Ngành Ngân hàng TP. Cần Thơ đồng hành hỗ trợ nguồn lực về vốn cho hợp tác xã

(Banker.vn) (thitruongtaichinhtiente.vn) - ​​​​​​​Ðể hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, ngành Ngân hàng trên địa bàn TP. Cần Thơ luôn đồng hành, nỗ lực triển khai chính sách, chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với lĩnh vực nông sản, thủy sản.

Năm 2021, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh COVID-19 nhưng tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP. Cần Thơ đạt mức khá cao 16,24%. Trong tháng 1/2022, vốn huy động và dư nợ cho vay tăng so với tháng 12/2021. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đang quyết liệt triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh. Ðồng thời đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục, tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Theo thống kê của NHNN Chi nhánh TP. Cần Thơ, đến cuối tháng 1/2022, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ đạt 2.500 tỉ đồng cho hơn 3.500 khách hàng. Doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến cuối tháng 1/2022 đạt 86.000 tỉ đồng, dư nợ cho vay mới đạt 22.000 tỉ đồng cho hơn 8.700 khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trong tháng 1/2022, vốn huy động và dư nợ cho vay tăng so với tháng 12/2021. Cụ thể, nguồn vốn huy động đạt 93.400 tỉ đồng, tăng 0,46% so với tháng 12/2021 và đáp ứng được 77,06% tổng dư nợ cho vay. Tăng trưởng tín dụng tháng đầu năm nay tăng 0,48% so với cuối năm 2021, với tổng dư nợ cho vay hơn 121.200 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 1/2022 là 34.700 tỉ đồng, chiếm 28,63% tổng dư nợ, tăng 0,75% so với tháng 12/2021. Dư nợ cho vay xuất khẩu 12.300 tỉ đồng, tăng 1,49%; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 29.200 tỉ đồng, tăng 0,94%; dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ 220 tỉ đồng, tăng 1,85% so với tháng 12/2021.

Đặc biệt, theo NHNN chi nhánh thành phố, đến cuối tháng 1/2022 dư nợ cho vay nuôi trồng, chế biến cá tra đạt 4.400 tỉ đồng, tăng 0,89% so với tháng 12/2021. Có 34 TCTD tham gia cho vay thu mua lúa, gạo; dư nợ cuối tháng 1/2022 là 12.500 tỉ đồng, tăng 0,9%.

Đáng chú ý, theo ThS.Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Cần Thơ: Ðể hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, ngành Ngân hàng TP. Cần Thơ luôn đồng hành, nỗ lực triển khai chính sách, chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với lĩnh vực nông sản, thủy sản.

Theo đó, các HTX hoạt động ở các lĩnh vực này được hỗ trợ lãi suất 100% trong 2 năm đầu và 50% trong năm thứ 3 khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại để mua máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời, thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, cho các doanh nghiệp, HTX tiếp cận nguồn vốn tín dụng, phục vụ phương án, dự án sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, NHNN không ngừng đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; kết hợp phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với HTX; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn cho vay, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu tối đa là 4,5%/năm, thấp hơn từ 1-2,5%/năm so với lãi suất cho vay các lĩnh khác, nhằm giúp cho các HTX có thể tiếp cận vốn tín dụng.

Để tiếp thêm nguồn lực về vốn cho HTX, Liên minh HTX thành phố đã kết nối cho các HTX có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh làm việc với một số ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố; đồng thời, tạo điều kiện cho nhiều HTX nông nghiệp vay vốn ưu đãi từ nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX thuộc Liên minh HTX Việt Nam. Cùng với đó, hỗ trợ cho HTX nông nghiệp vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng để mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; kết nối cho nhiều công ty, doanh nghiệp làm việc với các HTX nông nghiệp thực hiện hợp đồng liên kết cung cấp dịch vụ đầu vào và bao tiêu đầu ra cho HTX…

HTX Khiết Tâm, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh là một trong những đơn vị điển hình được thành phố hỗ trợ tham gia các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, từ đó HTX có điều kiện tiếp cận được các nguồn vốn tài trợ để mở rộng quy mô sản xuất, hợp tác với doanh nghiệp thực hiện mô hình cánh đồng lớn, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho 161 thành viên và nông dân vào HTX, cao hơn 1,5 lần so với nông dân trồng lúa riêng lẻ. Năm 2015, HTX được thành phố hỗ trợ tham gia “Dự án cạnh tranh nông nghiệp” do Ngân hàng Thế giới tài trợ, với tổng giá trị 5 tỉ đồng. Nhờ vậy, HTX có điều kiện xây dựng nhà kho trữ lúa 1.000 tấn, 1 lò sấy lúa 50 tấn/mẻ, 3 thiết bị san ủi đất bằng tia laser, 1 máy cuốn rơm, trạm bơm, xe vận chuyển. Từ đó, HTX không ngừng phát triển, mở rộng diện tích sản xuất lúa, với tổng diện tích trên 1.200ha; đồng thời, phát huy hiệu quả vai trò cung ứng dịch vụ hậu cần trong nông nghiệp, từ việc cung ứng lúa giống, cày đất, phân bón, gặt đập liên hợp, đến công đoạn vận chuyển, sấy lúa, bảo quản và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên.

Các chính sách hỗ trợ về nguồn vốn thời gian qua đã góp phần thúc đẩy các HTX phát huy hiệu quả hoạt động. Song, thực tế nhiều HTX gặp khó khi tiếp cận vốn từ phía các ngân hàng thương mại hay TCTD… Theo ThS.Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Cần Thơ dù các TCTD đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho vay đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX, song dư nợ cho vay HTX trên địa bàn thành phố vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong tổng dư nợ.

Tính đến hết ngày 31/12/2021, tổng dư nợ đối với HTX trên địa bàn thành phố đạt trên 115 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay HTX nông nghiệp, lâm, ngư, nghiệp chiếm trên 67,4%; HTX xây dựng chiếm 21,96%; HTX thương mại dịch vụ chiếm 6,33% và HTX giao thông vận tải chiếm hơn 4,2%... Nguyên nhân do các HTX chưa đáp ứng được điều khoản, thủ tục vay, bởi quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế; nhiều HTX còn hạn chế trong quản trị điều hành, thiếu minh bạch và thực hiện chưa đúng quy định về quản lý tài chính, kế toán; tài sản của HTX ít, chủ yếu là của thành viên và đã vay theo chương trình khác…

Ðể gỡ vướng về vốn, đòi hỏi các HTX phải nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, chủ động cung cấp thông tin về tình hình tài chính, cung cấp hợp đồng bao tiêu, hợp đồng đầu vào; các thành viên trong HTX cần mạnh dạn bảo lãnh bằng chính tài sản của các thành viên, tài sản được đầu tư mua sắm của HTX hoặc tài sản do thành viên đóng góp cần phải được hợp thức hóa để thể hiện tài sản chung của HTX và có thể sử dụng làm tài sản đảm bảo tiền vay khi vay vốn ngân hàng.

Cùng với đó, các ngân hàng thương mại cũng sẽ tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với đối tượng là HTX; đổi mới quy trình cho vay, tăng cường khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của các HTX để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, làm cơ sở cho vay không có đảm bảo tài sản của HTX…

Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Cần Thơ Trần Quốc Hà khẳng định thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và giám sát các TCTD trên địa bàn triển khai tích cực, hiệu quả hệ thống chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ðồng thời hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, HTX tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng “đen”.

Theo:
    Bài cùng chuyên mục