Ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước thời cơ “vàng” xuất khẩu |
Hiện, nước ta đang tập trung nguồn lực để “nâng tầm hạt gạo Việt” bằng cách tăng cường xuất khẩu nhưng đồng thời đảm bảo nguồn cung cho hơn 100 triệu nhân dân trong nước. Đây được đánh giá là thời điểm “vàng” cho doanh nghiệp lúa gạo tăng tốc nửa cuối năm.
Kết thúc quý II/2023, nhiều doanh nghiệp lúa gạo “phất lên” một cách ngoạn mục, tuy nhiên cũng không hiếm doanh nghiệp lại tỏ ra chậm rãi, chờ đợi cơ hội “bứt phá” ở phía trước.
Có thể kể đến như Tổng Công ty Lương thực miền Nam – CTCP (UPCoM: VSF) “đại thắng” với kết quả kinh doanh tăng đột biến. Theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp, doanh thu thuần đạt 6.867 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 9,4 tỷ đồng, cao gấp đôi quý II/2022.
Cũng giống VSF, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) ghi nhận doanh thu thuần tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 3.677 tỷ đồng. Riêng lợi nhuận sau thuế “vọt” lên 146%, ở ngưỡng 425 tỷ đồng nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp 8,5 lần và lợi nhuận liên kết .
Sau khi báo lãi, giá cổ phiếu của VSF và LTG đồng loạt “bật tăng”. Cổ phiếu VSF tăng gấp 3 lần sau 10 ngày, cổ phiếu LTG tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm.
Một “ông lớn” khác cũng báo lãi trong quý II vừa qua là Công ty CP Tập đoàn Nafoods (HOSE: NAF) với lợi nhuận sau thuế đạt 48 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2022 dù doanh thu thuần có giảm nhẹ khoảng 46 tỷ đồng, ở mức 445 tỷ đồng.
Không được “may mắn” như VSF, LTG hay NAF, Công ty CP Tập đoàn PAN (HOSE: PAN) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.778 tỷ đồng, giảm gần 12% so với quý II/2022. Kéo theo đó là lợi nhuận sau thuế giảm tới 30%, chỉ còn 160 tỷ đồng do mùa vụ không thuận lợi.
Nói về tăng trưởng doanh thu ấn tượng trong quý II/2023 không thể không nhắc đến Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) với doanh thu đạt 1.615 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do chưa thể cắt giảm chi phí điều hành mà Trung An lỗ 8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế so với mức lãi 23 tỷ đồng ở quý II/2022.
Kết thúc quý II/2023, doanh nghiệp gạo lỗ “nặng” nhất phải kể đến Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (HOSE: AGM). Với doanh thu sụt giảm 88%, về mức 162 tỷ đồng cùng gánh nặng chi phí khiến lợi nhuận sau thuế của AGM tiếp tục “lao dốc” quý thứ 4 liên tiếp, gần sát ngưỡng âm 34 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh của một số "ông lớn" ngành lúa gạo nửa đầu năm 2023. |
Dự đoán về diễn biến của thị trường, theo báo cáo của VCBS, ngành lúa gạo nửa cuối năm 2023 sở hữu nhiều triển vọng nhờ tình hình thời tiết ổn định.
Thời điểm giữa năm, hiện tượng El Nino khiến mưa đến muộn và kết thúc sớm sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất nông sản ở nhiều quốc gia. Tại Ấn Độ, tính tới thời điểm tuần đầu tiên của tháng 6/2023, lượng mưa chỉ ghi nhận 9,9 mm, thấp hơn 57% so với mức trung bình hằng năm gây hạn hán, ảnh hưởng đến mùa vụ.
Hạn hán kéo dài tại Trung Quốc trong năm 2022, khiến sản lượng niên vụ 2021-2022 của nước này giảm 2%. Do đó, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu thêm 6 triệu tấn gạo trong niên vụ 2022-2023 để đảm bảo nhu cầu trong nước.
Trong năm 2022, tồn kho gạo tại Philippine bị bào mòn do 139.000 ha diện tích gieo trồng bị tàn phá bởi bão Noru. USDA dự báo, tiêu thụ gạo của nước này trong niên vụ 2023-2024 sẽ đạt khoảng 16,5 triệu tấn, Philippine sẽ phải nhập khẩu thêm khoảng 3,9 triệu tấn/năm trong 2 năm tới để đảm bảo nguồn cung lương thực.
Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn của Thái Lan dự báo sản lượng gạo của Thái Lan trong vụ canh tác chính năm 2023 có thể giảm khoảng 6% về mức 25,2-25,6 triệu tấn dưới tác động của El Nino trong 2 năm tới.
Trong khi đó, Việt Nam lại gặp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” với mưa nhiều và sẽ chuyển dần sang trung tính trong nửa đầu năm 2023, USDA dự báo sản lượng gạo của Việt Nam sẽ tương đối ổn định nhờ xu hướng giá gạo tăng do nguồn cung thu hẹp và sự dịch chuyển nguồn cầu từ Ấn Độ.
Bên cạnh đó, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo để đảm bảo lương thực trong nước cũng như Nga đã ngừng ra hạn thỏa thuận “Ngũ cốc Biển Đen” cũng tạo ra cơ hội “nghìn năm có một” cho lúa gạo Việt.
Chưa dừng lại ở đó, giá gạo xuất khẩu trong hơn 1 tháng trở lại đây không ngừng tăng. điển hình là gạo 5% tấm đã “đạt đỉnh” trong vòng 11 năm qua, gần chạm ngưỡng 600 USD/tấn, tăng 60 USD/tấn. Gạo 25% tấm cũng tăng 65 USD/tấn.
Bên cạnh “niềm vui” của các doanh nghiệp gạo, các doanh nghiệp cung cấp giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cũng được hưởng lợi nhờ đẩy mạnh gieo trồng vụ mùa. VCBS cũng dự phóng, doanh thu của một số doanh nghiệp như Công ty CP Khử trùng Việt Nam (HOSE: VFG), Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (HOSE: NSC)… sẽ được tăng “đáng kể” nhờ cung cấp nguyên vật liệu phục vụ gieo cấy.
Khoảng 1 tháng trở lại đây, ngành gạo Việt Nam liên tục đón nhận những tin vui về xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 4,24 triệu tấn, trị giá 2,26 tỷ USD (tăng 21,3% về lượng và tăng 32,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022). Giá xuất khẩu bình quân đạt 533 USD/tấn, tăng 9% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu từ giờ đến cuối năm không có diễn biến thất thường của thời tiết thì Việt Nam vừa đáp ứng số lượng gạo xuất khẩu, vừa đảm bảo nguồn cung trong nước cho nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, hiện nay là thời cơ đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo trong điều kiện cho phép nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho người sản xuất, người kinh doanh. Đây cũng là thời cơ để mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu hạt gạo Việt.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Diên cảnh báo, hiện một số nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan đều có động thái về cấm xuất khẩu gạo, vì vậy Việt Nam cần thận trọng bởi họ có thể dừng lệnh cấm bất kì lúc nào, không thể từ “người đi đầu trở thành người đi sau”.
Để đảm bảo tăng trưởng bền vững, các đơn vị có nhiệm vụ liên quan phải thực hiện bảo đảm duy trì dự trữ và thu mua lương thực theo quy định của nhà nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Cùng với các thị trường truyền thống, doanh nghiệp cũng cần quan tâm mở rộng các thị trường tiềm năng, cần "đánh chắc, tiến chắc".
Dự kiến trong năm 2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu được 7,5 triệu tấn gạo, thu về 4,1 tỷ USD trên 7,1 triệu ha diện tích gieo cấy. Bên cạnh đó, Cục Trồng trọt đã nâng diện tích trồng lúa trong vụ thu đông ở Đồng bằng Sông Cửu Long lên hơn 700.000 ha.
Ngọc Bích
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|