Ngành mía đường Việt Nam đã có quá trình phát triển 25 năm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đường cho đất nước, góp phần giải quyết sinh kế cho khoảng 35.000 hộ nông dân trên cả nước thuộc các địa phương có diện tích đất trồng mía.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cùng với những yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau như năng lực cạnh tranh còn yếu, thiên tai, thời tiết, giá đường thế giới biến động giảm, buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu phức tạp…, đã khiến ngành mía đường Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn. Đặc biệt, kể từ ngày 1/1/2020, thực thi cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam đã xóa bỏ hàng rào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN, áp lực cạnh tranh đối với ngành mía đường ngày càng lớn.
Tại cuộc họp nêu trên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã đưa ra kiến nghị:
Bộ Công Thương áp dụng biện pháp phòng vệ để hạn chế việc nhập khẩu đường để bảo vệ sản xuất mía đường trong nước. Áp dụng các biện pháp chống phá giá đối với đường lỏng siro ngô và các chất tạo ngọt khác. Tăng cường quản lý thị trường, chống gian lận thương mại đường. Bộ Công Thương xem xét đề nghị ASEAN cho mặt hàng đường vào danh mục mặt hàng nhạy cảm.
VSSA đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt giá điện đồng phát từ bã mía tương đương giá điện sinh khối của các ngành khác, không ở mức thấp quá xa so với các nước ASEAN để hỗ trợ giá trị gia tăng thêm cho các nhà máy đường, cũng như hỗ trợ gián tiếp cho nông dân trồng mía.
Xem xét ban hành một Thông tư riêng về quản lý đường nhập khẩu, xem xét điều kiện quản lý đường nhập khẩu theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP.
Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tăng cường đầu tư, có nguồn kinh phí cho công tác nghiên cứu giống mía mới, cơ giới hóa, thủy lợi hóa, và thiết lập hệ thống sản xuất, nhân giống 3 cấp. Kiến nghị Chính phủ sửa Quyết định 68/2013/QĐ-TTg nâng lên thành Nghị định để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất mía đường nói riêng. Xem xét áp dụng các hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chất lượng đường nhập khẩu theo thông lệ và qui định quốc tế. Tăng cường liên kết nông dân và doanh nghiệp chế biến.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại đường nhập lậu.
Ngân hàng Nhà nước khoanh nợ cho nông dân và các nhà máy đường, tiếp tục cho vay ưu đãi để trồng mía và chế biến đường.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng chia sẻ với khó khăn của ngành mía đường trước những thách thức hội nhập, đồng thời nhấn mạnh: Việt Nam phát triển nền kinh tế tự cường. Nếu chúng ta có nhu cầu đường lớn, mà phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường đường nước ngoài, thì đó là một sai lầm. Thủ tướng cho rằng, phải tính toán lại giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu để phát triển ngành mía đường phù hợp.
Theo Thủ tướng, ngành mía đường bên cạnh thách thức cũng có nhiều cơ hội phát triển, đó là Chính phủ quan tâm chỉ đạo; thị trường, nhu cầu trong nước lớn, có những vùng, khu vực có thể tổ chức lại sản xuất ngành mía đường. Chúng ta không thể sản xuất số lượng lớn, ào ạt, nhưng cơ hội phát triển mía đường vẫn luôn rộng mở với Việt Nam nếu biết sắp xếp lại, hiệu quả hơn. Đặc biệt, năm 2020, ngành mía đường thế giới được dự báo là đi xuống trong khi nhu cầu thị trường tăng lên, giá đường có thể tăng lên. Cơ hội phát triển ngành đường còn nằm ở các sản phẩm sau đường như sản xuất phân bón, ethanol từ bã mía và rỉ mật…
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ không có chủ trương dẹp bỏ ngành mía đường, nhưng yêu cầu tổ chức lại sản xuất để có năng suất tốt hơn, phù hợp với hội nhập quốc tế sâu rộng. Chính phủ cũng không đồng ý việc tiếp tục đề nghị gia hạn Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA - có hiệu lực từ 1/1/2020) cho ngành mía đường.
Thủ tướng cơ bản nhất trí với một số kiến nghị của VSSA, đồng thời yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường đầu tư, có nguồn kinh phí cho công tác nghiên cứu giống mía mới, cơ giới hóa, thủy lợi hóa những vùng mía tập trung. Các bộ liên quan nghiên cứu áp dụng các hàng rào kỹ thuật và các công cụ phòng vệ để kiểm soát đường nhập khẩu theo thông lệ quốc tế. Liên kết nông dân và doanh nghiệp chế biến. Xem xét phê duyệt giá điện được sản xuất từ bã mía một cách phù hợp.
Ban Chỉ đạo 389 tăng cường chống buôn lậu, chống hàng giả, gian lận thương mại quyết liệt hơn, xử lý nghiêm cán bộ liên quan đến việc bảo kê nhập khẩu đường trái phép. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét tổng thể những vùng bị hạn hán, thiên tai, khó khăn để khoanh nợ, giãn nợ cho nông dân và xem xét cho vay vốn ưu đãi để trồng mía và chế biến đường ở những khu vực có hiệu quả, những nhà máy có hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh, ngành mía đường cần sẵn sàng cạnh tranh, bảo đảm cạnh tranh thắng lợi. Chúng ta sẵn sàng xóa bỏ mọi rào cản để tạo thuận lợi cho ngành mía đường phát triển theo thông lệ quốc tế. Nhà nước sẽ có những cơ chế chính sách, cụ thể là sẽ có một Chỉ thị của Thủ tướng sau cuộc họp này để đưa ra những biện pháp cho ngành mía đường trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Các công ty, nhà máy đường hiện có phải tổ chức sắp xếp lại, cương quyết dẹp bỏ những nhà máy năng suất thấp, công nghệ lạc hậu. Cần có một số nhà máy then chốt, năng suất cao, vùng mía tập trung ở một số khu vực. VSSA cũng như ngành nông nghiệp phải lo chuyển đổi để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân, nhà máy.
Thủ tướng khẳng định: "Nhà nước quyết tâm và có những giải pháp ủng hộ ngành mía đường, nhưng không bao cấp, mà yêu cầu ngành mía đường phải cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh hội nhập quốc tế...”.
Ngọc Quỳnh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|