Ngành Công Thương địa phương tăng tốc kích cầu tiêu dùng theo Chỉ thị 08

(Banker.vn) Chỉ thị 08 ngày 4/4/2025 đã giao chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng cho từng địa phương. Các địa phương đang nỗ lực đạt chỉ tiêu này.
Chuyên gia nói gì về kích cầu tiêu dùng nội địa? Bộ Công Thương giao chỉ tiêu tổng mức bán lẻ và dịch vụ cho các địa phương Tổ điều hành thị trường trong nước họp bàn giải pháp thúc tăng trưởng thị trường nội địa

Ngày 4/4/2025, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, trong đó giao chỉ tiêu cụ thể về tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng cho từng địa phương. Theo đó, Hà Nội phấn đấu tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ở mức 18%; Hải Phòng 18%; Hải Dương 18%; Hưng Yên 12%; Quảng Ninh 20%; TP Hồ Chí Minh 18%; Đà Nẵng 18%...

Ngành Công Thương địa phương tăng tốc kích cầu tiêu dùng theo Chỉ thị 08
Tăng cường các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong nước năm 2025

Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ quý I năm 2025 diễn ra sáng 10/4, một trong những nội dung trọng tâm là bàn về các giải pháp để các địa phương đạt được mục tiêu tăng trưởng này.

Hà Nội: Loạt giải pháp kích cầu tiêu dùng trong tháng 5

Theo ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 03/2025 ước tính đạt 74,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Thành phố Hà Nội đạt 226,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành Công Thương địa phương tăng tốc kích cầu tiêu dùng theo Chỉ thị 08
Ông Nguyễn Thế Hiệp chia sẻ về các giải pháp kích cầu ngay trong tháng 5

“Đầu năm, thành phố giao chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm nay tăng 12% so với cùng kỳ. Theo Chỉ thị 08, mức tăng trưởng chỉ số này là 18%. Đây là mục tiêu khó nhưng Hà Nội đang nỗ lực triển khai các giải pháp để đạt được mục tiêu” – ông Nguyễn Thế Hiệp chia sẻ. Đồng thời cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình bình ổn thị yếu trên địa bàn thành phố, kế hoạch liên kết, kết nối với các tỉnh trong khai thác hàng hóa để sẵn sàng đảm bảo hàng hóa phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân sau Tết; phối hợp với các sở, ngành đơn vị triển khai Kế hoạch kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung công tác theo dõi sát diễn biến tình hình cung cầu thị trường hàng hóa thiết yếu, mặt hàng xăng dầu sau Tết để kịp thời điều tiết, đảm bảo đầy đủ hàng hóa, ổn định giá cả phục vụ nhân dân. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong công tác liên kết, kết nối sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm để kịp thời khai thác hàng hóa cung cấp cho thị trường Hà Nội.

Hà Nội sẽ triển khai Chương trình Khuyến mại tập trung Thành phố Hà Nội, trong đó tổ chức Lễ khai mạc Chương trình và triển khai các công tác chuẩn bị cho Hội chợ Ngày hội Khuyến mại; Sự kiện hàng hiệu trong tháng 5” – ông Nguyễn Thế Hiệp chia sẻ.

TP Hồ Chí Minh: Song song kích cầu tiêu dùng và bình ổn thị trường

Về phía TP. Hồ Chí Minh, ông Ngô Hồng Y - Trưởng Phòng Thương mại Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho hay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 năm 2025 của thành phố ước đạt 109.988 tỷ đồng, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ. Tính chung quý I năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP. Hồ Chí Minh ước đạt 316.632 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ.

Ngành Công Thương địa phương tăng tốc kích cầu tiêu dùng theo Chỉ thị 08
Ông Ngô Hồng Y chia sẻ các giải pháp của TP. Hồ Chí Minh

Như vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 18%, TP. Hồ Chí Minh xác định phải triển khai mạnh các giải pháp kích cầu tiêu dùng. Trong đó, tập trung thực hiện tốt Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố năm 2025 – Tết Bính Ngọ 2026. Trong đó tổ chức sự kiện Bán hàng lưu động – Bình ổn thị trường tại các khu dân cư, khu sinh hoạt cộng đồng, khu công nghiệp… nhằm cung cấp hàng hoá thiết yếu với giá phải chăng cho người lao động có thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, triển khai Chương trình Khuyến mại tập trung – Mùa mua sắm Shopping Season với 02 đợt (Hè và Tết) trong năm nhằm khuyến khích doanh nghiệp triển khai các giải pháp giảm giá, kích cầu tiêu dùng.

Đồng thời, tổ chức Lễ hội không dùng tiền mặt vào ngày 14, 15/6; Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vào tháng 9; Chương trình hợp tác phát triển kinh tế giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành thuộc 6 vùng miền trên cả nước.

Dù con số tăng trưởng 18% là thách thức song Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh xác định sẽ phối hợp với các tỉnh thành địa phương tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ trong và ngoài nước nhằm góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cao hơn từ nay đến cuối năm” – ông Ngô Hồng Y chia sẻ.

Đà Nẵng: Kết hợp kích cầu và kiểm tra, kiểm soát thị trường

Đối với Đà Nẵng, ông Phạm Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng thông tin, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Quý I năm 2025 ước đạt 37.529,3 tỷ đồng, tăng 24,0% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực thương mại nội địa thành phố từ đầu năm đã phát triển nổi bật với nhiều hoạt động thương mại, du lịch, đầu tư tổ chức sôi nổi từ đầu năm như: Hội chợ Xuân 2025, Lễ hội Quán Thế Âm năm 2025, Lễ hội Đà Nẵng Food Tour 2025, Triển lãm “Đà Nẵng - 50 năm Hội nhập và Phát triển”; Hội nghị Gặp gỡ ASEAN… qua đó đã thu hút khách tham quan, mua sắm và góp phần thúc đẩy tiêu dùng.

Ngành Công Thương địa phương tăng tốc kích cầu tiêu dùng theo Chỉ thị 08
Ông Phạm Ngọc Sơn thông tin các giải pháp của Đà Nẵng

Thành phố Đà Nẵng xác định năm 2025 là năm sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất - xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng nội địa. Do đó, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các đơn vị tập trung triển khai các giải pháp như tiếp tục chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, xăng dầu...) trong những thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao (lễ, Tết, mưa bão,…) để chủ động dự báo, có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường, tháo gỡ khó khăn trong cung ứng hàng hoá;

Bên cạnh đó, chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó tập trung kiểm tra các hoạt động đăng ký, kê khai, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ và bán theo giá niêm yết các mặt hàng thiết yếu tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ, các doanh nghiệp…để kịp thời phát hiện các hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý và thu lợi bất chính, tin đồn thất thiệt gây khan hiếm hàng hóa, dịch vụ, làm bất ổn thị trường;

Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực phân công. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm việc chấp hành phát luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xăng dầu;

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ trong hoạt động sản xuất, tập trung quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Sở Công Thương sẽ tạo điều kiện thuận lợi, cắt giảm các thủ tục, tạo điều kiện về mặt pháp lý để doanh nghiệp dễ dàng mở rộng năng lực sản xuất; kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại của thành phố; tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao năng lực cạnh trạnh; triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa đối với các mặt hàng do các doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất” – ông Phạm Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Theo Chỉ thị 08, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc báo cáo việc thực hiện các nhiệm vụ được giao và chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (số liệu thực hiện theo tháng và lũy kế đến tháng báo cáo so với cùng kỳ năm trước) về Bộ Công Thương trước ngày 05 hàng tháng (báo cáo các nội dung đã thực hiện của tháng liền trước).

Phương Lan

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục