòng nhạc thị trường, không chạy theo xu hướng, nghệ sĩ Bùi Đăng Khánh chọn cách bền bỉ chuyển soạn các bản nhạc đỏ cho piano - một hướng đi tưởng chừng kén khán giả nhưng lại đầy tính lan tỏa với thế hệ trẻ.
“Tôi làm điều ấy vì tôi tin rằng mỗi bản nhạc là một hạt giống lịch sử. Và nếu được gieo đúng cách, đúng lúc, nó sẽ nảy mầm trong tâm hồn người trẻ - bằng sự thấu hiểu và biết ơn”, anh nói.
Với anh, đó là cách để nghệ sĩ thế hệ hôm nay tiếp nối sứ mệnh nghệ thuật của các thế hệ trước: Không chỉ biểu diễn, mà còn giữ lửa, truyền cảm hứng, và nối dài tình yêu quê hương đất nước bằng một thứ ngôn ngữ không lời - nhưng ai cũng thấu hiểu đó là âm nhạc.
![]() |
Nghệ sĩ piano Bùi Đăng Khánh biểu diễn trong một chương trình nghệ thuật |
“Âm nhạc cách mạng không chỉ là giai điệu mà còn là những câu chuyện về lòng yêu nước, sự đoàn kết và khát vọng tự do… Tôi muốn mang đến một góc nhìn mới mẻ, giúp khán giả trẻ cảm nhận sâu sắc hơn tinh thần bất khuất của dân tộc”.
Với anh, âm nhạc là một hành trình tiếp nối: Tiếp nối lý tưởng, tiếp nối khát vọng, tiếp nối tình yêu Tổ quốc. Và khi những thanh âm ấy vang lên là lúc bao lớp người đi trước như hiện diện trong từng khán phòng, nhắc nhở thế hệ hôm nay về một điều tưởng như giản dị: “Muốn giữ gìn non sông, trước hết phải biết yêu thương nó bằng cả trái tim”.
“Tôi sẽ chọn Tiến về Hà Nội…”
Giữa nhịp sống hiện đại, trong một thời đại mà người trẻ mải miết đi tìm bản sắc cá nhân, những người như nghệ sĩ trẻ Bùi Đăng Khánh vẫn luôn kiên nhẫn lặng thầm, kiên trì gìn giữ các giá trị cội nguồn. Điều đó ít nhiều gieo vào lòng công chúng và khán thính giả một niềm tin rằng: “Sự tử tế, lòng biết ơn và tình yêu quê hương sẽ không bao giờ là lỗi thời.”
Thạc sĩ Piano Bùi Đăng Khánh không đơn thuần chơi nhạc, mà đang khắc họa lại những câu chuyện, chân dung một đất nước đã đi qua đau thương để chạm tới tự do bằng chính tiếng đàn sâu lắng và tha thiết của mình.
![]() |
Nghệ sĩ piano Bùi Đăng Khánh cùng đồng nghiệp |
Khi được hỏi, “nếu chỉ được chơi một bản nhạc trong thời khắc kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” - nghệ sĩ Bùi Đăng Khánh không ngần ngại chia sẻ: “Tiến về Hà Nội”. Không chỉ vì đây là bản nhạc hào hùng, mạnh mẽ mà còn vì nó vang lên trong lòng anh như lời chào của tự do, của niềm tin, và của những ngày thanh bình được đánh đổi bằng xương máu của bao thế hệ cha ông.
“Chơi bản nhạc ấy, tôi như thấy hình ảnh các chiến sĩ giải phóng quân giữa mưa bom bão đạn vẫn bước về phía trước. Tôi muốn qua từng phím đàn, gửi đến người nghe, nhất là lớp trẻ một điều giản dị mà thiêng liêng: Đất nước này không tự do một cách ngẫu nhiên. Và chúng ta phải sống sao cho xứng đáng với điều đó”.
Trái tim một người Việt trẻ
50 năm - một nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày đất nước liền một dải. Nhưng với những nghệ sĩ trẻ như Bùi Đăng Khánh, “thời gian ấy không làm nhòa đi những ca khúc cách mạng bất hủ của dân tộc, mà chỉ khiến nó ngân vang mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn - như cách một dòng sông bồi đắp thêm phù sa sau mỗi mùa bão lũ. Tôi luôn có niềm tin chắc chắn là như vậy”.
![]() |
Nghệ sĩ piano Bùi Đăng Khánh |
Trong thời đại hôm nay, những người Việt trẻ như nghệ sĩ Bùi Đăng Khánh đang viết tiếp hành trình gìn giữ hòa bình bằng những việc làm thiết thực: học tập, sáng tạo, sẻ chia và sống tử tế. Tiếng đàn của anh - người nghệ sĩ từ Học viện Âm nhạc Quốc gia - như một dòng chảy cảm xúc âm thầm hòa vào dòng sông ấy, góp phần nuôi dưỡng tình yêu đất nước bằng nghệ thuật, bằng ký ức, và bằng cả những giấc mơ xanh của mai sau.
Và trong những thanh âm ấy, có một Việt Nam kiêu hãnh - đang sống và đang đi về phía tương lai bằng giai điệu của tự do, khát vọng và tự hào.