Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số, trở thành "ví" của người dân

(Banker.vn) Tiên phong trong quá trình chuyển đổi số, với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, ngành ngân hàng đã trở thành "ví" của người dân, đóng góp quan trọng vào việc hạn chế sử dụng tiền mặt và thúc đẩy thanh toán một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất.
tt-khong-dung-tien-mat-2.jpg

Rút tiền mặt giảm đáng kể, thanh toán chuyển khoản tăng mạnh

Sau hơn hai năm nỗ lực chuyển đổi số, ngành ngân hàng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tại tọa đàm trực tuyến "Đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số" do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ tổ chức ngày 21/8/2023, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, chưa bao giờ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Tất cả những điểm đến của người dân như siêu thị, nhà hàng, cửa hàng, chợ dân sinh hay quán trà đá vỉa hè... đều có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Nếu như trước đây, ngân hàng phải chuẩn bị một lượng tiền mặt rất lớn để phục vụ người dân, thì nay không còn phải lo lắng về chuyện đó, bởi ngân hàng đã trở thành “ví” của người dân.

Tính đến tháng 6/2023, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản bình quân tăng 52,35% so với năm 2022. Lượng thanh toán thông qua POS, mã QR, internet và Mobile Banking tăng cả về giá trị lẫn số lượng. Trong khi đó, lượng rút tiền mặt qua ATM giảm khoảng 6,3%. Như vậy, chuyển đổi số có thể giúp hạn chế sử dụng tiền mặt và thúc đẩy về thanh toán một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất.

Cùng với đó, khoảng 40 ngân hàng đã mở tài khoản thanh toán cho khách hàng với khoảng 11 triệu tài khoản thông qua phương thức eKYC; khoảng 20 ngân hàng mở tài khoản thanh toán thẻ đối với khách hàng thông qua eKYC với số lượng 10,8 triệu. Đây là một trong những kết quả tích cực trong lĩnh vực thanh toán thẻ.

Đáng chú ý, ngân hàng là một trong những ngành tích hợp nhanh trong thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư của Chính phủ. Cho đến nay, có khoảng 25 triệu tài khoản của khách hàng đã tích hợp dữ liệu dân cư sau khi Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thỏa thuận thống nhất về triển khai về tích hợp dữ liệu dân cư với tài khoản ngân hàng. Rõ ràng, nếu không có chuyển đổi số thì ngành ngân hàng sẽ không thể tích hợp nhanh đến vậy.

Khẳng định đây là sự chuyển đổi vượt bậc đối với ngành ngân hàng, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 xảy ra, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá: "Để đạt được những kết quả tích cực như vậy, ngành Ngân hàng đã rất nỗ lực trong công cuộc chuyển đổi số. NHNN đã xây dựng chiến lược 2021- 2025 nhằm triển khai kế hoạch Chính phủ số và ngành Ngân hàng cũng là một trong những ngành đi đầu với sự tham gia đầu tư của các NHTM với mức đầu tư 15.000 tỷ đồng cho công cuộc chuyển đổi số". Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, "đây là kết quả mà người dân lẫn ngân hàng đều được hưởng lợi, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và thực hiện Chương trình tài chính toàn diện quốc gia".

Dưới góc độ NHTM tham gia trực tiếp vào quá trình chuyển đổi số, ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc cao cấp An ninh Thông tin, Ngân hàng Techcombank cho hay, dưới sự chỉ đạo, quản lý và thúc đẩy của Chính phủ cũng như các cơ quan ban, ngành, ứng dụng số trong ngành Ngân hàng là tiên phong và có những kết quả vượt trội.

Hiện nay, các ứng dụng số cũng như chuyển đổi số và ứng dụng trực tuyến đã được áp dụng cho hầu hết các khách hàng của ngân hàng, bao gồm khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Bắt đầu từ trải nghiệm lúc mở tài khoản thông qua cơ chế eKYC, khách hàng có thể mở tài khoản điện tử trực tuyến, giúp thúc đẩy người dân sử dụng tài khoản nhiều hơn.

Trước đây, thay vì người dân phải đến ngân hàng với nhiều thủ tục, giấy tờ khiến mất nhiều thời gian, thì nay chỉ cần ngồi ở nhà đã có thể mở tài khoản trong vòng 15 – 20 phút. Từ việc khách hàng có thể mở tài khoản online cho đến việc tiêu dùng, người dân gần như đã thành thạo các nghiệp vụ cơ bản như chuyển khoản, thanh toán… đều được sử dụng qua nền tảng trực tuyến.

Ngân hàng cũng đã kết hợp với công ty Fintech mở các ví điện tử để người dân có thể thanh toán trực tuyến các dịch vụ cơ bản như điện, nước, tiền nhà, tiền điện thoại… Với ứng dụng thẻ (Mastercard, Visa), ngân hàng đã tăng cường sử dụng thanh toán thẻ nhiều hơn, làm giảm đáng kể tỷ lệ sử dụng tiền mặt. Cùng với việc tích hợp ứng dụng mã QR trên điện thoại, giờ đây, người dân chỉ cần mang điện thoại để thanh toán mọi giao dịch từ nhỏ đến lớn một cách nhanh chóng, dễ dàng và thuận tiện. “Tốc độ nhanh, không cần quản lý tiền mặt” - rõ ràng ứng dụng chuyển đổi số đã thực sự đi vào đời sống của người dân từ người bán hàng nhỏ lẻ đến những doanh nghiệp lớn.

"Ngân hàng cần tập trung vào các ứng dụng số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng, từ đó có thể đạt được những lợi ích vô cùng to lớn.... Tôi tin rằng trong tương lai, tốc độ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ còn tăng nhiều hơn nữa", ông Văn Anh Tuấn cho biết thêm.

Việt Nam đang dẫn đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về chuyển đổi số

nh-cds.jpg

Là người đã có nhiều năm theo dõi và nắm bắt sự chuyển đổi của hoạt động ngân hàng tại Việt Nam, tại Tại tọa đàm trực tuyến "Đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số", bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào đánh giá Việt Nam là quốc gia chuyển đổi kỹ thuật số diễn ra nhanh chóng. Các ngân hàng, tổ chức tài chính tại Việt Nam cũng rất chủ động trong việc đảm bảo bắt kịp các xu hướng và công nghệ.

“Ít nhất 95% ngân hàng tại Việt Nam đang tích cực thực hiện chuyển đổi số. Từ khóa tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sự tích cực. Các ngân hàng ở Việt Nam hiểu rằng chuyển đổi số không chỉ là một hay hai sự cải tiến, mà là một sự phát triển đổi mới liên tục. Đó là những nỗ lực không ngừng tìm kiếm các giải pháp để bảo vệ các giao dịch, phục vụ khách hàng tốt hơn, và đem đến hiệu quả cho không chỉ riêng một ngân hàng mà toàn ngành ngân hàng nói chung. Điều này cũng một phần rất lớn là nhờ có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước đã rất chủ động và tạo môi trường tốt cho các ngân hàng hoạt động và phát triển”, bà Winnie Wong nhận định.

Cũng theo Giám đốc Quốc gia của Mastercard, người tiêu dùng Việt Nam rất hưởng ứng và đón nhận chuyển đổi số. Xu hướng này ở Việt Nam thậm chí phổ biến hơn các nước còn lại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong một nghiên cứu của Mastercard vào năm 2022, 94% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán số trong năm qua. Trong khi đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và kể cả những nước phát triển hơn thì tỷ lệ này cũng chỉ ở mức 88%.

“Vì vậy, Mastercard nhìn nhận Việt Nam đang dẫn đầu trong việc nắm bắt kỹ thuật và chuyển đổi số. Chúng tôi thấy rằng xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục, các ngân hàng sẽ tiếp tục cập nhật, sử dụng và phát triển hơn nữa để nâng cao các dịch vụ ngân hàng và phục vụ tốt hơn cho khách hàng Việt Nam”, bà Winnie Wong cho biết thêm.

Nói về động lực thúc đẩy hơn 95% ngân hàng tham gia chuyển đổi số, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, ngoài tác động của đại dịch COVID-19 thì ý thức về lợi ích của việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động thanh toán của người dân là nhân tố vô cùng quan trọng.

Ngành Ngân hàng đã xác định lấy khách hàng là trung tâm nên cần phải xây dựng các sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng, từ đó tạo ra các sản phẩm tiện ích nhất. Từ những lợi ích mà sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số mang lại, người dân đã truyền bá và nhận thấy rằng hiệu ứng của chuyển đổi số rất tốt, có hiệu quả, đồng tiền được đảm bảo an toàn, thanh toán nhanh nhạy, quá trình thanh toán thông suốt, không gặp vướng mắc trong giao dịch thanh toán,… nhờ đó mà sức lan tỏa rất lớn.

Cùng với đó, ông Hùng cũng khẳng định người Việt Nam rất thông minh và thức thời, từ người già đến trẻ nhỏ đều sử dụng thành thạo smartphone, tiếp cận rất nhanh với công nghệ. Đó là thuận lợi để chiến lược chuyển đổi số cũng như chiến lược về tài chính toàn diện quốc gia của Việt Nam sẽ có thể hoàn thiện trước thời hạn.

Trong khi đó, theo ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc cao cấp An ninh Thông tin, Ngân hàng Techcombank thì tính cạnh tranh là một trong những yếu tố thúc đẩy chuyển đổi số. "Cửa hàng này có mã QR, cửa hàng kia không có cũng khiến người dân suy nghĩ chọn lựa và chính những điều này giúp người dân tích cực đổi mới và cập nhật các ứng dụng công nghệ số", ông Tuấn nhận định.

“Theo thống kê, tỷ lệ sử dụng Internet của Việt Nam rất cao, người dân Việt Nam yêu thích công nghệ, có nền tảng Internet tốt đã tạo điều kiện thuận lợi cho tốc độ tăng trưởng nhanh”, ông Tuấn cho biết thêm.

Khẳng định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, chuyển đổi số góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các hình thức thanh toán số đều hướng tới mục tiêu Quyết định 1813 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025). Trong đó, làm sao để đến năm 2025, Việt Nam đạt khoảng 80% người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) có tài khoản ngân hàng. Đây là một trong những mục tiêu NHNN đang tích cực hướng tới.

Đồng thời, Vụ trưởng vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho rằng việc thúc đẩy sử dụng dịch vụ số giúp người dân tránh được các dịch vụ chuyển tiền bất hợp pháp, cho vay nặng lãi… Trong đó, hình thức cho vay bằng phương thức điện tử giúp cho việc phổ cập tài chính đến người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo…

Chính phủ cũng đã thông qua 1 loạt các biện pháp như Mobile Money để góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ ở thành thị mà còn phổ cập đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Việc này cũng góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam diễn ra hết sức mạnh mẽ trong thời gian qua.

Minh Đức

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ