Ngành Tài chính Ngân hàng vẫn ‘sống khỏe’ bất chấp dịch COVID-19

(Banker.vn) Là một trong những ngành huyết mạnh của nền kinh tế, Tài chính Ngân hàng được nhận định sẽ hứng chịu thiệt hại nặng nề giữa đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhờ sức chống chịu tốt và được ‘hậu thuẫn’ bởi nhiều yếu tố thuận lợi, ngành Tài chính Ngân hàng vẫn ‘lên hương’ bất chấp dịch bệnh.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, nhiều ngân hàng bội thu với lợi nhuận cao ngất ngưởng. Kết thúc quý I/2021, hàng loạt ngân hàng ào ạt báo lãi. Cụ thể, Vietcombank báo lãi trước thuế vượt 8.600 tỷ đồng, tặng 65% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 47% so với quý I/2019. Viettinbank cũng có quý đầu năm tích cực với báo lãi trước thuế là 8.060 tỷ đồng, gấp gần 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Về khối ngân hàng cổ phần, MBBank lãi thuần từ dịch vụ của ngân hàng này trong quý I/2020 tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt với các Công ty Chứng khoán đã có một năm rất thuận lợi: SSI lãi 529 tỷ đồng, VNDirect lãi 500 tỷ đồng, HSC lãi 364 tỷ đồng...

Vậy đâu là lý do giúp các định chế tài chính này sống khỏe, liệu có phải “ăn may” không hãy cùng người viết tìm hiểu:

Tài chính Ngân hàng là ngành nghề thiết yếu và vẫn được hoạt động trong đại dịch

Sự ‘lên hương’ của nhóm Tài chính Ngân hàng giữa đại dịch COVID-19 khẳng định đây là ngành có sức ‘sống khỏe’ và khả năng chịu đựng cao. Trước hết phải nhấn mạnh, các hoạt động giao dịch tiền tệ vẫn phải diễn ra để xã hội không bị đình trệ nên ngành ngân hàng không bao giờ rơi vào tình trạng đóng cửa suốt mùa dịch. Việc này trái ngược với các ngành nghề khác như du lịch, nghỉ dưỡng, khách sạn... đang lao đao trong mùa dịch

Tài chính Ngân hàng là ngành luôn tiên phong cho việc Chuyển đổi s

Theo phân tích của TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia Tài chính Ngân hàng, trong bối cảnh CMCN 4.0, Tài chính Ngân hàng là một trong những ngành đi đầu trong ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản trị, chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí, nhờ đó tối đa hóa lợi nhuận. Các ngân hàng đã ứng dụng nhiều công nghệ đột phá vào hoạt động nghiệp vụ để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, tiện lợi mang lại trải nghiệm, lợi ích thiết thực, tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng. Từ đó thu hút lượng lớn khách hàng, gia tăng lợi nhuận từ dịch vụ.

Để đáp ứng dịch vụ ngân hàng, tài chính, chứng khoán hiện đại, tiết kiệm chi phí và thời gian cho khách hàng, ngành ngân hàng đã có sự nỗ lực rất lớn trong việc ứng dụng hàng loạt công nghệ mới như ví điện tử, eKYC, dịch vụ số đa nền tảng, giao dịch online… và được đầu tư, chuẩn bị từ lâu, giúp cho việc thích ứng nhanh nhạy và trơn chu khi đại dịch xảy ra.

Theo báo cáo của IDC, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ví điện tử giai đoạn 2017-2022 đạt 67%, xếp thứ 3 trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Cũng theo báo cáo này, nhu cầu sử dụng ví điện tử sẽ tiếp tục tăng cao do tác động của dịch COVID-19 cùng sự ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của thế hệ Millennials (những người sinh sau 1980 đến đầu 2000) và GenZ (những người sinh sau năm 2000).

Tài chính Ngân hàng là ngành đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao

Ngoài ra, việc đẩy mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao cũng cho thấy tiềm năng thành công trong chiến lược chuyển đổi của ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã dành ngân sách lớn cho việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức thường xuyên cho CBNV, đặc biệt là các chuẩn mực trong cách ứng xử của cán bộ ngân hàng. Từ đó tạo dựng được lòng tin và sự hài lòng của khách hàng.

Đặc biệt, từ khi COVID-19 bùng phát trên toàn quốc vào năm 2020, ngoài việc tiên phong hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều chính sách để vừa đảm bảo an toàn cho nhân viên vừa duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận tăng đồng nghĩa với thu nhập của các nhân viên ngành Tài chính Ngân hàng cũng tăng theo.

Các công việc đều được quy trình hóa và tự động hóa

Trong Ngân hàng, bất kỳ một công việc đơn giản nhất cho đến phức tạp cũng được quy trình hóa với các bước, biểu mẫu thực hiện... và thường xuyên chỉnh sửa để tối ưu hóa quy trình cũng như tự động hóa các quy trình lặp đi lặp lại. Đây cũng là một điều khá ít doanh nghiệp thực hiện và áp dụng thường xuyên. Ví dụ như một công việc như cấp phát văn phòng phẩm được thực hiện hàng tháng họ cũng có quy trình riêng và tự động hóa công việc này để giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian tác nghiệp của các bộ phận.

Năng lực quản trị tiên tiến và thường xuyên thuê tư vấn chiến lược

Chúng ta thường xuyên được đọc và nghe các thông tin ký kết hợp tác tư vấn chiến lược giữa các định chế tài chính với các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới như Boston Consulting Group (BCG), McKinsey từ những năm 2009. Chính việc được tư vấn bởi các đơn vị hàng đầu thế giới đã giúp các đơn vị này có được nền tảng năng lực, chiến lược vững chắc, giúp tạo đà cho việc thực thi các kế hoạch để hiện thực hóa mục tiêu, tầm nhìn dài hạn. Có thể kể tới những cái tên sau khi có tư vấn chiến lược đã lột xác, trở thành những định chế top đầu như: Techcombank, VPBank, MSB, VIB, MB...

Do vậy theo ý kiến tác giả việc ngành Tài chính Ngân hàng sống khỏe trong giai đoạn đại dịch vừa qua không phải do yếu tố “ăn may” mà nó đến từ nội lực từ các định chế tài chính, nội lực đã được chuẩn bị và quyết liệt triển khai trong nhiều năm trước đó.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

ThS. Vũ Việt Dũng

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán