Tổng công ty Đông Bắc tiết lộ con số lợi nhuận sau thuế thu về trong 2 quý đầu năm là 417 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái. |
Mới đây, Tổng công ty Đông Bắc đã công bố tình hình tài chính sơ lược 6 tháng đầu năm 2023 với kết quả tích cực.
Theo đó, vốn chủ sở hữu của Tổng công ty tăng nhẹ từ 1.993 tỷ đồng lên 2.207 tỷ đồng, tương đương 10,7% sau 2 quý hoạt động. Không chỉ gia cố bộ đệm vốn, nợ phải trả cũng được "ông trùm" ngành than Việt Nam tiết giảm xuống khoảng 9.400 tỷ đồng, giảm 800 tỷ đồng so với đầu năm.
Vì vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp đã giảm còn 4,27 lần, thay vì 5,13 lần như thời điểm "mở bát" năm 2023.
Đặc biệt, Tổng công ty Đông Bắc tiết lộ con số lợi nhuận sau thuế thu về trong 2 quý đầu năm là 417 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu là 18,9%, tăng mạnh so với nửa đầu năm 2022 là 9,95%.
Ngoài các trường thông tin trên, các chỉ tiêu quan trọng khác như doanh thu, chi phí... chưa được Tổng công ty đề cập trong báo cáo vắn tắt này, và dư luận sẽ phải chờ đến khi ban lãnh đạo đưa ra Báo cáo tài chính bán niên 2023 theo quy định.
Tổng công ty Đông Bắc là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, chuyên khai thác, kinh doanh than, khoáng sản. Doanh nghiệp này được thành lập theo Quyết định số 127/2006/QĐ-BQP ngày 4/7/2006 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trên cơ sở tổ chức lại Công ty Đông Bắc theo Quyết định số 93/2006/QĐ-TTg ngày 26/4/2006 của Thủ tướng Chính Phủ. Tháng 10/2010, Tổng công ty Đông Bắc chuyển đổi sang hình thức Công ty TNHH Một thành viên. Sau 11 lần thay đổi, đến nay tổng vốn điều lệ của doanh nghiệp là 1.400 tỷ đồng với 3 công ty con bao gồm: Công ty CP 397 (chiếm 51% vốn điều lệ); Công ty CP Vận tải và Chế biến than Đông Bắc (chiếm 51%); Công ty CP Than Sông Hồng (chiếm 54,62%). Ngoài ra, Tổng công ty Đông Bắc còn có 9 công ty là đơn vị trực thuộc, chủ yếu đặt tại tỉnh Quảng Ninh. |
Không chỉ Tổng công ty Đông Bắc có hoạt động kinh doanh hiệu quả, bối cảnh thị trường 6 tháng đầu năm 2023 đã ủng hộ quyết liệt cho nhóm doanh nghiệp ngành than Việt.
Tiêu biểu, anh lớn đầu ngành - Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) ghi nhận doanh thu toàn tập đoàn 6 tháng đầu năm đạt 87.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ than đóng góp 56.500 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ, hoàn thành 53,5% kế hoạch cả năm.
Trong kỳ, sản lượng than tiêu thụ của TKV đạt 25,3 triệu tấn, bằng 54% kế hoạch năm và tăng 3% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng tiêu thụ tại thị trường trong nước là 25 triệu tấn; cung cấp than cho hộ điện trên 21 triệu tấn, tăng 3 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm ước đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng 50%, tương ứng mức thực hiện 60% kế hoạch năm. TKV trong giai đoạn này đã nộp Ngân sách Nhà nước 17.600 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ.
Tương tự, những doanh nghiệp ngành than trên sàn cũng đua nhau trình diễn kết quả kinh doanh ấn tượng.
6 tháng đầu năm, dẫn đầu về tăng trưởng là Công ty CP Than Đèo Nai (TDN) với mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất là 314%, tăng từ 6,4 tỷ đồng lên 26,5 tỷ đồng; tiếp đó là Than Hà Tu (tăng 208%), đạt 44,6 tỷ đồng; Than Mông Dương (tăng 148%), đạt 29 tỷ đồng; Than Núi Béo (tăng 123%), đạt 35,6 tỷ đồng và Than Vàng Danh (tăng 115%), đạt 60,5 tỷ đồng...
Với kết quả kinh doanh khả quan sau nửa đầu năm, nhóm doanh nghiệp ngành than trên sàn về cơ bản đều đã hoàn thành được một nửa kế hoạch kinh doanh cả năm 2023.
Cá biệt có trường hợp của Công ty CP Xuất nhập khẩu Than - Vinacomin (CLM), mặc dù kết quả kinh doanh sụt giảm so với cùng kỳ nhưng với các chỉ tiêu kinh doanh thận trọng nên đã hoàn thành được 80% mục tiêu về doanh thu và vượt 97% kế hoạch lợi nhuận.
Ngoài ra, vì khoản lãi mỏng trong nửa đầu năm (khoảng 2 tỷ đồng), nên Than Cọc 6 (TC6) chỉ mới hoàn thành được vỏn vẹn 5% kế hoạch lãi cả năm 2023.
Thanh Phong
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|