Ngành Ngân hàng quyết tâm tiên phong, nâng cao hiệu quả chuyển đổi số

(Banker.vn) Sáng 08/5/2024, tại Hà Nội, đã diễn ra Sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 với chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”. Sự kiện do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì; Thời báo Ngân hàng, Vụ Thanh toán NHNN, Vụ Truyền thông NHNN phối hợp tổ chức. Đây là sự kiện lớn nhất trong năm 2024 liên quan đến chuyển đổi số của ngành Ngân hàng; khẳng định sự quyết tâm của ngành Ngân hàng trong triển khai hiệu quả các nhiệm vụ.
Sáng 08/5/2024, tại Hà Nội, đã diễn ra Sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 với chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”. Sự kiện do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì; Thời báo Ngân hàng, Vụ Thanh toán NHNN, Vụ Truyền thông NHNN phối hợp tổ chức. Đây là sự kiện lớn nhất trong năm 2024 liên quan đến chuyển đổi số của ngành Ngân hàng; khẳng định sự quyết tâm của ngành Ngân hàng trong triển khai hiệu quả các nhiệm vụ.

Tới dự Sự kiện có đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các lãnh đạo, đại diện một số bộ, ngành. Về phía ngành Ngân hàng có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN; đồng chí Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc NHNN, cùng lãnh đạo, đại diện một số vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD), các ngân hàng thương mại (NHTM), Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), các công ty trung gian thanh toán, các hiệp hội trong Ngành, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cùng một số tổ chức quốc tế…
 
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Sự kiện

Ngành Ngân hàng tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong công cuộc chuyển đổi số

Phát biểu khai mạc Sự kiện, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã nỗ lực không ngừng và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong công cuộc chuyển đổi số, qua đó đã đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột quan trọng: Chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số; cùng với nâng cao công tác đảm bảo an ninh, an toàn... Những kết quả này được minh chứng qua nhiều chỉ tiêu đã đạt, vượt hoặc tiệm cận mục tiêu đề ra đến năm 2025 tại các chương trình, kế hoạch, đề án về chuyển đổi số của NHNN.

Đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số; tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR Code bình quân qua các năm từ 2017 - 2023 đạt trên 100%/năm; hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỉ đồng/ngày (tương đương 40 tỉ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20 - 25 triệu giao dịch/ngày.
 

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc Sự kiện
 
Thời gian qua, các công nghệ số mới, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng được ngành Ngân hàng ứng dụng mạnh mẽ để phục vụ nhu cầu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới; đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân và doanh nghiệp. 

Cùng với đó, ngành Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác phòng, chống tội phạm và đặc biệt là đã tiên phong triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) ứng dụng dữ liệu dân cư để phục vụ việc làm sạch dữ liệu, định danh/xác thực chính xác thông tin khách hàng, hỗ trợ hoạt động cho vay tiêu dùng trên kênh điện tử, bảo lãnh điện tử cũng như góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, với chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”, Sự kiện “Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2024” đưa ra bức tranh tổng quan về kết quả triển khai chuyển đổi số ngành Ngân hàng thời gian qua và sự kết nối chặt chẽ giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để phát triển hệ sinh thái số cũng như quá trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp một cách tự động, nhanh chóng, an toàn với chi phí hợp lý.

Báo cáo về kết quả chuyển đổi số ngành Ngân hàng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Phạm Anh Tuấn cho biết, trong thời qua, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai kế hoạch chuyển đổi số, nhiều mục tiêu đã tiệm cận hoặc vượt mục tiêu đặt ra đến năm 2025: Tại NHNN, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công toàn trình và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; trên 90% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ. Tại các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có 80% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường số, 55% nghiệp vụ ngân hàng số hóa hoàn toàn, 49% khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, 66% số lượng giao dịch của khách hàng thực hiện trên kênh số, 17 TCTD đã số hóa hoàn toàn với các khoản vay cá nhân, nhỏ lẻ. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) qua các kênh Mobile, Internet, QR Code tiếp tục tăng trưởng trên 100%/năm.

Để có thể đạt được các kết quả trên, toàn ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: NHNN đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, thực hiện nghiệp vụ ngân hàng bằng phương tiện điện tử; xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát lĩnh vực ngân hàng, quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh và xác thực điện tử, ban hành các quy định về mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, bảo lãnh, nhận tiền gửi, cho vay... bằng phương tiện điện tử, các biện pháp xác thực bằng yếu tố sinh trắc học... Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số luôn được nâng cấp, hoàn thiện đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn. Trong đó, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỉ VND/ngày; hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20 - 25 triệu giao dịch/ngày. Đặc biệt, Việt Nam hoàn thành kết nối thanh toán QR code xuyên biên giới với Thái Lan, Campuchia và sắp tới là tại Lào.

Ngoài ra, NHNN đã ban hành và triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0; ứng dụng công nghệ trong công tác xử lý văn bản, quản trị điều hành.

Các TCTD tiếp tục đẩy mạnh tích hợp, kết nối mở rộng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện, an toàn tiện lợi, tiết giảm chi phí, 57% các ngân hàng trong nước đã thí điểm và triển khai rộng rãi mô hình chi nhánh tự phục vụ cho phép khách hàng tự thực hiện, hơn 70% các TCTD đã và đang triển khai hệ thống Data Warehouse, hơn 40% các TCTD đã và đang triển khai hệ thống Data Lake thu thập cả các dữ liệu cấu trúc, phi cấu trúc.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Phạm Anh Tuấn, quá trình chuyển đổi số ngân hàng còn nhiều thách thức, khó khăn. Do đó, trong thời gian tới, NHNN sẽ ưu tiên tập trung vào một số nhiệm vụ: (i) Rà soát đánh giá kết quả, thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, để sớm đạt được những mục tiêu đặt ra cho toàn Ngành; (ii) Tập trung hoàn thiện thể chế, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật  thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng; (iii) Tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 01/KHPH-BCA-NHNN ngày 24/4/2023 phối hợp giữa NHNN với Bộ Công an triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06; (iv) Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các hạ tầng công nghệ và và chú trọng công tác đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật thông tin trong quá trình chuyển đổi số ngân hàng; (v) Thống nhất chỉ đạo toàn Ngành sắp xếp, bố trí nguồn lực hợp lý cho hoạt động chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, phân tích dữ liệu để cung ứng sản phẩm, dịch vụ tiện ích tới người dân, doanh nghiệp; (vi) Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách an toàn, hiệu quả, trong đó có các TCTD đã và đang triển khai hệ thống Data Lake thu thập cả các dữ liệu cấu trúc, phi cấu trúc...

Ngành Ngân hàng luôn tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số

Tại Sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, tính đến hết tháng 4/2023, Bộ Công an đã thực hiện cấp số định danh cá nhân cho 100% công dân với trên 104 triệu dữ liệu; 86 triệu thẻ căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện trên toàn quốc; 75,16 triệu hồ sơ định danh điện tử... Tổng số lượt sử dụng tài khoản định danh điện tử trên các cổng dịch vụ công đến nay là 11.645.068.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, trong những năm vừa qua, ngành Ngân hàng luôn dẫn đầu trong chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp thông qua việc tạo tiện lợi trong thanh toán, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, khách hàng.

Đến thời điểm này, Bộ Công an đã phối hợp thực hiện xác thực, làm sạch 49 triệu dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC); 3,5 triệu dữ liệu của các TCTD, trung gian thanh toán, ví điện tử của hơn 37 ngân hàng và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai làm sạch với số dữ liệu còn lại. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 4 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương.

Tại Sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Đức Long cũng đánh giá ngành Ngân hàng luôn đi đầu trong chuyển đổi số, đi đầu trong triển khai thành công các nền tảng quản lý và hiện đại hóa ngân hàng. Việc hình thành hệ sinh thái và kết nối hệ thống thanh toán với các nền tảng số quốc gia như nền tảng định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an; hệ thống hóa đơn điện tử của Bộ Tài chính đã góp phần quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số nền kinh tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, hưởng lợi từ các dịch vụ số cơ bản, thiết yếu.

Chia sẻ tại Sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đưa ra những đề nghị cụ thể để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng như: (i) Khai thác hiệu quả thông qua thí điểm, xây dựng các quyết định pháp lý liên quan...; (ii) Ứng dụng công nghệ số trong toàn ngành Ngân hàng chính là phương tiện kỹ thuật quan trọng trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng sang quản trị số và cung cấp dịch vụ dựa trên dữ liệu. Bộ TT&TT đề nghị NHNN xem xét triển khai một số nội dung liên quan như: AI (trí tuệ nhân tạo) ứng dụng trong dữ liệu điều hành chính sách tiền tệ; xây dựng hệ thống kết nối online để phục vụ công tác quản lý nhà nước và đảm bảo hoạt động của các TCTD an toàn, hiệu quả…; (iii) Tiếp tục nâng cao năng lực quản trị số của NHNN và các cơ quan quản lý tài chính khi đưa ra các quyết sách dựa trên dữ liệu; (iv) Đảm bảo an ninh, an toàn thông tin là nền tảng cho chuyển đổi ngành Ngân hàng, tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng về nâng cao năng lực phòng thủ, quản trị rủi ro, bảo vệ dữ liệu khách hàng; (v) Tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành cơ quan chức năng để xây dựng hệ sinh thái số an toàn, lành mạnh.

Đa dạng ứng dụng số của các NHTM

Tại Sự kiện, Phó Tổng Giám đốc NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Long đã giới thiệu hệ sinh thái mở qua BIDV Open API để tối ưu tiện ích cho khách hàng. BIDV Open API là dịch vụ ngân hàng không chỉ được thực hiện tại hệ thống ngân hàng mà còn được “nhúng”, “tích hợp” vào các ứng dụng, các phần mềm, các nền tảng của các đối tác nền tảng; được thực hiện tại các kênh thuộc sở hữu của ngân hàng mà tại bất kỳ “điểm chạm” và “bối cảnh” nào phát sinh nhu cầu tài chính của “người dùng cuối”. Khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ như đặt vé máy bay, gọi taxi, đặt hàng siêu thị, mua sắm của các nhà cung cấp trên ứng dụng ngân hàng. Đồng thời, khách hàng có thể sử dụng phần mềm, ứng dụng do bên thứ ba cung cấp để thực hiện các dịch vụ ngân hàng như thanh toán, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đề nghị cấp tín dụng. Sau 05 tháng ra mắt, BIDV đã nhận được trên 90.000 lượt gọi API qua Sandbox, 320 tài khoản trải nghiệm và hơn 80 đối tác đăng ký tích hợp. Các dịch vụ ngân hàng nhúng của BIDV đã và đang được lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng quản lý bán hàng, quản lý siêu thị, quản lý khách sạn, nền tảng quản lý dòng tiền (CMS), nền tảng quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) và nhiều phần mềm/ứng dụng trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, mang đến tiện ích cho hàng triệu khách hàng sử dụng dịch vụ.
 

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trao tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc
trong công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Với chủ đề: “Phát triển dịch vụ ngân hàng trên nền tảng đối tác - Banking as a Service (BaaS)”, Thành viên Ban Điều hành NHTM cổ phần Quân đội (MB) Vũ Thành Trung cho biết, BaaS - dịch vụ cho phép các tổ chức tài chính kết nối linh hoạt với các đối tác thứ ba thông qua API, từ đó dễ dàng cung cấp các dịch vụ tài chính số trực tiếp tới khách hàng cuối trên chính nền tảng của đối tác có tiềm năng vô cùng to lớn tại Việt Nam. Nhận thấy những cơ hội to lớn này, từ năm 2019, MB đã sớm nắm bắt và mạnh dạn đầu tư nguồn lực cho BaaS. Trên nền tảng MB BaaS, hàng loạt dịch vụ tài chính từ mở tài khoản, gửi tiết kiệm đến thanh toán, bảo hiểm, cho vay, đầu tư... được tích hợp liền mạch trên ứng dụng di động hoặc nền tảng của các đối tác. Bên cạnh đó, MB còn tiên phong mở rộng hệ sinh thái BaaS ra phạm vi toàn cầu thông qua việc hợp tác với các đối tác UnionPay, NAPAS. Điều này cho phép MB cung cấp các giải pháp thanh toán xuyên biên giới tiện lợi và an toàn, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập. Trong thời gian tới, MB cam kết sẽ mở rộng mạng lưới đối tác, hoàn thiện công nghệ và tăng cường năng lực, cùng chung tay vì một Việt Nam hùng cường, sánh vai cùng các cường quốc công nghệ trên thế giới.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giải quyết những khó khăn trong quá trình phát triển, NHTM cổ phần Quốc tế (VIB) đã chủ động phát triển hệ sinh thái thanh toán và quản trị tài chính toàn diện, cung cấp các dịch vụ tiên tiến, hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho khách hàng. Cụ thể, Phó Tổng Giám đốc VIB Trần Nhất Minh cho biết, VIB đã và đang phát triển gói tài khoản dành riêng cho khách hàng DNNVV, siêu nhỏ và hộ kinh doanh với tên gọi iBusiness và sBusiness, ứng dụng ngân hàng số VIB Checkout, dành riêng cho doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Với khách hàng sử dụng gói tài khoản iBusiness và sBusiness, VIB áp dụng chính sách giảm lãi suất từ 0,5% tới 2%/năm cho khách hàng (tùy từng thời điểm), doanh nghiệp có thể vay tối đa 100% nhu cầu vốn với lãi suất ưu đãi. Sau gần một năm ra mắt, gói tài khoản iBusiness và sBusiness và ngân hàng số VIB Checkout đã thu hút 36.000 khách hàng đăng ký sử dụng, đạt tăng trưởng 75% về số lượng giao dịch trực tuyến và 110% về tiền gửi trực tuyến trong 3 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023. Trong thời gian tới, định hướng của VIB là tiếp tục đổi mới và tăng cường ứng dụng công nghệ, mang đến những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất, hiệu quả và tiết kiệm chi phí để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.

Theo Phó Tổng Giám đốc NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) Đinh Thị Thái chia sẻ tại Sự kiện, với sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công an và Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về Dân cư - Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), VCB đã hoàn thành kết nối về kỹ thuật để tích hợp dữ liệu quốc gia về dân cư VNeID cũng như ứng dụng nhiều giải pháp nhằm xác thực và định danh chính xác công dân, khách hàng. Qua việc sử dụng phương thức xác thực bằng VNeID , VCB có được nguồn dữ liệu định danh khách hàng tin cậy, ngăn chặn được các hành vi giả mạo danh tính cho mục đích mở tài khoản giả mạo, gian lận, lừa đảo cũng như tối ưu hoạt động thông qua giảm thiểu các thủ tục về giấy tờ, nguồn lực, thời gian, chi phí cho công tác định danh thủ công; đồng thời, tạo tiền đề cho việc xây dựng các tiện ích hỗ trợ như "Tích xanh tài khoản đảm bảo" và "Xác thực trực tuyến" hoặc "Xác thực thông tin đa chiều”. Đối với người dân, việc kết nối xác thực định danh từ VNeID trên ứng dụng ngân hàng số giúp cung cấp, chia sẻ thông tin của mình cho ngân hàng nhanh chóng, thuận tiện, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật dữ liệu, tránh được các trường hợp giả mạo thông tin. Quan trọng nhất là phòng ngừa rủi ro vì việc xác thực được thực hiện trên đúng thiết bị của khách hàng.

Ngành Ngân hàng đẩy nhanh thực hiện những mục tiêu chuyển đổi số trong thời gian tới

Tham dự và phát biểu tại Sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: “Mục tiêu của chuyển đổi số quốc gia là 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Năm nay, Chính phủ lựa chọn chủ đề chuyển đổi số quốc gia là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”. Theo đó, Chính phủ đặt trọng tâm cho việc phát triển kinh tế số, coi đây là trụ cột quan trọng, làm đòn bẩy để thúc đẩy các mục tiêu Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Ngành Ngân hàng với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, có tác động hằng ngày đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp và các lĩnh vực trong nền kinh tế. Bởi vậy, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm và xác định ngân hàng là lĩnh vực cần ưu tiên, tiên phong trong chuyển đổi số.
 
 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian hàng của các ngân hàng tại Sự kiện

Chủ đề NHNN đã lựa chọn cho Ngày chuyển đổi số ngân hàng 2024 về “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” đã phù hợp với quan điểm, định hướng của Đảng, Chính phủ và chủ đề của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2024.

Với tinh thần tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt với quyết tâm cao về công tác chuyển đổi số: (i) Tiếp tục kiện toàn bộ máy của Ủy ban và các Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương; (ii) Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo khuôn khổ, điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia: Đã ban hành một Nghị định về khu công nghệ cao; đang khẩn trương, tích cực xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử, Luật Căn cước, Luật Các TCTD, Luật Đất đai, Luật Nhà ở...; (iii) Hạ tầng số, các nền tảng số tiếp tục được phát triển: Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã kết nối với 388 hệ thống; hình thành nhiều trung tâm dữ liệu lớn, hiện đại; Trung tâm Dữ liệu quốc gia đang được tích cực triển khai; (iv) Cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ: Trong đó cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 04 doanh nghiệp Nhà nước; cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; kích hoạt gần 54 triệu tài khoản; (v) Dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh: Gần 14,6 triệu tài khoản và hơn 46,2 triệu hồ sơ nộp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; gần 26,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 12.900 tỉ đồng. Triển khai 41/53 dịch vụ công thiết yếu ở mức độ 3, 4 (tăng 5 dịch vụ công thiết yếu so với cuối năm 2023). Tính riêng 25 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 hằng năm, đã tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỉ đồng; (vi) Kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển tích cực: Hiện có 100% các cơ sở khám, chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; trên 1 triệu đối tượng chính sách đã nhận trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản…

Có thể nói, những kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số quốc gia nêu trên có sự đóng góp tích cực của ngành Ngân hàng.

Qua thông tin phát biểu khai mạc của đồng chí Thống đốc NHNN, báo cáo kết quả triển khai Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, các tham luận của các TCTD và đặc biệt là được trực tiếp trải nghiệm tại các gian hàng cho thấy những thành quả và bước tiến mạnh mẽ trong hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

Những trải nghiệm trực tiếp tại các gian hàng trưng bày sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo, các giải pháp ứng dụng công nghệ mới hôm nay cho thấy chuyển đổi số ngân hàng đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác quản lý tài chính, minh bạch dòng tiền và qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Những sản phẩm dịch vụ này gắn chặt chẽ với đời sống hằng ngày của người dân, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Những thành quả về chuyển đổi số ngành Ngân hàng còn được minh chứng thông qua nhiều thông tin, số liệu cho thấy nhiều chỉ tiêu đạt, vượt hoặc tiệm cận với mục tiêu đến năm 2025:

Các số liệu về thanh toán không dùng tiền mặt đã vượt so với mục tiêu đến năm 2025 đặt ra tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh dịch vụ thanh toán, các nghiệp vụ ngân hàng đã được thực hiện hoàn toàn trên kênh số và đặc biệt hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử cũng đã được nhiều TCTD triển khai đến khách hàng.

Về các mục tiêu xây dựng Chính phủ số, NHNN cũng là một trong số bộ, ngành đã hoàn thành mục tiêu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện đã được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công toàn trình và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trên 90% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ bí mật nhà nước).

“Tôi đã có dịp đi một số nước, lắng nghe trình bày của nhiều tập đoàn công nghệ lớn, các chuyên gia quốc tế; tuy nhiên qua báo cáo của các đồng chí và với những trải nghiệm thực tế các sản phẩm dịch vụ của ngành Ngân hàng trình diễn ngày hôm nay cho thấy, những giải pháp, sản phẩm dịch vụ ngân hàng đều được ứng dụng, phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ mới và không thua kém so với các nước trên thế giới”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, để có thể đạt được những thành quả trên NHNN đã sớm có các quyết sách phù hợp, trong đó đã sớm ban hành Kế hoạch chuyển đổi số; đồng thời triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế, với việc ban hành các quy định về nhận tiền gửi, mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ, cho vay, bảo lãnh… bằng phương tiện điện tử; ban hành các kế hoạch, chỉ thị và tổ chức thực hiện các chính sách về thúc đẩy chuyển đổi số trên toàn Ngành. Đồng thời, chú trọng việc nâng cấp, phát triển hạ tầng, công nghệ, đảm bảo an ninh an toàn, bố trí nguồn lực cho công tác chuyển đổi số.

Đặc biệt, ngành Ngân hàng ghi dấu ấn là ngành đi đầu, tích cực trong việc ứng dụng, triển khai Đề án 06 về ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Việc ứng dụng dữ liệu dân cư không chỉ phục vụ cho công tác làm sạch dữ liệu, xác minh thông tin khách hàng thông qua căn cước công dân gắn chíp, tài khoản VneID mà còn hỗ trợ tích cực trong quá trình phát triển, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, xác thực giao dịch thanh toán trực tuyến, thanh toán chi trả an sinh xã hội, đánh giá điểm khả tín khách hàng vay… mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước và đặc biệt là góp phần công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong bối cảnh gia tăng rủi ro lừa đảo, gian lận, mạo danh…

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương ngành Ngân hàng đã bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có sự phối hợp tốt với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp với nhiều mục tiêu cụ thể và đã đạt được những thành quả tích cực, đóng góp chung vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, chuyển đổi số là một hành trình dài và trước mắt vẫn còn nhiều thách thức về công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, cập nhật, thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ… Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ngành Ngân hàng bám sát quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, lấy trải nghiệm khách hàng là thước đo; đồng thời tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được Chính phủ giao, đảm bảo thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của Ngành gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Để tiếp tục phát huy được những kết quả đã đạt được trong thời gian tới, vượt qua các thách thức và tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những bộ, ngành, lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số, trên cơ sở kinh nghiệm triển khai thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Thống đốc NHNN quán triệt, chỉ đạo trên toàn Ngành tập trung, thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế: (i) Khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Các TCTD năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 18/01/2024; phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt…; (ii) Rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật hiện hành để xem xét ban hành, sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết) để đảm bảo đồng bộ, phù hợp với các quy định tại Luật Căn cước, Luật Giao dịch điện tử... và thực tiễn cung ứng, thực hiện các hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng trên nền tảng số.

Thứ hai, về hạ tầng: (i) Tiếp tục nâng cấp, phát triển các hạ tầng thanh toán đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán đa dạng, ngày càng tăng nhanh của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế; (ii) Thúc đẩy việc tích hợp, kết nối liên thông với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương, các ngành, lĩnh vực khác để người dân, doanh nghiệp được cung ứng và trải nghiệm các dịch vụ một cách liền mạch, xuyên suốt từ khâu tiếp nhận, đăng ký, sử dụng dịch vụ cho đến khâu thanh toán, kết thúc.

Thứ ba, về dữ liệu: (i) Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai hiệu quả Đề án 06/QĐ-TTg về ứng dụng dữ liệu dân cư, trong đó chú trọng khai thác thông tin căn cước công dân gắn chíp và tài khoản VneID để định danh, xác thực chính xác thông tin khách hàng và phối hợp, hỗ trợ trong quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng một cách an toàn, tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp; (ii) Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để triển khai liên thông dữ liệu, qua đó cung cấp ngày càng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ở khắp các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế; (iii) Tổ chức tốt công tác quản trị, bảo mật dữ liệu khách hàng; ứng dụng và khai thác hiệu quả dữ liệu dựa trên các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, học máy, dữ liệu lớn… để phục vụ công tác quản trị điều hành, xây dựng chính sách và phát triển các sản phẩm - dịch vụ đổi mới sáng tạo, tiện lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ tư, về nguồn lực: (i) Có chính sách thu hút, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu về công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng; bố trí nguồn lực hợp lý cho công tác đầu tư hạ tầng, đảm bảo phát triển phù hợp với mục tiêu kinh doanh; (ii) Tăng cường hợp tác, đẩy mạnh học hỏi nghiên cứu kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong công tác chuyển đổi số để vận dụng một cách hợp lý, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn hoạt động Ngân hàng tại Việt Nam.

Thứ năm, về công tác đảm bảo an ninh, an toàn: Tăng cường việc phối hợp với Bộ Công an, Bộ TT&TT… trong công tác phòng, chống tội phạm và bảo đảm an ninh, an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi cung ứng dịch vụ trên môi trường số.

Thứ sáu, về công tác truyền thông, giáo dục tài chính: Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, hướng dẫn để nâng cao hiểu biết tài chính và hiểu biết số cho người dân, doanh nghiệp nhằm hạn chế nguy cơ kẻ xấu, tội phạm lợi dụng dịch vụ ngân hàng cho mục đích gian lận, lừa đảo.

Cũng tại Sự kiện, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã trao tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng. 


Trang Thuận
 
 

Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục