Ngành da giày làm gì để tận dụng tốt hơn cơ hội từ Hiệp định UKVFTA?

(Banker.vn) Đối với ngành da giày, Vương quốc Anh vẫn là một trong các thị trường xuất khẩu chính. Vì thế, cần tận dụng tốt hơn Hiệp định UKVFTA đang được thực thi.
Cơ hội để ngành da giày gia tăng thị phần xuất khẩu sang Canada Ngành da giày đã tận dụng tốt Hiệp định CPTPP

Xuất khẩu sanh Anh ổn định

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, hiện nay, thị trường Anh vẫn là một thị trường chính của ngành da giày Việt Nam. Ngay khi Anh vẫn còn trong khối EU thì tỷ trọng của thị trường Anh cũng đã chiếm 25 - 30%. “Cũng rất may khi Anh rời khỏi EU, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ký hiệp định trực tiếp với thị trường Anh và chính vì thế mà xuất khẩu của ngành da giày vào thị trường Anh không bị gián đoạn”- bà Xuân cho biết.

Ngành da giày làm gì để tận dụng tốt hơn cơ hội từ Hiệp định UKVFTA?
Xuất khẩu da giày sang thị trường Anh còn nhiều tiềm năng. Ảnh: TTXVN

Theo Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, năm 2023 tình hình da giày rất khó khăn khi hầu như các thị trường đều có sự sụt giảm đối với việc xuất khẩu, có những thị trường giảm tới 30% và thị trường giảm tới 20% nhưng riêng thị trường Anh thì lại tăng trưởng tới 11%. Với việc tăng trưởng ấn tượng đã giúp cho ngành da giày không bị sụt giảm quá sâu trong năm 2023.

Về hợp tác đối với các hoạt động xuất nhập khẩu da giày giữa thị trường Anh và Việt Nam, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, hiện nay một trong những thế mạnh mà chúng ta vẫn xuất khẩu vào thị trường Anh là vì dây một thị trường nhập khẩu các loại giày dép chính và hầu như không sản xuất tại Anh nữa.

Còn về việc đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, ngành da giày cũng đã chủ động hợp tác với SATRA - một tổ chức tiêu chuẩn hàng đầu của Anh cũng như của thế giới để đánh giá chất lượng sản phẩm. “Thông qua hoạt động hợp tác này chúng tôi đã hỗ trợ được cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao được chất lượng sản phẩm, đặc biệt là có thể xuất khẩu sản phẩm vào thị trường châu Âu cần phải có các chứng nhận, chứng chỉ"- bà Phan Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.

Hiệp định UKVFTA đang trong quá trình thực thi với nhiều cam kết ưu đãi về thuế quan đối với hàng hoá xuất khẩu trong đó có da giày. Vì vậy, thời gian tới ngành da giày muốn nắm bắt cơ hội phát triển thị trường nhờ Hiệp định UKVFTA cũng như phải giải quyết được vấn đề xuất xứ trước các tiêu chuẩn, yêu cầu cao của thị trường đang là vấn đề hết sức quan trọng.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, Anh là một thị trường truyền thống đối với xuất khẩu giày dép của Việt Nam. Chính vì thế mà khách hàng Anh cũng đã khá quen thuộc đối với mặt hàng này nhưng đây vừa là yếu tố thuận lợi nhưng cũng là thách thức khi thị trường này chúng ta đang duy trì xuất khẩ ở mức ổn định. “Cho nên chúng tôi cũng mong chờ rằng sẽ phải có những bước tăng trưởng trong thời gian sắp tới. Thế nhưng, làm thế nào để tăng trưởng xuất khẩu, ngoài việc các doanh nghiệp của hai bên tận dụng lợi thế của Hiệp định UKVFTA mang lại thì bản thân chính các doanh nghiệp cũng phải có sự đầu tư với năng lực nội tại”- bà Phan Thị Thanh Xuân nói.

Tích cực đáp ứng các tiêu chí của thị trường

Gian đoạn tới, theo đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải có một cái bước đi tốt hơn để tiếp cận đối với thị trường này. Cụ thể, cần đẩy mạnh hợp tác với các đối Anh trong công tác đào tạo thiết kế, marketing sản phẩm bởi đây là thế mạnh của Anh. Doanh nghiệp, ngành da giày cần tích cực tận dụng được các lợi thế đó để mà nâng cao, nâng cấp được chuỗi giá trị. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tiếp tục tập trung tìm kiếm các nguồn cung ứng nguyên phụ liệu đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường.

Bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của doanh nghiệp, ngành hàng để đáp ứng đòi hỏi của thị trường, sự hỗ trợ từ các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương được đánh giá là có vai trò quan trọng, tác động tích cực đến việc tận dụng UKVFTA đối với ngành da giày. Bởi, theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), xu hướng sắp tới không chỉ với châu Âu, Mỹ hay là Anh thì vấn đề truy xuất nguồn gốc đối với nguyên vật liệu sẽ ngày càng đặt ra một cách gay gắt, cùng với đó là các quy định về phát triển xanh, bền vững.

Vấn đề trên, theo bà Phan Thị Thanh Xuân hiện đang là thách thức rất lớn cũng là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường với ngành da giày. “Làm thế nào để chúng ta có thể vừa kiểm soát được chuỗi cung ứng vừa đáp ứng được các cái tiêu chí và đẩy mạnh xuất khẩu là một trong những nhiệm vụ mà về phía ngành da giày cũng như các doanh nghiệp phải quan tâm, tìm giải pháp đáp ứng lâu dài”- bà Phan Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.

Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp của ngành da giày trong khai thác tận dụng Hiệp định UKVFTA, phát triển thị trường Anh. Thông qua việc cung cấp thông tin cũng như những các giải pháp để ngành này xây dựng, phát triển được nguồn nguyên phụ liệu cả về sản xuất; tổ chức, kết nối các hoạt động giao thương để doanh nghiệp da giày có được nguồn cung phụ liệu bền vững, chủ động trong quá trình sản xuất, xuất khẩu sang thị trường Anh trong thời gian tới.

9 tháng 2023 Việt Nam đã xuất khẩu sang Vương quốc Anh tổng 573,83 triệu USD mặt hàng giày dép các loại, tăng 2,12% so với cùng kỳ năm 2022. Theo các chuyên gia dự báo, những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang thị trường Vương quốc Anh sẽ tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn phía trước đòi hỏi các doanh nghiệp ngành giày dép phải đặc biệt quan tâm để có thể tiếp cận sâu rộng hơn nữa và mở rộng thị phần.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương