Nghệ An: Doanh nghiệp dệt may thích nghi với trạng thái “bình thường mới”

(Banker.vn) Dệt may là ngành sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Bị đối tác phạt, hủy vì giao hàng chậm, dòng tiền đã cạn… là những rào cản lớn khiến nhiều doanh nghiệp dệt may gặp khó khi phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, tại Nghệ An các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giao hàng, tạo đà phát triển trong năm tới.

Thích nghi với “bình thường mới”

Theo sở Công Thương Nghệ An, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp dệt may. Các doanh nghiệp phải điều chỉnh quy mô sản xuất, thực hiện sản xuất “03 tại chỗ”, “01 cung đường 02 điểm đến” hoặc phải tạm dừng hoạt động, cao điểm nhất có 32 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và gần 16.000 người, chiếm tỷ lệ 50% người lao động trong khu kinh tế, các khu kinh nghiệp phải tạm thời nghỉ việc.

Ông Nguyễn Văn Hiệp – Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương Nghệ An cho biết, sau khi Nghệ An đã nới lỏng giãn cách và đi vào trạng thái “bình thường mới”, doanh nghiệp đã dần thích ứng với trạng thái mới, tạo đà phục hồi sản xuất sau nhiều tháng bị đình trệ.

Khi bắt đầu sản xuất trở lại, hầu hết các doanh nghiệp đều sẽ có những khó khăn. Tuy nhiên, trong thời gian đóng cửa, các doanh nghiệp đều đã chuẩn bị những phương án kỹ lưỡng, đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu của Nhà nước, của ngành Y tế, để khôi phục sản xuất, nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí an toàn cho người lao động.

Ngành dệt may Nghệ An đang phục hồi do tận dụng các Hiệp định thương mại tự do, đồng thời, dịp cuối năm cũng là thời điểm thuận lợi để gia tăng các đơn hàng trong nước. Tuy vậy, để có được các đơn hàng, cộng đồng doanh nghiệp cần xây dựng liên kết chuỗi chặt chẽ, chia sẻ thông tin, giải pháp công nghệ, quản trị. Đặc biệt sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch về Việt Nam, nhanh nhạy trước những thay đổi của thị trường, nhất là trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Dệt may tăng tốc

   Tại Nghệ An, hiện nay số lao động trong các KCN, KKT, CCN đã được tiêm vắc xin mũi 1 chiếm 91,2 %, trong đó, số lao động được tiêm mũi 2 chỉ chiếm gần 8%

Nhìn lại đợt ảnh hưởng của dịch bệnh thời gian qua, ông Nguyễn Đình Vĩnh – Phó Giám đốc công ty may Minh Anh cho hay: trong quý IV năm nay, các đơn hàng của công ty vẫn duy trì rất tốt, các đơn hàng mới liên tiếp được bổ sung cho tận quý I, quý II sang năm. Với việc chuẩn bị thêm 2 dây chuyền mới ở huyện Đô Lương và Tân Kỳ DN còn cần thêm 3000 công nhân may mặc. Doanh nghiệp hiện đang ưu tiên tuyển dụng những lao động có tay nghề từ Miền Nam trở về trong dịp dịch vừa qua. Sau thời gian giãn cách, thị trường xuất khẩu dần ổn định, các đơn hàng của Minh Anh chủ yếu xuất sang thị trường Mỹ.

Bên cạnh đó, tinh thần của người lao động cũng đang rất háo hức sau khi được trở lại làm việc, có những dây chuyền năng suất cao hơn bình thường. Có nhiều doanh nghiệp đã tính đến phương án tăng ca, làm thêm giờ để kịp các đơn hàng. "Tôi cho rằng, đây cũng là một tín hiệu mừng cho các doanh nghiệp dệt may những tháng còn lại của năm 2021", ông Nguyễn Đình Vĩnh cho hay.

Về dự báo triển vọng năm 2022, ông Nguyễn Đình Vĩnh cho rằng, năm 2022, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và thế giới sẽ được kiểm soát tốt hơn, khi đó thị trường sẽ tốt lên.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại may Thịnh Phát ở huyện Diễn Châu cho biết, từ khi Chính phủ xác định sống chung với dịch và chính thức có hướng dẫn doanh nghiệp vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế thì Thịnh Phát đã nỗ lực phấn đấu để hoàn thành, giải quyết những đơn hàng giao hàng muộn cho khách hàng của quý III/2021. Hiện nay tất cả người lao động của Thịnh Phát đều làm việc hết công suất, thậm chí 100% lao động làm thêm giờ để hoàn thành những đơn hàng đã ký kết đến quý IV/2021.

“Với chính sách mới về chống dịch của Chính phủ và tinh thần làm việc của người lao động như hiện nay, chúng tôi tin rằng quý IV/2021 này công ty không chỉ hoàn thành mục tiêu của quý IV/2021 mà có thể bù đắp sự giảm sút trong quý III do phải nghỉ giãn cách”, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay.

Theo ông Đinh Văn Phong – Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp và lao động – Khu Kinh tế Đông Nam: Hiện tại, đã có trên 15 doanh nghiệp đăng ký nhu cầu tuyển dụng với trên 3.000 việc làm và có thể sẽ cao hơn vào những tháng đầu năm 2022. Có thể thấy dù dịch bệnh ảnh hưởng khá nhiều đến việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp khá khả quan. Năm 2022 có nhiều dự án lớn đi vào sản xuất dự báo cần khoảng 50.000 lao động, trong đó 60-70 % nhu cầu nhân lực thuộc về dệt may, điện tử phù hợp với lao động phổ thông.

Hoàng Trinh

Theo Báo Công Thương

Theo: Báo Công Thương