Ngày này năm xưa 14/1: Hiệp định CPTPP có hiệu lực với Việt Nam

(Banker.vn) Ngày này năm xưa 14/1/2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam.
Ngày này năm xưa 11/1: Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO Ngày này năm xưa, ngày 12/1/1956 thành lập Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Ngày này năm xưa 13/1: Ban hành tiêu chuẩn Giám đốc Sở Công nghiệp; khánh thành đường sắt Cát Linh-Hà Đông

Chuyên mục "Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước và ngành Công Thương; sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các sự kiện quốc tế ngày 14/1.

Sự kiện trong nước

Ngày 14/1/1920, ngày sinh nhà thơ Chế Lan Viên, tên thật là Phan Ngọc Hoan, quê ở tỉnh Quảng Trị, mất nǎm 1989 ở thành phố Hồ Chí Minh. Thơ Chế Lan Viên giàu chất suy tưởng và vẻ đẹp trí tuệ (trong những nǎm chống đế quốc Mỹ lại đậm tính chính luận). Ông chú trọng khai thác tương quan đối lập giữa các sự vật, hiện tượng, sáng tạo hình ảnh đẹp, mới lạ và ngôn ngữ sắc sảo. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 1996.

Ngày 14 đến 18/1/1949: Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng lần thứ VI (khoá I) chủ trương về quân sự “mạnh bạo đẩy vận động chiến đi tới”, “trọng tâm lúc này là tiếp tục xây dựng bộ đội chủ lực.”

Ngày 14/1/1950, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) ra Lời tuyên bố cùng Chính phủ các nước trên thế giới. Tuyên bố viết: “Trải qua mấy nǎm kháng chiến, nước Việt Nam từng được nhân dân toàn thế giới đồng tình và ủng hộ. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố với Chính phủ các nước trên thế giới rằng: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là Chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam. Cǎn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hoà bình và xây đắp dân chủ thế giới”. Đây được coi là ngày đánh dấu sự thắng lợi của đường lối ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà.

Ngày 14/1/2011, Chính phủ ban hành Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc.

Ngày 14/1/2011, thành lập Tổng công ty Mỏ Việt Bắc thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.

Ngày 14/1/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 03/2013/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg ngày 12/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.

Ngày 14/1/2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 04/2013/QĐ-TTg về thẩm quyền quyết định danh mục và biện pháp xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Ngày 14/1/2014, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ban hành “Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư”.

Ngày 14/1/2014, Phiên đàm phán thứ sáu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) diễn ra tại Brussels (Bỉ).

Ngày 14/1/2015, lễ ký biên bản bàn giao vốn từ Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam sang Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, đánh dấu việc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam hoàn thành đầy đủ thủ tục trong việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước (hoạt động theo Luật doanh nghiệp nhà nước) sang hoạt động theo Luật doanh nghiệp đối với hình thức công ty cổ phần, đại chúng.

Ngày 14/1/2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 101/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định thừa phát lại.

Ngày 14/1/2017, bản thoả thuận thương mại gạo giữa Chính phủ Việt Nam và Philippines năm 2010 chính thức được gia hạn cho giai đoạn tiếp theo từ 31/12/2016 đến hết ngày 31/12/2018, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp đầu mối của Việt Nam tham gia vào các đợt đấu thầu gạo cấp Chính phủ tiếp theo tại Philippines.

Ngày này năm xưa 14/1: Hiệp định CPTPP có hiệu lực với Việt Nam
Ảnh minh hoạ.

Ngày 14/1/2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Với những cam kết mang tính toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, CPTPP giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đối với Việt Nam, nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh như giày dép, thuỷ sản, gạo, cà phê, chè, hạt tiêu, điều gỗ được hưởng ngay mức thuế nhập khẩu 0% vào các nước thành viên CPTPP, mở ra nhiều cơ hội cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Ngày 14/1/2020, Bộ Công Thương có thông tư 01/2020/TT-BCT quy định việc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan năm 2020.

Ngày 14/1/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 78/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030"

Sự kiện quốc tế

Ngày 14/1/1742, ngày mất của Edmund Halley, nhà thiên vǎn học và toán học của nước Anh (sinh năm 1656). Nǎm 1705, ông là người đầu tiên tính được quỹ đạo của một sao chổi xuất hiện nhiều lần trước đó và tiên đoán rằng nó sẽ trở lại Trái đất vào nǎm 1758. Đúng vào Giáng sinh năm đó, ngôi sao chổi này (sau này được mang tên ông) xuất hiện trên bầu trời. Mặc dù sống rất thọ so với đương thời nhưng ông không có may mắn được chứng kiến tiên đoán của mình trở thành sự thật. Sao chổi Halley còn quay trở lại Trái đất vào năm 1986 và lần tới quay lại là vào năm 2061.

Ngày 14/1/1897, đỉnh núi Aconcagua (Argentina) cao 6.960 m, cao nhất châu Mỹ lần được tiên được chinh phục bởi đoàn thám hiểm châu Âu do nhà leo núi người Anh Edward Fitzgerald dẫn đầu.

Ngày 14/1/1950, mẫu máy bay phản lực chiến đấu MiG-17 cất cánh lần đầu tiên do phi công Liên Xô Ivan Ivashchenko điều khiển. Đây là mẫu máy bay chiến đấu huyền thoại, gắn liền với nhiều cuộc chiến trong thời kỳ chiến tranh lạnh. MiG-17 đã trở thành máy bay tiêm kích đánh chặn chính trong Không quân Nhân dân Việt Nam vào năm 1965. Tuy đã lạc hậu vào thời điểm đó, song nhờ chiến thuật hợp lý, những chiếc MiG-17 đã tham chiến và giành những thắng lợi đáng kể trước các máy bay chiến đấu hiện đại của quân đội Mỹ.

Ngày 14/1/1973, buổi hòa nhạc Aloha from Hawaii của Elvis Presley được truyền hình trực tiếp qua vệ tinh, và lập kỷ lục chương trình phát sóng của riêng một nghệ sĩ được nhiều người xem nhất trong lịch sử truyền hình.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 14/1/1920, Nguyễn Ái Quốc lúc này là Thư ký “Nhóm người cách mạng An Nam” tại Pháp có một cuộc diễn thuyết vào 20 giờ 30 phút tại số 3 đường “Chateau”, Paris với đề tài: “Sự tiến triển trong xã hội của những dân tộc vùng châu Á và những lời yêu cầu của xứ An Nam”.

Ngày 14/1/1921, Nguyễn Ái Quốc vào Bệnh viện Côsanh ở Paris để mổ. Ca mổ thực hiện vào ngày 19/1 và Nguyễn Ái Quốc tiếp tục được điều trị tại đó cho đến 25/3/1921. Trong thời gian này mật thám Pháp luôn theo dõi sát sao những tiếp xúc của nhân vật trong Đại hội Tours cuối năm trước đã bỏ phiếu theo Quốc tế III.

Ngày này năm xưa 14/1: Hiệp định CPTPP có hiệu lực với Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết Đinh Dậu gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh (phố Lò Đúc,

Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngày 30/1/1957.

Ngày 14/1/1926, Nguyễn Ái Quốc đang ở Trung Quốc với bí danh là Vương Văn Đạt được mời đến phát biểu tại Đại hội lần thứ II của Quốc dân Đảng Trung Hoa. Kết thúc bài phát biểu, đại biểu Vương kêu gọi: “Tất cả các dân tộc bị áp bức nào, hễ cùng bị chủ nghĩa đế quốc áp bức, thì phải cùng nhau liên hiệp lại. Đả đảo đế quốc Pháp! Đả đảo chủ nghĩa đế quốc trên thế giới!... Không phân biệt nước nào, dân tộc nào, tất cả hãy đứng lên chống kẻ thù chung của chúng ta!”.

Ngày 14/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 4 về việc cử người vào Uỷ ban nghiên cứu kế hoạch và kiến thiết, một cơ quan tư vấn được thành lập từ cuối năm 1945. Sức thu hút nhân tài của Bác Hồ không chỉ mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân mà thực sự đã quy tụ được trí tuệ của dân tộc.

Quang Lộc

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục