Ngày này năm xưa 1/1: Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực

(Banker.vn) Ngày này năm xưa 1/1: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức đi vào hiệu lực.
Ngày này năm xưa 31/12: Bộ Công Thương ban hành Thông tư hợp đồng mua bán điện

Chuyên mục "Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước và ngành Công Thương; sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các sự kiện quốc tế.

Sự kiện ngành Công Thương và sự kiện trong nước

Ngày 1/1/2022: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức đi vào hiệu lực, mở ra một vùng tự do mậu dịch lớn nhất thế giới đến nay, kỳ vọng thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Đây là Hiệp định được 10 nước thành viên ASEAN ký kết với các nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Ngày này năm xưa 1/1: Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực
Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt qua mốc 700 tỷ USD

Việt Nam - 1 trong nhóm 6 nước đầu tiên của ASEAN phê chuẩn Hiệp định RCEP kỳ vọng Hiệp định này sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài, góp phần thúc đẩy thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Ngày 1/1/1946: thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Công hoà, trong đó bộ Kinh tế quốc gia đổi thành Bộ Quốc dân kinh tế (tiền thân của Bộ Công Thương ngày nay).

Ngày 1/1/1981: ông Trần Phương được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nội thương (nay là Bộ Công Thương) thay ông Trần Văn Hiển.

Ngày 1/1/1803: Nguyễn Ánh, tức vua Gia Long đã ra lệnh đúc 9 khẩu súng thần công để bảo vệ kinh thành Huế. 9 khẩu thần công có tên Xuân – Hạ – Thu – Đông – Mộc – Hỏa – Thổ – Kim – Thủy. Năm 2012, 9 khẩu thần công được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam.

Ngày 1/1/1914: ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Ông giữ chức vụ Chính ủy Quân khu cục Miền Nam trong chiến tranh Việt Nam, trực tiếp lãnh đạo chiến trường Miền Nam Việt Nam. Ông cũng là người đề ra chiến thuật đánh áp sát của Quân Giải phóng miền Nam với phương châm “Nắm thắt lưng địch mà đánh”. Ông mất ngày 6/7/1967 tại Hà Nội.

Ngày 1/1/1960: Hiến pháp mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được công bố. Hiến pháp mới chính thức xác định miền Bắc nước ta bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp mới là cương lĩnh chỉ đạo cuộc đấu tranh Cách mạng và xây dựng đời sống mới của nhân dân ta.

Ngày 1/1/2021: thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Vào này này, Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chính thức có hiệu lực, Thủ Đức trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam thuộc loại hình đơn vị hành chính thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 1/1/1942: Nguyễn Ái Quốc làm bài thơ “Chúc năm mới” đầu tiên đăng trên báo “Việt Nam độc lập” với những lời cổ vũ đầy hào khí: “Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!/Năm này là năm rất vẻ vang/Cách mệnh thành công khắp thế giới”.

Kể từ năm ấy, hàng năm vào ngày đầu tiên của dương lịch hay ngày Tết âm lịch, Bác Hồ đều có lời chúc Tết, chỉ trừ 3 năm 1955, 1957 và 1958.

Ngày này năm xưa 1/1: Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh vui đón Xuân Mậu Thân với các cháu nhi đồng (30/12/1967)

Ngày 1/1/1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Chính phủ Liên hiệp lâm thời bao gồm nhiều nhân sĩ thuộc nhiều đảng phái, khuynh hướng chính trị biểu thị khối đại đoàn kết dân tộc đó ra mắt tại quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội làm lễ tuyên thệ trước quốc dân.

Ngày 1/1/1954, Bộ Chính trị họp để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ định cơ quan lãnh đạo mặt trận. Chính tại cuộc họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

Ngày 1/1/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh có mặt trên lễ đài tại quảng trường Ba Đình lịch sử trong ngày lễ Chính phủ ra mắt đồng bào Thủ đô sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sự kiện quốc tế

Ngày 1/1/1896: nhà vật lý Đức Wilhelm Röntgen thông báo việc tìm ra tia X hay còn gọi là tia Röntgen. Khám phá này đã đem lại cho ông giải Nobel Vật lý năm 1901. Đây là giải Nobel Vật lý đầu tiên trong lịch sử giải thưởng này.

Ngày 1/1/1959: ngày lãnh tụ Cuba Fidel Castro cùng đội quân cách mạng tiến vào thủ đô La Habana sau khi lật đổ chế độ độc tài Batista và ngày 1/1/1959 trở thành ngày Quốc khánh của Cộng hoà Cuba.

Ngày 1/1/1984: Brunei giành được độc lập từ Vương quốc Anh. Lúc nửa đêm ngày 1/1/1984, nhà lãnh đạo Hassanal Bolkiah đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra đất nước Brunei ngày nay.

Ngày 1/1/1989: Nghị định thư Montréal về các chất làm suy giảm tầng ozone có hiệu lực. Đây là một hiệp ước quốc tế được thiết kế để bảo vệ tầng ozone bằng cách loại bỏ dần việc sản xuất nhiều các chất được cho là chịu trách nhiệm về sự suy giảm ozone. Hiệp ước này được mở cho việc ký kết vào ngày 16/9/1987 và đến nay đã được 196 quốc gia phê duyệt.

Ngày 1 /1/1995: Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chính thức đi vào hoạt động. WTO được thành lập vào ngày 15/4/1994. WTO là tổ chức thay thế cho Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT), đóng vai trò thúc đẩy tự do thương mại, giải quyết tranh chấp thương mại, giám sát chính sách thương mại ở các quốc gia và hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển. Việt Nam là thành viên chính thức của WTO từ tháng 11/2006.

1/1/1983: Mạng ARPANET đổi nền giao thức liên mạng từ NCP thành TCP/IP bắt đầu thời kỳ Internet hình thức như ngày nay.

Ngày 1/1/1992, các nước châu Âu bắt đầu việc gỡ bỏ các hàng rào thương mại.

Ngày 1/1/1999, đồng euro, đồng tiền chung của các nước thuộc Liên minh châu Âu được đưa vào sử dụng.

Sự kiện hôm nay

Thông tư 32/2022/TT-BCT (ngày 18/11/ 2022) có hiệu lực. Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 32/2022/TT-BCT sửa đổi Thông tư số 05/2022/TT-BCT ngày 18/2/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Theo đó thay thế Phụ lục I (Quy tắc cụ thể mặt hàng) tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư số 05/2022/TT-BCT bằng Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.Thay thế Phụ lục III (Mẫu C/O RCEP xuất khẩu và mẫu Tờ khai bổ sung C/O) tại điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư số 05/2022/TT-BCT bằng Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Lễ khởi công dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông

Áp dụng quy trình giám định bảo hiểm y tế mới theo Quyết định số 3618/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Quang Lộc

Theo: Báo Công Thương