Ngành dược được dự báo gặp nhiều khó khăn trong năm 2023

(Banker.vn) SSI kỳ vọng doanh thu ngành dược tăng 8%, đạt 169 nghìn tỷ đồng (7,2 tỷ USD) vào năm 2023. Bối cảnh sau đại dịch sẽ ổn định ở hầu hết khía cạnh, nhưng suy thoái kinh tế có thể làm đình trệ chi tiêu chăm sóc sức khỏe...

Trong một báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán mới đây, SSI Research giữ quan điểm trung lập về triển vọng ngành dược trong năm 2023. Theo đó, tăng trưởng của ngành sẽ hạn chế, lợi nhuận có thể ghi nhận mức thấp hơn trước khi khá dần lên.

Ngành dược được dự báo gặp nhiều khó khăn trong năm 2023

SSI kỳ vọng doanh thu ngành dược tăng 8%, đạt 169 nghìn tỷ đồng (7,2 tỷ USD) vào năm 2023. Bối cảnh sau đại dịch sẽ ổn định ở hầu hết khía cạnh, nhưng suy thoái kinh tế có thể làm đình trệ chi tiêu chăm sóc sức khỏe.

Nửa đầu năm 2023 sẽ là khoảng thời gian khó lường đối với nguồn cung hoạt chất (API) và tá dược. Khoảng 65% API được sử dụng trong sản xuất thuốc tại Việt Nam là từ Trung Quốc - quốc gia đã mở cửa trở lại, tuy nhiên SSI lo ngại tình trạng thiếu hụt vẫn có thể xảy ra.

Thêm vào đó, cuộc chiến Nga-Ukraine vẫn đang diễn ra, các hoạt chất và thuốc nhập khẩu từ châu Âu có nguy cơ bị thiếu hụt. Các công ty có thể sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ giành được vị thế tốt hơn.

Cuộc đua về nâng cấp chất lượng đang diễn ra tại các công ty dược phẩm lớn. Nhiều công ty như DHG, IMP, DBD, TRA và Dược Cửu Long (DCL) đang đặt mục tiêu đạt tiêu chuẩn EU GMP cho các cơ sở sản xuất của họ. Các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy đạt tiêu chuẩn EU GMP sẽ được xét vào nhóm thuốc chất lượng cao nhất trong đấu thầu ở bệnh viện công (nhóm 1).

Các công ty trong nước hy vọng sẽ đấu thầu được sản phẩm với giá cao hơn trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều loại thuốc nhập khẩu thuộc nhóm này. Theo ước tính của SSI, chỉ có 6% thuốc trong nhóm 1 được sản xuất trong nước, phần còn lại chủ yếu là thuốc nhập khẩu.

Ngành dược được dự báo gặp nhiều khó khăn trong năm 2023

Ngoài ra, việc nâng cấp EU GMP sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh. Tại thời điểm viết báo cáo này, chỉ có 8 công ty sở hữu dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU GMP hoặc tương đương tại Việt Nam. Tuy nhiên, với chi phí đầu tư ban đầu và chi phí duy trì cao, các yêu cầu khắt khe và thời gian phê duyệt kéo dài, các công ty sẽ phải cân nhắc việc theo đuổi cuộc đua này hoặc đầu tư vào các mảng khác để có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn.

Tình trạng thiếu vật tư và nhân lực tại các bệnh viện công dự kiến được cải thiện từ quý 2/2023. Bộ Y tế đang đề xuất Luật Khám chữa bệnh sửa đổi để giải quyết những bất cập về khung pháp lý mà các bệnh viện công đang gặp phải, đặc biệt là vấn đề giá khám chữa bệnh thấp và quy trình đấu thầu nêu trên.

Trong năm 2023, mức phí khám chữa bệnh ở bệnh viện công sẽ tăng lên và hoạt động bán thuốc kê đơn qua kênh bệnh viện sẽ phục hồi. Cho tới khi vấn đề được giải quyết, nhóm bệnh viện tư nhân sẽ được hưởng lợi từ lượng bệnh nhân mà các bệnh viện công không thể phục vụ.

Anh Khôi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán