Ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

(Banker.vn) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Kế hoạch số 08/KH-NHNN triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ngành Ngân hàng năm 2021.

Mục đích của Kế hoạch nhằm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong hoạt động của cơ quan, đơn vị nhằm công khai minh bạch hoạt động của cơ quan; phát huy quyền làm chủ của công chức, viên chức, người lao động trong hoạt động của cơ quan và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; góp phần xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới của Ngành, của đất nước; tăng cường kỷ cương, kỳ luật, phòng ngừa và chống các hành vi tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quan liêu, sách nhiễu, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị và đội ngũ công chức, viên chức, người lao động đủ năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị vững vàng; nâng cao tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy phục vụ nhân dân của công chức, viên chức; phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện dân chủ.

Trên tinh thần đó, Kế hoạch đã đưa ra một số nội dung thực hiện, như:

- Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở;

- Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thực hiện các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành Ngân hàng về thực hiện Quy chế dân chủ;

- Lãnh đạo đơn vị nâng cao trách nhiệm về thực hiện quy chế dân chủ;

- Công chức, viên chức và người lao động chấp hành tốt nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị;

- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời;

- Thực hiện các quy định về nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp, quy tắc ứng xử, nguyên tắc trong hoạt động nghề nghiệp và những việc không được làm theo quy định của pháp luật;

- Công khai để công chức, viên chức và người lao động được biết những việc tham gia ý kiến, thực hiện quyền giám sát, kiểm tra theo quy định;

- Thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, kịp thời đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tiêu cực “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”;

- Triển khai thực hiện dân chủ trong mối quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan theo quy định. Ngăn chặn, không để xảy ra các hành vi quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết công việc của công dân, tổ chức…

Kế hoạch yêu cầu, lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo việc thực hiện Quy chế dân chủ vào Nghị quyết cuộc họp đơn vị hàng quý, 6 tháng, cuối năm để kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện và đề ra phương hướng, giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Chỉ đạo sâu sát trong công tác kiểm tra, giám sát; Phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở tại đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát đôn đốc việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Các đơn vị tùy theo tình hình, đặc điểm của đơn vị mình xây dựng Kế hoạch thực hiện, quán triệt chỉ đạo cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị mình hiểu rõ để thực hiện có nền nếp, thường xuyên.

PV

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục