Ngành ngân hàng năm 2023: Thấy cơ trong nguy

(Banker.vn) Năm 2023, trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, các ngân hàng sẽ ưu tiên cân bằng chất lượng tài sản, tăng trưởng lợi nhuận. Các chuyên gia phân tích thị trường kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ đạt 10-12% trong 2023-2024.

Chính sách tiền tệ năm 2023 cần ưu tiên hạ lãi suất

Ngân hàng rục rịch công bố kết quả kinh doanh năm 2022: Lãi lớn đến từ đâu?

“Sóng gió” vẫn tiếp diễn trong năm 2023

Đưa ra những nhận định khá thận trọng về bức tranh ngành Ngân hàng năm 2023 tại báo cáo vừa công bố, Công ty CP Chứng khoán VNDirect cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh 200 điểm cơ bản lãi suất điều hành sẽ tác động tiêu cực đến NIM của các ngân hàng khi chi phí vốn tăng và lãi suất cho vay khó có thể theo kịp.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn sẽ tác động xấu lên chất lượng tài sản cũng như tình hình thanh khoản của các ngân hàng. Ngoài ra, câu chuyện tăng vốn sẽ lại là một chủ đề đáng chú ý trong năm tới, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh.

Nhìn chung, tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ chậm lại và đạt 10-12% so với cùng kỳ trong năm 2023-24 (từ mức 32% so với cùng kỳ năm 2022), khi tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.

năm 2023, các ngân hàng sẽ ưu tiên cân bằng chất lượng tài sản và tăng trưởng lợi nhuận
Năm 2023, các ngân hàng sẽ ưu tiên cân bằng chất lượng tài sản và tăng trưởng lợi nhuận. Ảnh minh họa

Thận trọng hơn trong nửa đầu năm, lạc quan hơn vào nửa cuối năm

“Chúng tôi giữ lập trường thận trọng với triển vọng ngành Ngân hàng trong nửa đầu năm 2023 do căng thẳng thanh khoản và rủi ro trái phiếu doanh nghiệp vẫn hiện hữu. Khoảng 46 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong nửa đầu năm 2023 sẽ là một thử thách lớn lên hệ thống tài chính. Tuy vậy, sang nửa cuối năm, tình hình sẽ trở nên khả quan hơn khi lãi suất và căng thẳng tỷ giá được dịu bớt; vấn đề thanh khoản cũng được giải quyết phần nào nhờ Chính phủ đẩy mạnh các gói đầu tư công. Dù vậy, rủi ro giảm giá sẽ vẫn hiện hữu gồm: Lãi suất và nợ xấu tăng cao hơn dự kiến, khó khăn trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục kéo dài”, báo cáo của VNDirect nhấn mạnh.

Cũng theo báo cáo của VNDirect, thị trường điều chỉnh mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho ngành Ngân hàng, bởi hệ thống ngân hàng đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây. Ngân hàng vẫn là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Do đó, định giá ở mức thấp nhất lịch sử (1,1 lần P/B năm 2023) đang mở ra một cơ hội đầu tư rất hấp dẫn.

“Với bối cảnh hiện tại, chúng tôi ưu tiên các ngân hàng có khả năng phòng thủ trước những biến động (quản trị rủi ro tốt và cho vay bất đông sản hạn chế), điển hình như: VCB và ACB. Tuy vậy, một khi sóng gió qua đi, chúng tôi có phần ưu tiên những ngân hàng có định giá rẻ, bộ đệm vốn vững chắc và có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp lớn trong danh mục tín dụng, điển hình như: TCB và VPB”, VNDirect khuyến nghị.

Tăng trưởng tín dụng hệ thống sẽ đạt khoảng 12% trong 2023

Cũng theo báo cáo, tín dụng hệ thống đã tăng 14,5% trong 2022, cao hơn mức năm trước (+13,6%). Tuy nhiên, tín dụng chỉ tăng thêm ~5% từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 12 (6 tháng cuối năm 2022 tăng 9,5% so với đầu năm) - chậm lại rõ rệt khi ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong năm 2022 và kể cả 2023-2024.

Ngành ngân hàng năm 2023: Thấy cơ trong nguy

Trong bối cảnh này, chuyên gia VNDirect dự báo, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại và đạt khoảng 12% trong năm 2023, do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao. Các chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng và lãi suất tăng cao làm ảnh hưởng lên nhu cầu vay mua nhà. Xuất khẩu, một trong những trụ cột tăng trưởng chính của Việt Nam, sẽ giảm tốc từ mức 14% trong năm 2022 và đạt 9,5% trong năm 2023. Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.

Ngoài ra, lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao. Mặc dù lạm phát toàn cầu đã có dấu hiệu đạt đỉnh, chúng tôi nhận thấy lạm phát tại Việt Nam vẫn có thể duy trì mức cao do mức tăng tiền lương 20,8% có hiệu lực từ tháng 7/2023 và sự tăng giá ở các dịch vụ như: Y tế, vận tải công cộng. Căng thẳng thanh khoản cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng. Vào cuối quý III/2022, các ngân hàng đều ghi nhận chỉ số LDR tăng mạnh, một số ngân hàng đã gần chạm ngưỡng quy định (85%).

Ngành ngân hàng năm 2023: Thấy cơ trong nguy

Trước bối cảnh hiện nay, báo cáo cho rằng, NHNN sẽ ưu tiên các ngân hàng thương mại có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt. Dựa trên những yếu tố này, chuyên gia VNDirect đưa ra dự báo tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng như: VPB, MBB, HDB và VCB (4 ngân hàng tham gia vào cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém), sẽ được nhận hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác.

Căng thẳng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản vẫn chưa dịu bớt

Kể từ quý II/2022, Chính phủ đã giám sát chặt chẽ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán trái phiếu riêng lẻ - nhằm thắt chặt hơn các quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp - cuối cùng đã được ban hành. Điều này sẽ khuyến khích hơn việc phát hành ra công chúng, cải thiện chất lượng của các tổ chức phát hành và tính bền vững của thị trường non trẻ này trong dài hạn.

Mặc dù không có "quy định/văn bản chính thức" nào liên quan đến việc Ngân hàng Nhà nước thắt chặt dòng tín dụng vào thị trường bất động sản, nhưng việc cho vay bất động sản đã chậm lại với mục đích kìm hãm đà tăng nóng của thị trường này kể từ năm 2022.

Ngành ngân hàng năm 2023: Thấy cơ trong nguy

"Khi các cuộc kiểm tra và đánh giá rủi ro đối với mỗi ngân hàng sẽ được thực hiện gắt gao hơn, các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục tín dụng thấp sẽ gặp ít “áp lực” hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng cho vay trong năm 2023-2024", báo cáo của VNDirect nhấn mạnh.

Hồng Giang

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán