Ngành Công Thương: Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập

(Banker.vn) Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập đã được các cơ sở đào tạo của Bộ Công Thương triển khai mạnh mẽ, linh hoạt và tự chủ
Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp ôtô: Mở rộng hợp tác nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp Bộ Công Thương tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử tại các địa phương Phát triển nguồn nhân lực chuyên gia, tăng hiệu quả thực thi FTA

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp của Bộ Công Thương đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ở Việt Nam.

Đẩy mạnh tự chủ và giải trình xã hội

Ông Nguyễn Thế Hiếu- Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) - cho biết: Thời gian qua, các cơ sở giáo dục đào tạo ngành Công Thương tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025. Theo đó, các trường đã tiếp tục đẩy mạnh tự chủ và giải trình xã hội, đổi mới nâng cao năng lực quản trị đại học, hướng tới quản trị đại học 4.0; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực kỹ thuật- công nghệ, đảm bảo yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 và bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngành Công Thương: Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập
Bộ Công Thương làm việc với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Dự án Kosen (Ảnh: Cao Đức Thành)

Bộ Công Thương hiện quản lý 31 cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 9 cơ sở giáo dục đại học. Thực hiện cơ chế tự chủ, các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ các giải pháp để công tác tuyển sinh đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, chú trọng công tác nghiên cứu, dự báo để mở ngành, nghề đáp ứng yêu cầu xã hội.

Một số trường sử dụng thêm kết quả kỳ thi đánh giá năng lực trong phương thức tuyển sinh nhằm tăng chất lượng đầu vào như các trường đại học: Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Công nghiệp Hà Nội…. Đối với các ngành xã hội cần nhưng tuyển sinh ít, một số trường hỗ trợ học bổng học để thu hút học sinh, sinh viên đăng ký xét tuyển các ngành này như: Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Công nghiệp Hà Nội...

Ngành Công Thương: Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ( thứ 2 từ phải sang) thăm cơ sở đào tạo giáo dục quốc phòng tại Hà Nam của Đại học Công nghiệp Hà Nội

Công tác tự chủ đã tạo động lực cho các trường đổi mới công tác đào tạo, qua đó chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác với các đối tác doanh nghiệp, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước được đẩy mạnh, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực tại các trường”- ông Nguyễn Thế Hiếu khẳng định.

Công tác tự chủ về tài chính cũng được triển khai đồng bộ, công tác đầu tư cơ sở vật chất cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào các dự án xây dựng cơ bản; mua sắm thêm trang thiết bị mới hiện đại; đầu tư công nghệ mới, hiện đại, giao cho đơn vị có nhu cầu trực tiếp làm các thủ tục mua sắm, nhận chuyển giao công nghệ, quản lý, bảo trì, khai thác, sử dụng...

Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo

Thei ông Nguyễn Thế Hiếu, Bộ Công Thương đang quản lý 22 trường cao đẳng kỹ thuật và dạy nghề. Thời gian qua, Bộ Công thương đã tổ chức sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cùng địa bàn và có các ngành nghề đào tạo tương đồng nhau. Đến thời điểm hiện nay đã giảm được 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở sau sáp nhập đã từng bước đi vào ổn định về cơ cấu tổ chức và tổ chức hoạt động tuyển sinh, đào tạo từng bước tốt hơn. Các cơ sở giáo dục và đào tạo khác đã chủ động rà soát, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, giảm các đầu mối, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Bộ Công Thương đã tập trung nghiên cứu xu hướng phát triển các ngành kinh tế mà Bộ quản lý và yêu cầu đặt ra với phát triển nguồn nhân lực để dự báo, định hướng các trường, thông qua một số đề án, chương trình, quy hoạch, kế hoạch đã được xây dựng hoặc ban hành như: Điều chỉnh quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương đến năm 2026, tầm nhìn đến năm 2030; Đào tạo nguồn nhân lực hội nhập kinh tế quốc tế; Sắp xếp các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương; “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của các Trường trực thuộc Bộ Công Thương thông qua gắn kết doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”...

Các định hướng, chỉ đạo về phát triển nguồn nhân lực nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng được Bộ lồng ghép trong các chiến lược, kế hoạch, đề án,...của ngành Công Thương về phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo, thương mại điện tử, logistic, chuẩn bị nguồn lực cho CMCN 4.0,...

Ngành Công Thương: Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập
Trao giấy chứng nhận cho các trường tham gia đào tạo các nghề theo mô hình Kosen (Ảnh: Cao Đức Thành)

Trong năm học 2022-2023,tại 22 trường cao đẳng, tổng số chương trình được xây dựng mới, chỉnh sửa giảm 40% so với năm học 2021-2022 nhưng số giáo trình được biên soạn mới, mua mới và chỉnh sửa tăng gấp 05 lần. Đặc biệt, các trường đã đầu tư mua mới 41 giáo trình của nước ngoài, 6 trường cao đẳng nhận chuyển giao chương trình đào tạo cho 3 nghề của Đức để đào tạo 624 sinh viên mỗi năm, 3 trường thí điểm chương trình đào tạo kỹ sư thực hành của KOSEN- Nhật Bản.

Qua khảo sát, sinh viên có việc làm tại các trường cao đẳng sau tốt nghiệp trong 6 tháng đạt khoảng 78.25% và có việc làm sau tốt nghiệp khoảng 1 năm là trên 90% và tại các cơ sở giáo dục đại học tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp 1 năm đạt trên 82%.

Công tác kiểm định đánh giá ngoài cũng được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hết sức quan tâm và chủ động triển khai thực hiện. Một số chương trình đào tạo được Hiệp hội ngành nghề Mỹ ABET kiểm định, 9 chương trình được đánh giá trong nước. Các trường tự đánh giá 42 chương trình.

Các trường trực thuộc Bộ Công Thương 100% có hoạt động hợp tác với doanh nghiệp trong những năm gần đây với tổng số doanh nghiệp đã kết nối lên tới trên 5.000 đơn vị trong và ngoài nước. Đây là cầu nối quan trọng trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng đào sinh viên, đồng thời là cách thức để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp. Sinh viên được đào tạo sát với thực tế nghề nghiệp và có nhiều cơ hội tiếp cận doanh nghiệp tuyển dụng.

Công tác hợp tác quốc tế được triển khai mạnh mẽ, theo đó, Bộ đã tìm kiếm các nguồn vốn nước ngoài cho đầu tư trang thiết bị dạy nghề (Dự án “Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện”, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi 20 triệu USD của ngân hàng phát triển châu Á), hợp tác về chương trình, giáo trình, bồi dưỡng giáo viên và trao đổi sinh viên, hỗ trợ học bổng (KOSEN hỗ trợ chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên); tổ chức kết nối các doanh nghiệp Đài Loan, Nhật Bản với các Trường.

Thời gian tới, nhằm nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước tại các cơ sở giáo dục đào tạo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành có liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời tiếp tục nghiên cứu sáp nhập các trường cao đẳng chậm đổi mới; thí điểm tự chủ đối với một số cơ sở đào tạo đủ điều kiện. Ban hành quy chế chính thức về việc thành lập hội đồng trường và bầu Chủ tịch hội đồng trường; đầu tư xây dựng hệ thống công cụ kết nối đơn vị sử dụng lao động với đơn vị đào tạo, kết nối tuyển dụng- tuyển sinh; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật của đào tạo đại học các ngành nghề tuyển sinh tốt của các Trường; đầu tư từ Ngân sách nhà nước cho một số nghiên cứu thí điểm vào một số ngành công nghiệp, thương mại quan trọng, …

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương