Ngành du lịch Phú Quốc - Kiên Giang lấy lại sức sống, hãng tàu cao tốc Superdong "băng băng" về đích

(Banker.vn) Lượng du khách trong và ngoài nước lũ lượt tìm về Kiên Giang, Phú Quốc, cùng với giá dầu DO được giữ ổn định, giới quan sát đang đánh giá cao tiềm năng phát triển của Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (SKG) trong nửa cuối năm 2023.
Ngành du lịch Phú Quốc - Kiên Giang lấy lại sức sống, hãng tàu cao tốc Superdong
Ra đời năm 2007, đến nay Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (SKG) đang quản lý vận hành 16 tàu cao tốc và 2 phà chuyên chở hành khách, hàng hoá.

Với những người dân sinh sống trong khu vực tỉnh Kiên Giang, Công ty CP Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (HOSE: SKG) vốn không phải là cái tên xa lạ, khi đơn vị này đã thiết lập vị thế là hãng tàu lớn nhất khai thác và chuyên chở hàng hóa, hành khách từ đất liền tới các đảo du lịch trên địa bàn tỉnh.

Điểm đến quen thuộc của SKG là những hòn đảo đặc sắc, thu hút lượng lớn khách du lịch nhất của Kiên Giang như Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Nam Du, Hòn Sơn, Hòn Tre và Hòn Nghệ. Ra đời năm 2007, đến nay SKG đang quản lý vận hành 16 tàu cao tốc và 2 phà chuyên chở hành khách, hàng hoá.

Thời gian tới, SGK có kế hoạch nâng cấp các tàu cao tốc để khai thác các tuyến chính như Rạch Giá - Phú Quốc, Hà Tiên - Phú Quốc và Rạch Giá - Nam Du. Đặc biệt, tuyến trình Rạch Giá – Phú Quốc sẽ được đảm bảo toàn bộ các tàu tốc độ cao.

Đồng thời, doanh nghiệp cho biết đã đóng mới 2 phà cao tốc 3 thân ở Malaysia để chuyên chở ở tuyến Phan Thiết - Phú Quý (dự kiến hoạt động từ quý I/2025) và Vũng Tàu - Côn Đảo (tuyến mới, dự kiến hoạt động từ quý II/2026).

Giữa bối cảnh ngành du lịch có những bước phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn Covid hoành hành, SGK là một trong số doanh nghiệp được dự báo "hái quả" trong năm 2023.

"Hấp lực" của Kiên Giang, Phú Quốc

Trên thực tế, lượng khách du lịch tới Kiên Giang nói chung và Phú Quốc nói riêng đã tăng trở lại từ nửa đầu năm 2022, và sang 6 tháng đầu 2023 vẫn tiếp tục giữ vững thành tích lạc quan đó, đặc biệt ở nhóm khách du lịch quốc tế.

Trong báo cáo mới nhất, nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) công bố số du khách nước ngoài đến Kiên Giang đã tăng gấp 6 lần ở giai đoạn 6 tháng đầu năm, nhờ đó sớm vượt kế hoạch đề ra cho cả năm 2023. Tương tự, du lịch ngoại ghé thăm Phú Quốc cũng đông đảo gấp 6 lần 2 quý đầu năm 2022, hoàn thành đủ chỉ tiêu cả năm dù còn tận 6 tháng phía trước.

Ngành du lịch Phú Quốc - Kiên Giang lấy lại sức sống, hãng tàu cao tốc Superdong
Tổng hợp từ Superdong và TPS research.

Đó là chưa kể, giai đoạn nửa cuối năm dư địa phát triển du lịch của Kiên Giang, hay của Việt Nam còn rất rộng mở. Việc gia hạn thị thực cho người nước ngoài từ 1 tháng lên 3 tháng kể từ 15/8/2023, cũng như xu hướng tăng cường mở thêm chuyến bay quốc tế sẽ là "thỏi nam châm" kéo thêm du khách nước ngoài về Việt Nam.

Không chỉ cộng hưởng với số lượng du khách nước ngoài lớn, bản thân Phú Quốc cũng ngày một trở nên hấp dẫn hơn nhờ diện tích đảo lớn nhất cả nước, bờ biển dài và nguồn hải sản phong phú. Cơ sở hạ tầng ở Phú Quốc còn được Chính phủ và doanh nghiệp tư nhân đầu tư mạnh mẽ trong những năm gần đây, ví dụ như cảng hành khách quốc tế, các khu dân cư, đô thị được xây dựng bởi các tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, Sungroup, BIM...

Thiên nhiên cũng ưu đãi cho Phú Quốc với điều kiện khí hậu phù hợp cho du lịch nghỉ dưỡng, đáp ứng xu hướng du lịch hiện đại của du khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, châu Úc, châu Âu và châu Mỹ.

Sang năm 2024, khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu "bật dậy" từ đáy như nhiều dự báo đang chỉ ra, song song với sự phát triển và ổn định trở lại, ngành du lịch nói chung cũng như ngành vận tải du lịch nói riêng sẽ bước đến giai đoạn tăng tốc mới.

Nhẹ gánh chi phí dầu DO

Đối với SKG, không chỉ hưởng lợi từ dòng du khách lũ lượt tìm đến Kiên Giang, Phú Quốc, doanh nghiệp còn có ưu thế khi dầu DO - nhiên liệu chính để vận hành tàu cao tốc, chiếm gần 50% chi phí giá vốn hàng năm giảm dần biến động và điều chỉnh về mức thấp.

SKG cũng chủ động thực hiện nhiều biện pháp điều chỉnh để giảm thiểu tác động của dầu DO như dự trữ nhiên liệu, hợp tác với các nhà cung cấp dầu DO lớn để nhận được chiết khấu cao hoặc sẽ tăng giá vé nếu giá dầu DO tăng quá cao... Từ đó, biên lợi nhuận sẽ mở rộng và giúp khả năng sinh lợi của SKG tốt lên.

Ngành du lịch Phú Quốc - Kiên Giang lấy lại sức sống, hãng tàu cao tốc Superdong
TPS research tổng hợp từ EIA.

Minh chứng là kết quả kinh doanh quý II của SKG, không chỉ doanh thu hợp nhất tăng trưởng 3% lên 131 tỷ đồng nhờ có thêm số chuyến; tối ưu giá vốn giúp biên lãi gộp tăng hơn 8,5 điểm % đạt 40,5%, tạo tiền đề cho lợi nhuận sau thuế tăng 35%, đạt hơn 35 tỷ đồng trong quý II/2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, SKG ghi nhận gần 249 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 18% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 68 tỷ đồng, tăng trưởng tới 91% so với nửa đầu 2022. Tính ra, sau 2 quý đầu kinh doanh, SKG đã hoàn thành được 52% kế hoạch về doanh thu (478 tỷ đồng) và chuẩn bị cán đích kế hoạch lợi nhuận với tỷ lệ hoàn thành 96% (72 tỷ đồng).

Điểm mạnh của SKG còn nằm ở tình hình tài chính lành mạnh. Tài sản của SKG tập trung chủ yếu ở tài cố định, thường chiếm từ 50 - 65% tổng tài sản hàng năm của doanh nghiệp, do đặc thù hoạt động trong mảng vận tải hành khách nên tài sản tập trung chủ yếu vào các phà và tàu cao tốc.

Trong giai đoạn 2018 - 2019, ngành du lịch phát triển mạnh, số lượng du khách sử dụng tàu SKG đã tăng lên, nên doanh nghiệp có xu hướng đầu thêm vào tài sản để đảm bảo đủ công suất cho số lượng khách hàng tăng thêm.

Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch và sau dịch 2020 - 2022, số lượng du khách vơi đi buộc doanh nghiệp "cắt" khoản đầu tư thêm cho tài sản cố định, đặc biệt là năm 2021.

Theo sau là mục đầu tư tài chính ngắn hạn, chủ yếu là tiền gửi ngân hàng, thường chiếm 15 - 25% trong tổng tài sản hàng năm. Điều này cho thấy, tiềm lực tài chính của SKG khá mạnh.

Tiếp theo, tài sản được phân bổ cho mục phải thu ngắn hạn, thường chiếm từ 10 - 20% trong tổng tài sản, phải thu được phân bổ chủ yếu là thuộc danh mục trả trước cho người bán ngắn hạn.

Do đặc thù là doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, nên khoản nợ ngắn hạn của SKG không quá lớn, chủ yếu là nợ phải trả cho nhà cung cấp, cán bộ và người lao động.

Đặc biệt, SKG cũng nói không với tín dụng ngân hàng, và chủ động sử dụng vốn tự có để đầu tư mua tàu, phà.

Ngành du lịch Phú Quốc - Kiên Giang lấy lại sức sống, hãng tàu cao tốc Superdong
Cổ phiếu SKG tăng mạnh kể từ đầu năm, có thời điểm vượt mức 21.000 đồng/cp.

Phản ánh lên giá cổ phiếu, trên thị trường chứng khoán, SKG có loạt phiên tăng điểm ấn tượng từ đầu năm 2023 đến nay, sau khi vượt ra khỏi vùng thấp hồi cuối năm 2022.

Hạ tuần tháng 7 vừa qua, cổ phiếu SKG có thời điểm được giao dịch ở mức trên 21.000 đồng/cp, tăng khoảng 50% so với đầu năm. Khi sự hưng phấn của nhà đầu tư nguội bớt, SKG điều chỉnh giảm về vùng 18.500 đồng/cp (đóng cửa phiên 7/8).

Tuy nhiên, TPS cho rằng giá cổ phiếu SKG vẫn chưa đạt "đỉnh" và có thể sẽ còn tăng trở lại trong thời gian tới khi hoạt động kinh doanh tiếp tục khởi sắc. Kết hợp 3 phương pháp DCF, P/E và P/B, nhóm phân tích đưa ra giá mục tiêu cho SKG là 24.500 đồng/cp, cao hơn 32% so với thị giá hiện tại, là cổ phiếu phù hợp cho chiến lược đầu tư trung và dài hạn của "chứng sĩ".

Thanh Phong

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán