Ngành dệt may giải bài toán xuất xứ hàng hoá trong hiệp định EVFTA

(Banker.vn) Ưu đãi chỉ đến khi các nhà xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng được các quy định trong EVFTA, trong đó quan trọng hàng đầu là quy định về xuất xứ hàng hóa.
4 năm thực thi: EVFTA củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư châu Âu "Đường cao tốc" để nông sản Việt chinh phục thị trường EU Hiệp định EVFTA: Thu hút đầu tư, tạo sức bật cho doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Dệt may là ngành xuất khẩu được hưởng nhiều ưu đãi khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực thi. Mặc dù vậy, ưu đãi chỉ đến khi các nhà xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng được các quy định trong EVFTA, trong đó, quan trọng hàng đầu là quy định về xuất xứ hàng hóa.

Thách thức vượt qua "quy tắc xuất xứ hàng hóa"

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang các thị trường trên thế giới trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 16,52 tỷ USD, tăng 5,04% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sang EU chiếm 11,54% trong tổng kim ngạch, đạt gần 1,91 tỷ USD, tăng 1,63%.

Có được thành quả đó là do doanh nghiệp đã nắm bắt tốt cơ hội từ thị trường khi nhu cầu của người dân EU tăng lên. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA đã được doanh nghiệp tận dụng tương đối tốt, kể cả những quy tắc về xuất xứ hàng hoá, giúp hàng dệt may nâng cao sức cạnh tranh tại thị trường EU.

Ngành dệt may giải bài toán xuất xứ hàng hoá trong hiệp định EVFTA
Sản phẩm dệt may có thể yêu cầu truy xuất đến cả sợi sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Phú

Trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương hay đa phương, quy tắc xuất xứ hàng hóa được sử dụng để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ các khu vực, với mục tiêu kép, vừa đảm bảo quyền lợi cho các quốc gia thành viên, vừa ngăn chặn hàng hóa của các quốc gia không nằm trong khu vực FTA mà vẫn được hưởng quyền lợi ưu đãi thuế quan.

Để tận dụng tốt ưu thế từ các FTA, việc hiểu rõ và áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ, bao gồm cả quy tắc xuất xứ cộng gộp là yêu cầu cấp thiết đối với cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy thương mại quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu thành công.

Đối với hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường EVFTA, quy tắc xuất xứ hàng hóa hết sức quan trọng. Bởi theo cam kết của EVFTA, hàng dệt may được EU xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm, 22,7% kim ngạch còn lại cũng sẽ được EU xóa bỏ thuế quan sau 7 năm. Trong khi EU đang là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn thứ 3 của Việt Nam, và dư địa tại thị trường này còn rất lớn khi thị phần dệt may của chúng ta ở EU mới chiếm dưới 2% (4 tỷ USD/250 tỷ USD).

Để được hưởng thuế suất nhập khẩu theo quy định, sản phẩm vải của Việt Nam cần phải được dệt tại Việt Nam hoặc EU và được cắt may tại Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện nay, quy tắc xuất xứ hai công đoạn yêu cầu "từ vải trở đi" được đánh giá là chặt chẽ hơn nhiều so với Hiệp định ATIGA hay Hiệp định RCEP mà Việt Nam đang tham gia. Có thể nói, EVFTA đã đánh trúng vào điểm yếu của ngành may mặc Việt Nam. Bởi sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may không phải là thế mạnh của doanh nghiệp Việt.

Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ "điểm nghẽn"

Để xử lý điểm yếu về nguồn nguyên liệu dệt may, Việt Nam đã đàm phán với các nước EU đưa vào EVFTA điều khoản cho phép doanh nghiệp Việt Nam được cộng gộp hàm lượng xuất xứ của nguyên liệu dệt may nhập khẩu từ Hàn Quốc (nước đã ký FTA với EU) vào sản phẩm dệt may sản xuất tại Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các nước EU.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, với cách xem xét xuất xứ hàng hoá linh hoạt như vậy, quy tắc cộng gộp xuất xứ sẽ giúp thúc đẩy thương mại nội khối, tăng cường chuỗi cung ứng khu vực, qua đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa của các nước thành viên tham gia các FTA.

Ngành dệt may giải bài toán xuất xứ hàng hoá trong hiệp định EVFTA

Dệt may xuất khẩu hưởng ích từ quy tắc cộng gộp xuất xứ. Ảnh: Vitas

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm, ngành dệt may Việt Nam đang tập trung khoảng 85% năng lực sản xuất cho xuất khẩu. "Mục tiêu trong thời gian sắp tới của ngành dệt may là đa dạng hóa thị trường, cùng đó là đa dạng hóa sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và tận dụng tốt các cơ hội từ các (FTA) mang lại để thúc đẩy xuất khẩu", ông Cẩm nói.

Trong khi đó, những tiêu chuẩn về thị trường cũng ngày càng khắt khe, đơn cử, một số quốc gia, như: Mỹ, EU… đã đưa ra những quy định rất cao về xuất xứ hàng hoá, môi trường. Do đó, để giữ vững thị trường, Phó Chủ tịch Vitas đề xuất các thương vụ nước ngoài hỗ trợ nhiều hơn về thông tin từ các thị trường, chính sách của nước sở tại... để doanh nghiệp trong nước có thể định hướng, điều chỉnh các hoạt động sản xuất - kinh doanh cho phù hợp.

"Hiện nhiều nước đưa ra biện pháp phòng vệ thương mại, do vậy doanh nghiệp cần sự chia sẻ thông tin và cảnh báo để từ đó giúp doanh nghiệp có giải pháp ứng phó", ông Trương Văn Cẩm nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, để Việt Nam tận dụng thành công cơ hội đến từ các FTA đã ký kết, chủ động trong "sân chơi" FTA thì cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp đều phải nắm được "luật chơi".

Trước hết, bên cạnh việc nắm bắt được thông tin về cơ hội cũng như những tác động bất lợi để có sự chuẩn bị thích ứng thì doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ cam kết của các FTA. Đặc biệt là các cam kết liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là quy định về quy tắc xuất xứ.

Dự thảo Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã định hướng thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu ngành dệt may, da giầy, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa của các FTA thế hệ mới, cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa; Đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn về quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị…

Những nỗ lực của doanh nghiệp, cùng sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước sẽ hợp lực tạo ra bước đi mạnh mẽ, hóa giải bài toán quy tắc xuất xứ trong các FTA.

Chí Tâm

Theo: Báo Công Thương