Nghề ngân hàng – đạo đức chuẩn mực

(Banker.vn)

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Hoàng Văn Minh, công tác tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), chi nhánh Sở Giao dịch.

Năm 2018 tôi được tuyển vào làm việc tại phòng Ngân quỹ chi nhánh Sở giao dịch thuộc ngân hàng Vietcombank. Được tiếp nhận vào làm việc tại phòng, tôi đã được lãnh đạo phòng cùng các anh chị em đồng nghiệp nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn để nắm bắt và hiểu được chức năng nghiệp vụ của phòng và hơn thế nữa, trong quá trình làm việc anh chị giúp tôi hiểu thêm được tư cách, đạo đức chuẩn mực trong nghề này.

Trước khi được vào làm việc tại đây, tôi cũng đã nghĩ nghề ngân hàng là nghề của những người liêm khiết và chịu được áp lực công việc cao... Thoạt nhìn không gian văn phòng đẹp và hiện đại với những nhân viên ăn mặc lịch sự, nói năng nhỏ nhẹ, người ngoài có lẽ sẽ lầm tưởng nghề ngân hàng là một nghề “sang chảnh”, “thảnh thơi”… Nhưng với những người trong cuộc, áp lực là vô cùng lớn, thậm chí có những vị trí, rủi ro luôn thường trực và hơn nữa nếu không giữ được trái tim trong sáng giàu nhiệt huyết với nghề thì thật khó có thể hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt ở vị trí kiểm ngân khi hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc với nguồn tiền gửi dồi dào của khách hàng. Đồng tiền chưa bao giờ giảm sức hấp dẫn đối với mỗi chúng ta chứ không chỉ riêng cán bộ ngân hàng, chính vì vậy, những cán bộ ngân hàng lại càng cần phải bản lĩnh, cần phải luôn luôn rèn luyện phẩm chất tốt đẹp: trung thực, kỷ cương...

Công việc của một cán bộ kiểm ngân hàng ngày tiếp xúc với tiền, nếu không có cái “tâm” với nghề thì rất dễ mắc sai phạm. Và trong hơn 3 năm làm thủ quỹ giao dịch có một tình huống có thể gọi là kỷ niệm trong công việc mà tôi nhớ nhất, đó là món trả lại tiền thừa 72,8 triệu đồng của khách hàng. Lúc đó vào gần xế chiều, anh khách hàng hớt hải đến quầy gặp tôi nói cần nộp tiền cho con gái gấp ở TP. Hồ Chí Minh, anh cũng không rõ trong túi anh chính xác là bao nhiêu tiền, chỉ biết nộp 1,5 tỷ đồng. Sau khi phân loại tiền tôi phát hiện thừa 72,8 triệu đồng và có thông báo đến anh nhưng anh không tin và nói rằng đảm bảo số tiền đủ. Một lúc sau, anh nghĩ lại là anh đã trả tiền cho khách hàng của anh bị thiếu. Anh cảm ơn tôi rối rít vì đã phát hiện ra, nếu không mất uy tín với khách hàng của anh. Lúc chào, anh không quên quay lại cảm ơn cả phòng ngân quỹ, cảm ơn Vietcombank đã tậm tâm, thật sự lúc đó trong thâm tâm tôi rất vui vì đã làm được việc tốt và càng cảm thấy trân trọng công việc của mình.

Với đặc thù công việc, những cán bộ làm công tác kho quỹ, thủ quỹ, giao dịch viên trong hệ thống ngân hàng phải thực hiện kiểm đếm chính xác số lượng tiền mà khách hàng giao dịch, đồng thời kiểm tra để phát hiện, thu giữ tiền giả, tiền rách; đảm bảo thu, chi chính xác, kịp thời, tạo thuận lợi nhất cho khách hàng giao dịch. Trên thực tế, có không ít trường hợp khách hàng do nhầm lẫn đã nộp thừa so với số tiền giao dịch, mà qua kiểm đếm, các cán bộ thủ quỹ, giao dịch viên, ngân hàng đã kịp thời phát hiện và trả lại cho khách hàng.

Mỗi cá nhân phòng Ngân quỹ nơi tôi làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và phong cách làm việc tận tâm đã để lại trong lòng khách hàng nhiều ấn tượng tốt đẹp. Điều này đã góp phần tích cực trong việc xây dựng hình ảnh Vietcombank gần gũi mà chuyên nghiệp, truyền thống mà hiện đại, góp phần nâng cao uy tín thương hiệu, đưa Vietcombank phát triển ngày càng bền vững.

HOÀNG VĂN MINH

Theo Tạp Chí Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ