Quả ngọt từ kết nối giao thương
Thời gian qua, ngành Công Thương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội kết nối giao thương, đem sản phẩm đến người tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đem các sản phẩm chanh leo ngọt đến tham gia xúc tiến thương mại tại Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Sóc Trăng năm 2023, ông Nguyễn Hữu Công - Chủ cơ sở sản xuất chanh leo ngọt Sáu Công (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, hiện gia đình đang sản xuất 1,5 ha chanh leo ngọt (chanh dây ngọt); trong đó có 0,5 ha đang cho trái và 1 ha đang chuẩn bị cho trái. Hiện tại mặt hàng chanh leo ngọt đang được thị trường ưa chuộng.
Tại hội nghị lần này, ông Công đã trao đổi với siêu thị Coopmart Sóc Trăng để bán chanh leo ngọt, hiện hai bên đã thống nhất và tiến tới sẽ làm các thủ tục kinh doanh.
Theo ông Công, hội nghị là dịp gặp gỡ những đối tác và nhà sản xuất kinh doanh chanh leo và các sản phẩm khác, từ đó tạo động lực cho cơ sở phát triển mạng lưới kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm sang thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp tăng cường tham gia các hội chợ để xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra |
Tương tự, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Nam (Kiên Giang) cho biết, ngoài các sản phẩm chính từ mực, bạch tuộc, công ty còn mở rộng thêm một số mặt hàng chế biến ăn liền. Do đó, việc tìm kiếm khách hàng và lan tỏa thương hiệu luôn được chú trọng. Công ty đã tích cực tham gia các hội nghị kết nối giao thương, hội chợ triển lãm, phiên chợ bán hàng do ngành công thương tổ chức tại trong và ngoài tỉnh như TP. Hồ Chí Minh, Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long… Từ đó, có thể giúp công ty thu nhận ý kiến, nhu cầu thực tế của khách hàng để hoàn thiện sản phẩm cả về hình thức lẫn chất lượng, cũng như tìm kiếm và phát triển thêm đại lý phân phối.
Việc tích cực tham gia các chương trình kết nối, giao thương với các doanh nghiệp, nhà phân phối trong và ngoài nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho công ty phát triển thị trường tiêu thụ. Đến nay, sản phẩm ca cao của công ty không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang các đối tác lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã ký kết được hợp đồng, biên bản ghi nhớ hợp tác với các nhà phân phối để đưa hàng hóa lên kệ của hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng trên toàn quốc.
Ông Hứa Trường Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng khẳng định, quảng bá, xúc tiến thương mại được xem là một trong những hoạt động quan trọng giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trong tỉnh đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng. Vì vậy, công tác này luôn được ngành Công Thương tập trung triển khai quyết liệt với nhiều hình thức đa dạng, góp phần đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng các địa phương vươn xa.
Tăng cường kết nối giao thương
Theo ngành Công Thương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh đứng trước nhiều khó khăn do đơn hàng sụt giảm, ngành Công Thương các tỉnh đã liên tục hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, các đoàn xúc tiến thương mại trong và ngoài nước như: Hội chợ Công Thương vùng Đồng bằng sông Cửu Long - An Giang năm 2023; Hội chợ Công Thương vùng Đồng bằng sông Cửu Long -Vĩnh Long năm 2023; Hội nghị ngành Công Thương phía Nam năm 2023; Triển lãm Thaifex 2023…
Điển hình như tại Kiên Giang, một số hoạt động xúc tiến thương mại tiêu biểu đã được thực hiện trong thời gian gần đây như: Tổ chức tham gia hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 23 - Agroviet 2023 tại Hà Nội; Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan, do Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Central Group Thái Lan tổ chức tại Bangkok; Hội chợ triển lãm sản phẩm kinh tế - quốc phòng Việt Nam - Campuchia 2023 (từ ngày 24- 30/10/2023) do Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Quốc phòng Vương quốc Campuchia và các bộ, ngành liên quan tổ chức tại Campuchia.
Còn tại Long An, liên tục từ đầu năm tới nay Sở Công Thương tỉnh này đã tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại ở TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang...
Thông qua những hoạt động trên, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được tiếp cận với nhiều đối tác, khách hàng; đồng thời, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã biết đến tiềm năng thế mạnh, cơ hội hợp tác kinh doanh - đầu tư của doanh nghiệp trong vùng, qua đó đã có nhiều hợp đồng giao thương các sản phẩm hàng hóa được ký kết.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, ngành Công Thương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, trọng tâm là hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia các hoạt động hội chợ triển lãm, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm của các địa phương. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trên môi trường mạng; tập huấn kỹ năng xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa đến nhà nhập khẩu nước ngoài.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tổ chức nghiên cứu, khảo sát thị trường xem đối tác trong và ngoài nước cần gì và thị hiếu người tiêu dùng như thế nào? Từ đó, hỗ trợ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường; phát triển sản phẩm mới, cải tiến bao bì, nhãn hiệu sản phẩm, đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu; nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Hà Linh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|