Ngành ngân hàng thúc đẩy cơ cấu lại hệ thống và xử lý nợ xấu

(Banker.vn) Ngân hàng Nhà nước đưa ra các giải pháp theo từng nhóm/khối để thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025
Để "nỗi đau" nợ xấu không lặp lại: Kéo dài Nghị quyết 42 là cần thiết Ngân hàng và Tòa án cùng tháo gỡ khó khăn trong xử lý nợ xấu Sáu lý do cần luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.

Theo đó, mục đích của kế hoạch hành động của ngành ngân hàng nhằm triển khai chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đến các đơn vị thuộc ngành ngân hàng trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 được quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” (Quyết định số 689/QĐ-TTg) và các nội dung tại Đề án.

Một trong những nhiệm vụ kế hoạch đề ra là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Các giải pháp hỗ trợ về điều hành chính sách tiền tệ; tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngành ngân hàng; nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ thanh tra, giám sát ngân hàng; tăng cường công tác truyền thông.

Ngành ngân hàng thúc đẩy cơ cấu lại hệ thống và xử lý nợ xấu
Ngành ngân hàng thúc đẩy cơ cấu lại hệ thống và xử lý nợ xấu

Về giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, kế hoạch hành động của ngành ngân hàng đã đề ra các nội dung cụ thể về nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động, quản trị kinh doanh, tính minh bạch trong hoạt động của tổ chức tín dụng; hiện đại hóa ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển mô hình ngân hàng số, triển khai có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Đặc biệt, kế hoạch hành động của ngành ngân hàng đã quy định cụ thể về xử lý nợ xấu, bao gồm các nội dung như xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng, nâng cao năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý tài sản (VAMC).

Đồng thời, kế hoạch hành động của ngành ngân hàng cũng quy định các nội dung cụ thể, chi tiết các giải pháp theo từng nhóm/khối các tổ chức tín dụng.

Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau 4 năm thực hiện, các mục tiêu tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (ban hành theo Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ - Đề án 1058) cơ bản đạt được. Trong đó, quy mô hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng; năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành tiếp tục được củng cố, nâng cao; năng lực quản trị rủi ro được cải thiện, từng bước hình thành đồng bộ các chuẩn mực, thiết chế an toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Qua cơ cấu lại, các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các tổ chức tín dụng tích cực tham gia hỗ trợ, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và dành nguồn lực để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng vay gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Số liệu thống kê cho thấy, đến cuối tháng 3/2022, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 170 nghìn tỷ đồng, không thay đổi so với cuối năm 2021; tổng tài sản đạt 6.719,44 nghìn tỷ đồng, tăng 5,17% so với cuối năm 2021; vốn huy động thị trường 1 (huy đồng từ doanh nghiệp và người dân) đạt 5.625,25 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9% so với cuối năm 2021.

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, hoạt động cơ cấu lại về cơ bản đều bám sát phương án được duyệt, tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động.

Tính đến cuối tháng 3/2022, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt 400,23 nghìn tỷ đồng, tăng 1,69% so với cuối năm 2021; tổng tài sản đạt 7.372,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,08% so với cuối năm 2021; vốn huy động thị trường 1 đạt 215.396,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% so với cuối năm 2021.

Về việc xử ký nợ xấu, theo báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của Chính phủ gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 tại thời điểm ngày 15/8/2017 là 541,6 nghìn tỷ đồng. Nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực tính đến 31/12/2021 là 251,3 nghìn tỷ đồng. Nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 chưa được xử lý đến ngày 31/12/2021 là 412,67 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, lũy kế từ ngày 15/8/2017 - 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực. Tính trung bình nợ xấu đã xử lý đạt khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn mức trung bình 3,25 nghìn tỷ đồng/tháng trong giai đoạn trước khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực (từ năm 2012 - 2017).

Hoàng Lan

Theo: Báo Công Thương