Nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt: “Giữ hồn quê hương” trong từng nếp áo dài

(Banker.vn) Nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt mang đến Festival Thu Hà Nội 2023 tà áo dài mang đậm nét hồn quê, cùng sứ mệnh lưu giữ nghề làm cổ phục ngàn đời.
Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội Longform | Áo dài Việt Nam: Từ biểu tượng văn hoá đến giá trị kinh tế du lịch

Sinh ra và lớn lên trong làng nghề truyền thống áo dài Trạch Xá, nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt mang đến lễ hội Festival Thu Hà Nội 2023 những tà áo dài mang đậm nét hồn quê, cùng sứ mệnh lưu giữ nghề làm cổ phục ngàn đời.

Mùa thu có lẽ là mùa đẹp nhất trong năm mà thiên nhiên ưu ái ban tặng dành cho thủ đô nghìn năm văn hiến Hà Nội. Hưởng ứng không khí và lưu giữ vẻ đẹp của mùa thu, Festival Thu Hà Nội được tổ chức nhằm mang đến sự giao thoa sống động giữa truyền thống và hiện đại, trải nghiệm những sắc màu nghệ thuật hấp dẫn của văn hoá Hà Nội, Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, đắm mình trong không gian cổ kính của vùng đất thủ đô.

Nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt: Giữ nghề như “giữ hồn quê hương” trong từng nếp áo dài

Sự kiện Festival Thu Hà Nội 2023 tại phố đi bộ Hoàn Kiếm - Hà Nội (Ảnh: Phương Ly)

Mặc dù chỉ diễn ra trong 3 ngày nhưng sự kiện đã mang đến nhiều trải nghiệm thú vị và các gian hàng đa dạng. Sự kiện Festival Thu Hà Nội 2023 đã thu hút hơn 5.000 khách tham quan ở cả trong và ngoài nước. Nằm nép mình trong các gian hàng truyền thống cổ xưa, lấp ló hình ảnh người nghệ nhân đang tỉ mỉ đo vải, cắt chỉ, may từng công đoạn để hoàn thiện tà áo dài. Mỗi tà áo là một hình ảnh mang đậm nét truyền thống đại diện cho quốc phục của người Việt Nam. Gian hàng là điểm đến dành cho du khách có cơ hội được trải nghiệm thử và may đo trực tiếp các tà áo dài truyền thống Việt Nam theo mong muốn của bản thân.

Nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt: Giữ nghề như “giữ hồn quê hương” trong từng nếp áo dài
Gian hàng áo dài của làng Trạch Xá trong lễ hội Thu Hà Nội 2023 (Ảnh: Phương Anh)

Nghề cha truyền con nối “từ trong bụng mẹ đã biết cầm kim”

Xuất thân từ làng nghề truyền thống Trạch Xá cùng kinh nghiệm hơn 40 năm làm nghề, Nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt - Giám đốc HTX làng nghề may áo dài Trạch Xá chia sẻ lòng biết ơn tới công lao của Tổ nghề may áo dài Trạch Xá. Từ đó đến nay, lớp lớp người dân Trạch Xá đã làm nghề này để mưu sinh và giữ gìn như báu vật. Đối với cơ duyên làm nghề áo dài, anh chia sẻ đó là nghề cha truyền con nối đã có hơn 1000 năm tuổi. Từ khi còn nhỏ, anh đã được xem và học hỏi công đoạn may áo dài từ ông bà, cha mẹ và lớn lên vẫn cố gắng giữ gìn và tiếp nối nghề truyền thống này.

Theo nghệ nhân, hình ảnh tà áo dài làng Trạch Xá từ lâu đã mang tới nhiều tiếng thơm đến người dân khắp thủ đô Hà Nội. Trải qua nhiều năm lịch sử, tà áo dài vẫn mang được nét truyền thống cổ xưa. Mặc dù đã có thời điểm làng Trạch Xá đứng trước nỗi lo mất nghề do nhu cầu khách hàng chọn lựa áo dài thay đổi. Trước những biến cố lớn, nghệ nhân làng nghề Trạch Xá vẫn giữ cho mình một nét hoài cổ pha thêm chút hiện đại để phù hợp với thị hiếu khách hàng và tiếp tục tạo ra những sản phẩm áo dài truyền thống mang những tinh hoa của người Việt.

Nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt: Giữ nghề như “giữ hồn quê hương” trong từng nếp áo dài

Gian hàng làm áo dài của làng Trạch Xá trong lễ hội Thu Hà Nội 2023. (Ảnh: Phương Anh)

Ngày nay, việc làm áo dài không chỉ dừng lại ở hai chữ “đam mê” mà còn mang đến nhiều giá trị khác trong cuộc sống của các nghệ nhân làng Trạch Xá. Hiện có khoảng 540 hộ gia đình sống tại làng Trạch Xá và đến 90% làm thợ may. Thậm chí có những nhà xuất thân không phải thợ may nhưng con cháu họ vẫn đam mê với nghề. Người dân của làng cứ người nọ chỉ dạy người kia mà giữ lấy nghề.

Nghề khâu tay giỏi “trong thì dán hồ, ngoài thì phô trứng rận”

Làm bạn với cây kim sợi chỉ từ thuở “lên tám lên mười”, đến nay gần 40 năm gắn bó với nghề, anh Đạt chia sẻ: “Để trở thành một nghệ nhân vừa có tâm vừa có tầm thì không có bí quyết nào ngoài việc mình phải tự tôi luyện bản thân, phải biết nghiên cứu, tìm tòi, sau đó truyền dạy lại cho thế hệ sau những điều tinh túy nhất”.

Nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt: Giữ nghề như “giữ hồn quê hương” trong từng nếp áo dài

Nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt chia sẻ về các công đoạn làm áo dài của làng Trạch Xá

Cũng như các làng nghề khác, trẻ con làng Trạch Xá được dạy nghề từ thuở “còn thơ”. Đến năm 15, 16 tuổi đã có thể dùng thành thạo các kỹ thuật của làng để may một chiếc áo dài truyền thống. Theo lời anh Đạt, các công đoạn làm áo dài, phần nào cũng quan trọng và yêu cầu sự tỉ mỉ cao. Từ công đoạn chọn vải phải “ngang canh thẳng sợi”, vải mịn, đều tăm tắp mới chuẩn chất lượng đầu vào. Đến công đoạn "nhìn người đo cách” quan sát kĩ dáng người và lấy số cho sao cho thật chuẩn để có thể làm ra chiếc áo dài tôn lên được vẻ đẹp của người mặc.

Tiếp sau đó, mới bắt đầu công đoạn quan trọng là may áo. Một bí thuật may độc đáo ở làng Trạch Xá mà không làng nghề may truyền thống nào cũng có được là kỹ thuật “khâu tay dọc”. Ông cha thường ví von kỹ thuật này là “Trong thì dán hồ, ngoài thì phô trứng rận”. Bởi lẽ người Trạch Xá khi khâu áo không hề nhìn thấy kim. Sản phẩm sau khi hoàn thiện, mép trong áo không lộ đường chỉ mà phẳng lì như dán hồ, còn mặt ngoài vải, các mũi chỉ thằng hàng, đều tăm tắp như xếp trứng rận.

Nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt: Giữ nghề như “giữ hồn quê hương” trong từng nếp áo dài

Từ truyền thống địa phương đến thời trang quốc tế

Áo dài là Quốc phục của Việt Nam, là sản phẩm văn hóa truyền thống có ý nghĩa quan trọng trong hành trình quảng bá hình ảnh đất nước. Để những nghệ nhân làm áo dài có chỗ đứng trên thị trường quốc tế không những phải yêu nghề mà còn phải học hỏi, sáng tạo thực sự, bởi để giữ gìn và bảo tồn một nghề truyền thống qua hàng ngàn năm không phải điều đơn giản.

Trải qua những thăng trầm, biến đổi về xu hướng thời trang của xã hội, người dân làng Trạch Xá vẫn một lòng một dạ với áo dài. Nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt nhận định rằng: “Mỗi ngày, mỗi giờ đều có một xu hướng trang phục khác nhau ra đời nhưng làng chúng tôi vẫn giữ nguyên mẫu áo dài truyền thống và bí thuật khâu tay dọc nghìn đời của làng”.

Từ năm 2012, sản phẩm của làng đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu và một số nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc,... Cho đến nay, hầu hết số hộ dân trong làng Trạch Xá vẫn tiếp tục đem Quốc phục của Việt Nam đến với bạn bè ở nhiều quốc gia trên thế giới. Khi được hỏi về những áp lực trong nghề, anh Đạt chia sẻ rằng những nghệ nhân như anh có trọng trách rất lớn trong quảng bá sản phẩm truyền thống của quê hương. Anh đã phải đi khắp nơi tìm tòi, học hỏi, mở cửa hàng cửa hiệu ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và đến những hội chợ lớn như Festival Thu Hà Nội 2023 thì áo dài Trạch Xá mới có cơ hội trở nên quen thuộc với bạn bè quốc tế.

Tại gian hàng của anh Đạt tại sự kiện Thu Hà Nội 2023, đã có nhiều du khách nước ngoài đến tham quan và sắm cho mình những tà áo dài đậm chất Việt Nam.

Nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt: Giữ nghề như “giữ hồn quê hương” trong từng nếp áo dài
Vợ chồng du khách Macao chị Phi Phi và anh Fang Seng trong trang phục áo dài Việt

Chị Phi Phi chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi mặc áo dài, thật may mắn cho chúng tôi khi được thử trang phục này”.

Nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt: Giữ nghề như “giữ hồn quê hương” trong từng nếp áo dài

Hai du khách Mỹ Nancy-Hoa chia sẻ cảm nhận về áo dài Việt Nam. (Ảnh: Phương Ly)

Tôi thấy áo dài rất đáng trân trọng. Cách mọi người mặc áo dài thể hiện rõ nét văn hóa Việt Nam. Đó là một ví dụ cho tín ngưỡng đặc sắc ở châu Á. Chúng tôi vô cùng trân trọng những nét đẹp truyền thống của Việt Nam” -Nancy hào hứng chia sẻ.

Từ làng nghề Trạch Xá, nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt đã mang đến Festival Thu Hà Nội 2023 những tà áo dài đẹp và đậm chất hồn quê. Với hơn 40 năm kinh nghiệm làm áo dài, anh Đạt không chỉ là thợ may tài ba mà còn là người bảo tồn và phát triển nghề làm áo dài truyền thống, góp phần quảng bá hình ảnh Quốc phục Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Phương Ly

Theo: Báo Công Thương