Ngành Ngân hàng chung tay phát triển thị trường lao động

(Banker.vn) Để hỗ trợ và phát triển thị trường lao động, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) kiên định điều hành chính sách tiền tệ nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô góp phần tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Trong báo cáo gửi tới Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” được tổ chức cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đánh giá, để phát triển thị trường lao động trong mối quan hệ cân bằng tổng thể với các thị trường khác, các nhóm giải pháp cần tập trung vào các khía cạnh xoay quanh người lao động, lấy người lao động là trung tâm.

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, để phát triển thị trường lao động cần đồng bộ nhiều chính sách, tiếp cận trên nhiều góc độ chứ không phải riêng lẻ của một bộ ngành nào, ví dụ: từ phía giáo dục là đào tạo nghề; đảm bảo các điều kiện để người lao động yên tâm làm việc; giải pháp chính sách về nhà ở; cân đối cung cầu lao động… là những giải pháp toàn diện để phát triển thị trường lao động.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị - - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nguồn vốn ngân hàng đã giúp người lao động vượt qua khó khăn

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, bảo đảm thu nhập thực tế của người lao động rất quan trọng. Với vai trò điều hành chính sách tiền tệ, NHNN đã triển khai rất nhiều giải pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, NHNN đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ để người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến ngày 15/8, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,62 %, đóng góp rất nhiều cho việc phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. NHNN cũng hỗ trợ tái cấp vốn cho doanh nghiệp để trả lương cho người lao động, giúp cả doanh nghiệp và người lao động vượt qua thời điểm khó khăn.

Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng triển khai 23 chương trình cho vay đối với hộ cận ngheo, thoát nghèo, nhà ở, xuất khẩu lao động… mang lại hiệu quả cao.

Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với công nhân tại Bắc Giang được tổ chức mới đây, 2 công ty tài chính (FE Credit và Home Credit) đã cam kết mỗi công ty giành 10.000 tỷ đồng cho công nhân trong các khu công nghiệp vay tiêu dùng. “NHNN cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai, nếu làm được sẽ tiến hành nhân rộng hình thức cho vay này”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Thực tế cho thấy, để hỗ trợ và phát triển thị trường lao động, trong những năm qua, NHNN kiên định điều hành chính sách tiền tệ nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô góp phần tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, triển khai các chương trình chính sách nhằm hỗ trợ, đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, hỗ trợ cuộc sống của người lao động gặp khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

NHNN luôn điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa (CSTK) và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, từ đó góp phần mở rộng thị trường lao động.

Việc kiên định thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát cũng đã góp phần giúp nền kinh tế có mức lạm phát ở mức thấp và ổn định những năm qua, hỗ trợ đảm bảo đời sống sinh hoạt của người lao động, giảm thiểu sức ép tăng lương do ảnh hưởng của mức tăng giá cả hàng hóa, chi phí sinh hoạt của người lao động.

“Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng bình quân trong gần 4 năm qua đều mức dưới 4% theo mục tiêu của Quốc hội giao, trong đó 7 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 2,54% trong bối cảnh giá cả hàng hóa và lạm phát tại các nước tăng ở mức cao cho thấy kết quả tích cực của các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN”, báo cáo của NHNN cho biết.

Hình minh họa - Nguồn: Internet

Giải pháp phát triển thị trường lao động

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thời gian tới, các Nghị quyết của Chính phủ, các chiến lược phát triển thị trường lao động cần làm rõ cơ cấu thị trường lao động theo khu vực, khu vực nào cần lao động chất lượng cao, khu vực nào cần lao động giản đơn.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, trong đó có việc đẩy mạnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và phát triển nguồn nhân lực, cơ cấu theo từng khu vực phù hợp. Do đó, với ngành Ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng: Lực lượng lao động chắc chắn không sử dụng rộng rãi, phổ thông mà đòi hỏi chất lượng rất cao, rất "tinh". 

Để phát triển thị trường lao động, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế nhanh, bền vững, báo cáo của NHNN đưa ra một số kiến nghị/đề xuất, cụ thể:

Đầu tiên, tiếp tục đảm bảo sức khỏe cho người dân, duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao đề phòng các biến thể mới của dịch COVID-19, không chủ quan với các dịch bệnh khác. Thực hiện các giải pháp đảm bảo đời sống người lao động, đặc biệt ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất, hạn chế tình trạng “bỏ phố về quê”, gây nên thiếu hụt lao động khu vực chính thức, tạo áp lực cho doanh nghiệp cũng như công tác quản lý trật tự xã hội của các cơ quan chức năng.

Tiếp đến là, chú trọng hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động thông qua các chính sách đào tạo, phát triển lao động bền vững. Nâng cao tay nghề, cải thiện năng suất lao động. Tăng cường các chính sách tạo động lực làm việc (lương, thưởng, văn hóa công sở,…); tăng kết nối thị trường lao động (đa dạng hóa các hình thức “sàn giao dịch việc làm” có sự quản lý của nhà nước như đối với các thị trường khác).

Thứ ba là, với nhóm giải pháp mang tính lâu dài hơn, cần có chiến lược đối với công tác giáo dục, đào tạo lao động trong mọi cấp học; quan tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, kết hợp với cải thiện, nâng cao chế độ dinh dưỡng,… nhằm tạo ra thế hệ người lao động trong tương lai vừa có sức khỏe, tầm vóc, vừa có chất lượng (lành nghề, có đào tạo, có kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm,…) nhằm cải thiện, nâng cao năng suất lao động để phát triển nhanh và bền vững.

Cuối cùng, đối với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, tiếp tục điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giúp mở rộng thị trường lao động, cải thiện công ăn việc làm, đảm bảo đời sống cho người lao động yên tâm lao động, sản xuất.

Trong quá trình đó, NHNN với hệ thống các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ thị trường lao động theo những chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngô Hải

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục