Ngành du lịch: 64 năm khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế

(Banker.vn) Trải qua 64 năm hình thành và phát triển (09/7/1960 - 09/7/2024), ngành du lịch đã vươn lên khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế.
Năm 2024: Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế Chú trọng chất lượng tăng trưởng, nâng cao tính chuyên nghiệp cho du lịch

Vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế

Ngày 09/7/1960, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng thay mặt Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký ban hành Nghị định số 26 về việc thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương, mở ra bước khởi đầu cho ngành du lịch Việt Nam.

Trong những năm tháng chiến tranh, sự ra đời của ngành du lịch Việt Nam là một dấu son lịch sử, thể hiện tầm nhìn sâu rộng của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Sau 64 năm nhìn lại, ở mỗi thời kỳ, ngành du lịch Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó, đóng góp ngày càng tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.

Ngành du lịch: 64 năm khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế
Việt Nam được vinh danh là điểm đến di sản hàng đầu thế giới. Ảnh: Vương Lộc

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, năm 2019, du lịch Việt Nam đã đón được 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 755.000 tỷ đồng, đóng góp của du lịch chiếm 9,2% GDP cả nước.

Du lịch đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển. Việt Nam được xếp là một trong 6 nước có tốc độ tăng trưởng du lịch quốc tế hàng đầu thế giới.

Trong giai đoạn 2020-2022 ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng đã từng bước vượt khó qua các đợt dịch để trở thành một trong những ngành có tốc độ phục hồi nhanh nhất cả nước.

Với sự tham mưu, đề xuất của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho mở cửa thí điểm du lịch từ cuối năm 2021 tiến tới mở cửa hoàn toàn từ tháng 15/3/2022. Đây là bước ngoặt quan trọng tạo đà cho sự phục hồi của ngành du lịch.

Kết quả năm 2022, Việt Nam đã đón được gần 3,7 triệu lượt khách quốc tế, du lịch nội địa trở thành điểm sáng với 101,3 triệu lượt khách - cao hơn con số kỷ lục 85 triệu lượt của năm 2019.

Bước sang năm 2023, thị trường du lịch quốc tế đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, gấp gần 3,5 lần so với năm 2022, mức độ phục hồi đã đạt 70% so với năm 2019, cao hơn mức phục hồi chung của châu Á (65%).

Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa và tổng thu đạt 840 ngàn tỷ đồng. Đây là mục tiêu cao và đầy tham vọng của ngành du lịch nhưng hoàn toàn có cơ sở để thực hiện với sự quan tâm sâu sắc của các cấp và nỗ lực của cả ngành du lịch triển khai các giải pháp hiệu quả.

Kết quả 6 tháng đầu năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với trên 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 4,1% so với cùng kỳ năm 2019; khách nội địa đạt 66,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 436,5 nghìn tỷ đồng.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024, lĩnh vực du lịch, dịch vụ được đánh giá là một trong 11 điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Với đà tăng trưởng như hiện nay trong khi mùa cao điểm du lịch quốc tế sẽ tới trong những tháng cuối năm, ngành du lịch đầy lạc quan sẽ hoàn thành mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm nay.

Động lực cho du lịch phát triển

Với các thành tựu đã đạt được trong những năm qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam 4 lần được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á (Asia’s Leading Tourist Board) vào các năm 2017, 2021, 2022, 2023.

Ngành du lịch: 64 năm khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế
Khách du lịch đến Việt Nam ngày càng tăng trưởng mạnh. Ảnh: TTXVN

Ngành du lịch Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng danh giá như: 4 lần là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới; 2 lần là Điểm đến Golf tốt nhất thế giới và 6 lần là Điểm đến Golf tốt nhất châu Á; 5 lần là Điểm đến hàng đầu châu Á; và nhiều danh hiệu danh giá khác như Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hoá hàng đầu châu Á; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; Điểm đến di sản hàng đầu châu Á; Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á.

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, chiều ngày 8/7, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - Hồ An Phong bày tỏ sự ấn tượng với kết quả tăng trưởng về lượng khách trong 6 tháng đầu năm 2024. Ông cho rằng đây chính là những con số biết nói, thể hiện sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch.

"Nhiều giải thưởng quốc tế uy tín dành cho du lịch Việt Nam là minh chứng cho sự cải thiện về chất lượng dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch của Việt Nam. Lượng khách du lịch tăng cao, các chính sách du lịch thông thoáng, các sự kiện du lịch quy mô lớn đã góp phần quan trọng làm “sống dậy” du lịch sau đại dịch Covid-19 với những kết quả hết sức nổi bật" - ông Hồ An Phong nhấn mạnh.

Để có được những kết quả đó, theo lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong thời gian vừa quan ngành du lịch đã nhận được sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước. Với sự chủ động tham mưu, đề xuất của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho phát triển du lịch. Tiêu biểu là Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Luật Du lịch năm 2017 của Quốc hội.

Trong bối cảnh dịch bệnh, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã phối hợp cùng các ban ngành đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch từng bước vượt qua khó khăn. Sau khi du lịch mở cửa trở lại, chỉ trong thời gian ngắn, Thủ tướng đã đích thân chủ trì 3 hội nghị lớn về du lịch, đó là Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam vào tháng 12/2022; Hội nghị toàn quốc về du lịch vào tháng 3/2023 và Hội nghị phát triển du lịch nhanh, bền vững vào tháng 11/2023.

Kết quả của các hội nghị quan trọng này là ngày 18/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Ngày 23/2/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới. Từ ngày 15/8/2023, Chính phủ đã thông qua các nghị quyết phê duyệt chính sách mới về thị thực và xuất nhập cảnh theo hướng thông thoáng, thuận tiện để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Mới đây, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024. Ngành du lịch kỳ vọng, đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để tổ chức quy hoạch toàn diện hoạt động du lịch trên toàn quốc, tạo động lực cho du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương