Ngành điện Việt Nam: Hành trình sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất

(Banker.vn) Sau gần 50 năm đất nước thống nhất, ngành Điện Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, góp phần vào CNH-HĐH đất nước.
Chiến lược ngành điện đến năm 2025: Nâng cao hiệu quả sử dụng điện Từ chuyện người dân đi bộ giữa lòng hồ thuỷ điện nghĩ về sự chung tay chia sẻ khó khăn Dấu ấn 20 năm thực thi Luật Điện lực - Bài 2: Vai trò và thành quả ngành điện

Đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế

Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước, ngành Điện đã tiếp quản, phục hồi và đầu tư mở rộng. Từ một hệ thống điện nghèo nàn, manh mún, do chiến tranh chia cách Bắc-Nam, hệ thống điện mỗi miền phát triển riêng biệt với tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau, đến nay sau gần nửa thế kỷ, ngành điện đã từng bước làm chủ công nghệ, đưa hệ thống điện quốc gia ngày càng phát triển lớn mạnh, đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, với chất lượng ngày càng cao.

Ngành điện Việt Nam: Hành trình sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất
Sau gần nửa thế kỷ đất nước thống nhất, ngành điện đã đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, với chất lượng ngày càng cao (Ảnh: Mạnh Hùng)

Nhớ lại những ngày đầu sau đại thắng mùa xuân năm 1975, Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê nguyên là Bộ trưởng Bộ Năng lượng giai đoạn 1992-1995 chia sẻ: ''Năm 1975 ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam điện chỉ chủ yếu phục vụ thắp sáng và sinh hoạt. Trước tình hình đó, Chính phủ và ngành Điện đã tập trung đầu tư xây dựng các nguồn điện mới. Từ đây, nhiều công trình thủy điện, trung tâm nhiệt điện quy mô lớn với công nghệ hiện đại đã được hình thành, đảm bảo nguồn điện cho phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh phía Nam''.

Ngành điện Việt Nam: Hành trình sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất
Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê nhớ về những ngày đầu sau giải phóng đất nước, ngành điện Việt Nam đã không ngừng nỗ lực đầu tư đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, đất nước (Ảnh tư liệu: Đình Dũng)

Chỉ trong 20 năm (1976-1995) ngành Điện tập trung phát huy nội lực phát triển nguồn, lưới điện theo quy hoạch, từng bước đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.

Trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập đó không thể không nói đến vai trò to lớn của ngành điện. Từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu bởi chiến tranh tàn phá khi tiếp quản Thủ đô vào tháng 10/1954 với vẻn vẹn 31,5 MW công suất đặt, sản lượng điện khoảng 53 triệu kWh/năm còn ở miền Nam vào khoảng 53,84 MW, thời điểm đất nước thống nhất năm 1975, chỉ 2,5% số hộ gia đình có điện sử dụng, chủ yếu ở thành thị. Đến năm 1985 đã có khoảng 9% số hộ gia đình có điện nhưng mức tiêu thụ ở mức thấp 65 kWh/năm và đến hết năm 2010, tổng công suất nguồn điện cả nước đã lên đến 20.900 MW.

Đặc biệt, từ năm 2001 đến năm 2020, chúng ta chứng kiến tốc độ tăng trưởng thần kỳ của nền kinh tế Việt Nam với tỷ trọng GDP tăng trưởng trung bình lên đến 13%/năm. Và năng lượng là nhân tố thiết yếu nhất để đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế bền bỉ suốt thời gian qua, thật vậy, nhu cầu tiêu thụ điện ở Việt Nam cũng bùng nổ nhanh chóng và gần như gia tăng song song với nền kinh tế.

Cũng theo Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê, để thực hiện các tổng sơ đồ phát triển điện lực Chính phủ đã phê duyệt, ngành Điện khẩn trương xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại (440 MW), Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (1.920 MW), tăng nguồn điện ở miền Bắc lên gần 5 lần, tạo bước ngoặt lớn về lượng và chất trong cung cấp điện ở miền Bắc.

Đơn cử như Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, sau năm 1975 Nhà máy đã hoàn thành việc mở rộng quy mô sản xuất đợt 3 (năm 1976) với công suất 50MW và đợt 4 năm (1977-1980) công suất 55 MW. Tổng công suất của Nhà máy sau 4 đợt mở rộng là 153 MW.

Ngành điện Việt Nam: Hành trình sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất
Nhiệt điện Uông Bí đã góp phần không nhỏ trong quá trình cung cấp điện cho miền Bắc khôi phục phát triển kinh tế đất nước sau chiến tranh (Ảnh: NĐUB)

Ở miền Nam, Nhà máy điện cũng được xây dựng và đưa vào vận hành. Việc vận hành Nhà máy Thủy điện Trị An (400 MW), đã nâng tổng công suất ở miền Nam lên 1.071,8 MW, đảm bảo đủ nguồn điện cung cấp cho khu vực có mức tăng trưởng cao trong cả nước.

Cùng với việc phát triển các nguồn điện, hệ thống lưới truyền tải cũng từng được đầu tư và xây dựng. Các đường dây và trạm biến áp 220kV được đồng bộ với các nhà máy điện mới, một số tuyến đường dây và trạm mới như: Đường dây 220kV Hà Đông – Hòa Bình, đường dây 220kV Thanh Hóa - Vinh, đường dây 220kV Vinh - Đồng Hới, đường dây 110kV Đồng Hới - Huế - Đà Nẵng… được khẩn trương xây dựng và vận hành.

Cuối thập niên 80 thế kỷ XX, với sự tham gia phát điện của một số Nhà máy điện công suất lớn như Nhiệt điện Phả Lại và Thủy điện Hòa Bình, miền Bắc bắt đầu xuất hiện tình trạng thừa điện.

Để truyền tải lượng điện dư thừa ở miền Bắc vào miền Nam, dự án đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 đã được triển khai đầu tư xây dựng với tổng chiều dài 1.487 km và 4 trạm biến áp 500kV đã nâng cao hiệu quả khai thác các nguồn điện.

Việc đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam không chỉ đóng vai trò liên kết lưới điện các miền, đấu nối các nhà máy điện vào hệ thống, giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện của miền Nam và miền Trung, mà còn trở thành tiền đề cho sự phát triển vượt bậc của hệ thống điện ngày nay, tạo điều kiện để mở rộng điện khí hóa đến các vùng nông thôn, hải đảo.

Khi đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm của toàn quốc từ 5-6% giai đoạn 1990-1992 lên hơn 18% giai đoạn 1993-1997, trong đó khu vực miền Trung và miền Nam là 21%. Nhờ đó tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bình quân đạt 12-14% trong giai đoạn 1990-1995, vượt các chỉ tiêu Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã đề ra.

Đẩy nhanh Điện khí hóa nông thôn

Không chỉ cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế đất nước, Việt Nam còn được biết đến là quốc gia đi đầu trong việc phát triển lưới điện nông thôn, qua đó giúp cho hơn 17 triệu hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo được tiếp cận điện năng, qua đó góp phần thay đổi diện mạo đời sống người dân vùng nông thôn.

Ngành điện Việt Nam: Hành trình sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất
Ngành điện đã cung cấp điện cho hơn 17 triệu hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (Ảnh: Thu Hường)

Theo đó, Ngân hàng Thế giới đã đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia thực hiện thành công và đạt hiệu quả cao về đầu tư điện nông thôn. Thực tế, tỉ lệ người dân được sử dụng điện tại Việt Nam đã cao hơn một số quốc gia trong khu vực có điều kiện kinh tế bằng hoặc khá hơn như: Indonesia, Philippines, Malaysia…

Có thể khẳng định, điện khí hóa nông thôn là một trong những thành tựu quan trọng, nổi bật của Việt Nam; thành công trong việc cung cấp điện cho hơn 17 triệu hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Tại khu vực nông thôn, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện tính đến 31/12/2019 đạt 99,26%; chỉ còn khoảng 0,74% số hộ dân nông thôn chưa được tiếp cận điện và đến nay con số này đang tiếp tục được rút ngắn.

Nhờ đó mức độ phủ điện của Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực. EVN đã cấp điện đến 100% số xã. Số hộ dân có điện, sử dụng điện tăng từ 97,31%, tương ứng 19 triệu hộ (năm 2010) lên 99,47%, tương ứng 27,41 triệu hộ (tháng 6/2019). Trong đó, số hộ dân nông thôn có điện sử dụng tăng từ 96,29%, tương ứng 13,26 triệu hộ (năm 2010) lên 99,18%, tương ứng 16,98 triệu hộ (tháng 6/2019).

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016-2020, huy động vốn ngân sách trung ương cho chương trình cấp điện nông thôn là 4.743 tỷ đồng cùng với vốn đối ứng của các chủ đầu tư. Chương trình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: 17/17 xã được cấp điện đạt 100% kế hoạch đề ra; cấp điện cho các đảo: Lý Sơn (Quảng Ngãi), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Nhơn Châu (Bình Định), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), đảo Trần và Cái Chiên (Quảng Ninh).

Từ chỗ nguồn và lưới điện không đáng kể, nghèo nàn lạc hậu từ năm 1954, đến năm 90 của thế kỷ XX, tổng công suất của cả nước chỉ đạt khoảng 1.800 MW, sản lượng điện khoảng 8-10 tỷ kWh. Điện năng bình quân đầu người trước năm 2000 chỉ khoảng 200-500 kWh/đầu người. (Chỉ số điện năng gần như thấp nhất trong 10 nước ASEAN). Sau 20 năm, điện bình quân đầu người tăng rất nhanh lên 2500kWh; Cung cấp điện ổn định hơn mười năm qua và có lãi.

Ngành điện Việt Nam: Hành trình sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất
Đến nay Việt Nam có hệ thống lưới điện vững chắc, đa dạng về nguồn với 426 nhà máy điện của các nhà đầu tư khác nhau (Ảnh: Thành Vinh)

Đến nay (năm 2024) nước ta đã có một hệ thống điện vững chắc ngành điện Việt Nam từng bước vươn lên mạnh mẽ với 426 nhà máy điện của các nhà đầu tư khác nhau (không kể các nhà máy thủy điện nhỏ), đưa công suất đặt lên đến trên 80.555MW chưa kể điện nhập khẩu, đứng trong nhóm 29 nước có điện lực phát triển nhất của thế giới và đứng đầu trong ASEAN.

Theo đánh giá của GS.Viện sĩ Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam: Cứ nhìn vào thành tựu của ngành Công Thương, của đất nước trong những năm qua thì sẽ thấy đóng góp của ngành Điện. Từ chỗ không đáng kể đến nay ngành Điện đã có dự phòng, cung cấp đủ cho nhu cầu phụ tải với chất lượng, dịch vụ không ngừng tăng lên, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút đầu tư; giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng miền; thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục