Ngành dầu mỏ Mỹ sẽ tiếp tục biến động; châu Á tăng cường nhập khẩu LNG

(Banker.vn) Các chuyên gia thuộc Ngân hàng Bank of America (BofA) cho rằng, các công ty dầu mỏ và nhà máy lọc dầu của Mỹ có thể phải đối mặt với 12 tháng đầy thử thách nữa.
Tổng thư ký OPEC cảnh báo nguy hiểm khi thiếu đầu tư vào ngành dầu mỏ Ấn Độ sẽ quản lý giá dầu mỏ nếu vượt quá 100 USD một thùng IEA: Thị trường dầu mỏ được nới lỏng do nguồn cung tăng

Theo đó, giá dầu thô giao kỳ hạn đã giảm hơn 10% trong năm 2023, một năm giao dịch đầy biến động do bất ổn địa chính trị và lo ngại về sản lượng dầu của các nhà sản xuất lớn trên thế giới.

BofA cũng dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục biến động, thậm chí còn trầm trọng hơn do bị ảnh hưởng bởi các yếu tố căng thẳng địa chính trị và chính sách của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Khó khăn lớn hơn đối với các nhà đầu tư trong năm nay là không đánh giá thấp cam kết sản lượng dầu của Saudi Arabia trong khi giá dầu Brent có thể duy trì ở mức danh nghĩa 70-90 USD/thùng do sản lượng ngoài OPEC và triển vọng nhu cầu không chắc chắn”, các chuyên gia của BofA nhận định.

Dau mo

Giới chuyên gia nhận định, ngành dầu mỏ Mỹ sẽ tiếp tục biến động vào năm 2024

Tuy nhiên, BofA nhận thấy cũng có những thuận lợi từ các giao dịch gần đây tại mỏ dầu đá phiến lớn nhất nước Mỹ, lưu vực Permian và các công ty Occidental Petroleum, Exxon Mobil, Chevron sẽ nằm trong số những lựa chọn hàng đầu trong năm 2024.

Trong khi đó, báo cáo của Công ty thông tin về năng lượng và hàng hóa S&P Global Commodity Insights công bố vào cuối tháng 12/2023 cho thấy, trong quý 4/2023, Mỹ sản xuất 13,3 triệu thùng dầu thô/ngày, đạt kỷ lục toàn cầu.

Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, tháng 11, sản lượng của Mỹ đạt 13,2 triệu thùng/ngày. Điều này đã giúp Mỹ kiểm soát được giá dầu thô và xăng. Dầu nhiều đến mức Mỹ phải bán ra nước ngoài. S&P cho biết, Mỹ đang xuất khẩu lượng dầu thô, các sản phẩm đã lọc và khí đốt tự nhiên hóa lỏng bằng với sản lượng của Saudi Arabia hoặc Nga.

Châu Á tăng cường nhập khẩu LNG

Dữ liệu do công ty tư vấn hàng hóa Kpler tổng hợp cho biết, tháng 12/2023, nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của châu Á đã tăng lên 26,61 triệu tấn. Khối lượng nhập khẩu tăng từ mức 23,35 triệu tấn trong tháng 11 và cũng cao hơn kỷ lục nhập khẩu LNG trước đó là 26,15 triệu tấn được thiết lập vào tháng 1/2021.

Theo ước tính của Kpler, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều chứng kiến khối lượng nhập khẩu LNG cao hơn trong tháng 12/2023, trong đó lượng mua của Nhật Bản ở mức cao nhất kể từ tháng 1/2023 và lượng nhập khẩu của Hàn Quốc ở mức kỷ lục kể từ tháng 2/2021.

Giới chuyên gia cho rằng, bất chấp việc nhập khẩu LNG tăng vọt, giá LNG giao ngay của châu Á đã giảm vào cuối năm 2023 xuống mức thấp nhất trong 4 tháng, do nhu cầu trầm lắng trong mùa thu và sản lượng xuất khẩu từ 3 nhà cung cấp hàng đầu là Mỹ, Australia và Qatar tăng vọt.

Trong một diễn biến liên quan, theo Bloomberg, Trung Quốc mới đây đã giành lại vị trí quốc gia nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới từ Nhật Bản trong năm 2023, khi khối lượng LNG mua vào của Bắc Kinh tăng 12% lên gần 71 triệu tấn.

Mức nhập khẩu LNG cao ở Trung Quốc và phần còn lại của châu Á có thể khiến thị trường cạnh tranh hơn, nhất là khi châu Âu đang phụ thuộc nhiều hơn vào loại nhiên liệu siêu lạnh này sau khi mất một phần lớn nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga.

Bình Nguyên

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục