Ngành ngân hàng sẽ tỏa sáng từ thời điểm cuối năm nay?

(Banker.vn) Chuyên gia VinaCapital cho rằng năm sau, ngành ngân hàng có thể có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn khi kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp khách hàng của ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt hơn...

Chia sẻ tại tọa đàm Đối thoại và Giải pháp chủ đề "Tìm động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán những tháng cuối năm" diễn ra ngày 30/10, ông Đinh Đức Minh - Giám đốc Đầu tư Công ty CP Quản lý Quỹ VinaCapital cho rằng năm 2024 sẽ có khá nhiều câu chuyện tích cực đối với thị trường chứng khoán.

Ngành ngân hàng sẽ tỏa sáng từ thời điểm cuối năm nay?
Ảnh minh họa

Theo ông Minh, những tin tức tích cực về nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có. Thị trường chứng khoán năm nay có một điểm tương đối khác các năm trước mà các nhà đầu tư cần lưu ý là tác động từ chính sách tiền tệ rất diều hâu của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Như hồi đầu năm, các nhà đầu tư trên thế giới kỳ vọng sẽ có một đợt giảm lãi suất ngay trong năm nay, nhưng có lẽ phải tới giữa năm sau mới có đợt giảm lãi suất.

Do Fed tăng lãi suất liên tục nên lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã lên tới 5%/năm, là mức cao nhất từ năm 2007 đến nay. Khả năng năm sau, lãi suất của Mỹ sẽ giảm. Khi lãi suất của Mỹ giảm thì dòng tiền nước ngoài có thể trở lại Việt Nam.

Chuyên gia của VinaCapital tin tưởng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 có thể được nâng hạng hoặc sang năm 2025. Từ quý IV năm nay, các nhà đầu tư có thể cảm thấy có nhiều tin tức hỗ trợ, sự kiện tích cực đối với thị trường.

Ông Nguyễn Anh Đức - Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng điểm sáng thị trường là ngành chứng khoán rất rõ ràng.

Ông Đinh Đức Minh cũng đưa ra lưu ý với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Bởi hầu hết các ngân hàng hiện tại có mức định giá tương đối thấp so với lịch sử, ngoại trừ 2 ngân hàng định giá cao là Vietcombank và BIDV. Còn các ngân hàng khác, giá trị sổ sách (P/B) đâu đó ở mức 0,8-1,2 lần - là mức định giá khá hấp dẫn.

Chuyên gia VinaCapital cho rằng năm sau, ngành ngân hàng có thể có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn khi kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp khách hàng của ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt hơn. Các ngân hàng cũng có thể giải quyết được các vấn đề về nợ xấu vì khi kinh tế lên thì nợ xấu tự nó sẽ được giải quyết. "Tôi nghĩ nhóm ngân hàng có thể là nhóm có diễn biến tích cực vào cuối năm nay cho đến năm sau", ông Minh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Anh Đức thì dự báo về thời gian dài hơn (trên 1 năm), ngành ngân hàng có tiềm năng, xuất phát từ bối cảnh ngành ngân hàng có định giá thấp.

Nhìn về dài hạn, ngành này có khá nhiều chuyển biến như chất lượng tín dụng cao hơn, chất lượng tài sản có thể cải thiện. Một giai đoạn nào đó, thị trường sẽ định giá lại ngành từ mức rất thấp, khi khả năng sinh lời và chất lượng tài sản được cải thiện.

Còn về ngắn hạn, ông Đức đưa ra quan điểm trung lập với ngành ngân hàng. Thứ nhất, câu chuyện nhu cầu tín dụng có thể chưa được cải thiện trong năm nay nên con số tăng trưởng tín dụng có thể chưa cải thiện rõ ràng mà có thể phải chờ đến năm sau hoặc cuối năm sau.

Thứ hai, ngành bất động sản khá rối và chưa nhìn thấy sự cải thiện, áp lực của ngành này còn lớn. Điều này có thể khiến nợ xấu của ngân hàng tăng lên và chất lượng dự phòng của ngân hàng cũng phải tăng.

Thứ ba, với nền lãi suất cho vay giảm, còn lãi suất đầu vào có thể không giảm nữa hoặc giảm cực kỳ hạn chế khiến NIM (biên lãi thuần) của ngân hàng sẽ giảm. Điều này khiến trong ngắn hạn, định giá của ngành ngân hàng chưa thực sự xuất sắc dù định giá thấp. Nếu thị trường rủi ro, ông Đức cho rằng ngành ngân hàng sẽ ổn. Nhưng nếu thị trường tăng nhanh, ngành này sẽ tăng chậm trong 3-6 tháng. Về lâu dài, triển vọng ngành ngân hàng tích cực.

Ông Phan Dũng Khánh - chuyên gia chứng khoán cho rằng từ nay đến cuối năm, trong ngắn hạn, ngành ngân hàng khó có sự đột phá. Ngành này có thể sẽ mang tính chất tích lũy để chờ đợi những cơ hội sau vào đầu năm 2024. Khi thị trường tăng, những nhóm ngành hưởng lợi trực tiếp là tài chính ngân hàng nói chung, bao gồm cả chứng khoán. Khi thị trường chứng khoán tăng, chắc chắn những cổ phiếu ngành chứng khoán tăng.

“Chưa kể, ngân hàng được coi là xương sống của thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế, nơi cung cấp vốn cho các doanh nghiệp và toàn nền kinh tế. Nên các ngành này được hỗ trợ trong trung và dài hạn nhiều hơn", ông Khánh nhận định.

Chuyên gia Yuanta: Ngân hàng và BĐS là một câu chuyện khó nếu nhìn về kết quả kinh doanh

Theo chuyên gia Yuanta, nhìn về tổng thể, trong nhóm vốn hóa lớn, ngân hàng và bất động sản là một câu chuyện khó nếu ...

Dòng tiền chờ đợi tín hiệu phiên chiều, VN-Index "xanh vỏ đỏ lòng"

Thị trường chứng khoán đóng cửa phiên sáng trong trạng thái "xanh vỏ đỏ lòng" với thanh khoản tiếp tục sụt giảm so với ngày ...

Một doanh nghiệp lên tiếng về nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc

CTCP In sách giáo khoa Hòa Phát (mã HTP) vừa có văn bản phản hồi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán