Nghệ nhân Đặng Đình Duy và mối lương duyên tạo hình rồng

(Banker.vn) Người nghệ nhân tài hoa biết thổi hồn vào khúc gỗ, tảng đá vô tri thành những bức phù điêu rồng đạt tới độ tinh xảo.
Nghệ nhân - nòng cốt bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân lĩnh vực di sản văn hoá như thế nào? Chiêm ngưỡng linh vật rồng ngậm ngọc phủ vàng 24K ẩn mình trong mây

Nối tiếp tinh hoa nghề cha ông

Chúng tôi hẹn gặp được Nghệ nhân ưu tú Đặng Đình Duy - người con của quê hương Kinh Bắc trong khoảng thời gian eo hẹp buổi giữa trưa cuối năm. Gần 1 tiếng đồng hồ, được nghe anh chia sẻ nhiều câu chuyện quý về đời, về nghề.

Nghệ nhân Đặng Đình Duy kể: Anh sinh ra trong gia đình có truyền thống làm phù điêu tại thôn An Động, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, người truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất cho anh lại chính là ông ngoại của mình - một nghệ nhân nổi tiếng khắp xứ Kinh Bắc ngày xưa.

Đình Hòa Đình, phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh
Đình làng Hòa Đình, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh

Đáng nói, trong số học trò đến với lớp học của ông ngoại Duy ngày ấy có một trò xuất sắc nhất vừa được thầy truyền cho một họa tiết vào hôm nay thì ngày mai đã có thể thay thầy đứng lớp truyền lại cho bạn khác - đó chính là người cha của Duy. Bởi lẽ được thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật cả từ bố lẫn ông ngoại nên từ nhỏ Duy đã tỏ ra rất có năng khiếu trong lĩnh vực đắp tượng, làm phù điêu.

Hàng ngày, khi cùng bạn chăn trâu ngoài đồng Duy đều bày ra trò cạy đất sét nhào nặn thành tượng các linh thú, rồng phụng… Khi lớn lên, được bà, mẹ dẫn đi lễ chùa thì anh lại say mê ngắm nhìn những bức tượng hiền từ khoan dung ở trong chùa, rồi về nhà tiếp tục nặn, vẽ. Dù chưa được dạy cách nặn nhưng khi xem những bức tượng đất sét của Duy ai cũng phải trầm trồ khen ngợi.

Nhận thấy con có năng khiếu nên khi mới 12 tuổi, anh được bố cho theo để học nghề. Buổi sáng Duy tới trường học cùng các bạn, chiều lại theo bố và anh đến các công trình tâm linh học làm phù điêu đắp nổi. Vốn là người sáng dạ lại có năng khiếu nên Duy tiếp cận với nghề rất nhanh, và các sản phẩm của anh luôn được đánh giá vô cùng tinh xảo và có hồn.

Nghệ nhân Đặng Đình Duy và mối lương duyên tạo hình rồng
Tác phẩm “Đầu Đao: Long Lân hội tụ” tại di tích Đình Hòa Đình - thành phố Bắc Ninh

Trong trí nhớ của anh hùng lao động, nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn (Phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) vẫn có hình ảnh sâu đậm về chàng bé con mải miết đắp đầu Rồng trên mái - đó là nghệ nhân ưu tú Đặng Đình Duy bây giờ.

Cảm hứng bất tận trong sáng tạo nghệ thuật

Tính đến nay, Nghệ nhân Ưu tú Đặng Đình Duy đã có hơn 20 năm làm nghề và là người trực tiếp vẽ mẫu, phục dựng, thi công hàng nghìn tác phẩm phù điêu trong các công trình văn hóa tâm linh trên khắp cả nước.

Tiêu biểu như: Cải đắp trang trí các họa tiết hoa văn truyền thống tại di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Đô (Từ Sơn - Bắc Ninh); vẽ mẫu thiết kế, phục dựng hạng mục Lầu hóa vàng theo kiến trúc cổ tại chùa Dâu (Thuận Thành - Bắc Ninh); tu bổ các di tích đền Thạch Đà, chùa Linh Khánh, chùa Gia Thụy (Hà Nội); vẽ mẫu, tạo dựng họa tiết trang trí ở Thiền viện chùa Hộ Quốc thuộc huyện đảo Phú Quốc...

Tuy nhiên kỷ niệm nhớ nhất đối với anh là sự kiện vào năm 2009, nhân dân Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) muốn làm một bức chiếu thư lớn để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Thật bất ngờ, người dân địa phương lại tin tưởng đề nghị tôi làm công trình này. Như thói quen, trong đầu tôi mường tượng ngay một bức cuốn thư lớn tại cửa rồng - Ngũ Long Môn, có trang trí lưỡng long chầu nhật và các họa tiết vân mây mềm mại trong lòng cuốn thư khắc nổi 214 chữ ứng với 214 năm trị vì của vương triều Lý. Trong thời gian ngắn, tôi hoàn thành bản mẫu phác thảo gửi về phường xin ý kiến góp ý của nhà khoa học, nhân dân địa phương. Đến khi khánh thành tác phẩm, người dân, đông đảo du khách đều trầm trồ trước vẻ đẹp phóng khoáng, bay bổng của bức cuốn thư “Chiếu dời đô” - nghệ nhân Đặng Đình Duy cho biết.

Nghệ nhân Đặng Đình Duy và mối lương duyên tạo hình rồng
Ở mỗi công trình đòi hòi hình tượng rồng khác nhau, điều này đòi hỏi nghệ nhân phải am hiểu và tôn trọng lịch sử

Anh giải thích thêm, ở mỗi di tích thường có nhiều hạng mục, điêu khắc, hoa văn, cấu kiện có giá trị thẩm mỹ, kỹ thuật cao được ông cha xưa tạo dựng bằng chất liệu tự nhiên như: Gỗ, đá, đất sét, vôi, mật mía… Vì vậy, ngày nay khi tu bổ phục dựng, bên cạnh kinh nghiệm, phương pháp bảo tồn truyền thống, còn phải ứng dụng công nghệ hiện đại, bổ sung vật tư mới như: Bê tông, cốt thép, sơn… để làm tăng tính thẩm mỹ, độ bền của tác phẩm mà vẫn bảo đảm giữ được tối đa giá trị gốc của công trình kiến trúc lịch sử văn hóa.

Chia sẻ riêng những bức phù điêu về rồng, anh thừa nhận như một mối lương duyên khó giải thích: Năm 20 tuổi, anh đã tự tay đắp, vẽ thành công nhiều họa tiết, hoa văn trang trí các tác phẩm đòi hỏi sự công phu như: Long lân hội tụ ở đao đình, lưỡng long chầu nhật trên đỉnh nóc…

Rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam; biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết con rồng cháu tiên của người Việt. Hình tượng rồng cũng rất gần gũi với người dân Việt Nam, là biểu trưng của mưa thuận gió hòa, vật linh đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh "Long, Lân, Quy, Phượng” vì thế luôn mang lại cho tôi những cảm hứng bất tận trong sáng tạo nghệ thuật hình tượng rồng” - Nghệ nhân Ưu tú Đặng Đình Duy bày tỏ.

Quỳnh Nga - Thanh Tâm

Theo: Báo Công Thương