Ngân hàng xử lý nợ xấu thế nào để giảm nhẹ rủi ro?

(Banker.vn) Hiện, nhiều ngân hàng vẫn đang thực hiện quy định cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ, song để chủ động giảm rủi ro trong vấn đề kiểm soát nợ xấu có thể xảy ra trong tương lai, các ngân hàng cần chủ động tăng trích lập DPRR cho những khoản nợ xấu tiềm ẩn, những khoản nợ xấu đã được cơ cấu lại để phòng xa...

Tại toạ đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì mới đây, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho biết, trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành 2 thông tư (Thông tư số 03 ngày 3/4/2021 và Thông tư số 14 ngày 7/9/2021) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đáng lưu ý, Thông tư 14 đã mở rộng thời hạn cơ cấu lại thời hạn trả nợ; mở rộng thời hạn miễn, giảm lãi, phí; mở rộng thời hạn giữ nguyên nhóm nợ. Theo đánh giá của ông Lực, chính sách này là phù hợp vì một mặt tiếp tục hỗ trợ giảm nghĩa vụ tài chính, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp (DN), mặt khác giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) cho các TCTD, qua đó giảm bớt rủi ro cho ngành ngân hàng.

Theo số liệu của NHNN, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1,5-2% từ đầu năm 2020 đến nay, đồng thời các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628 nghìn khách hàng. Lũy kế từ 23/1/2020 - 31/8/2021, tổng số tiền lãi do TCTD miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215 nghìn khách hàng với dư nợ 227 nghìn tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/1/2020 là khoảng 520 nghìn tỷ đồng.

Về giá trị hỗ trợ, ước tính trong 8 tháng đầu năm 2021, các ngân hàng đã hỗ trợ nền kinh tế khoảng 34 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào miễn, giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu và cho vay mới với lãi suất thấp hơn. Dự kiến, trong 4 tháng cuối năm, con số này là khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Như vậy, dự kiến tổng số tiền ngành ngân hàng hỗ trợ nền kinh tế năm 2021 là khoảng 54 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 25% lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2021.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc cơ cấu nợ cho các DN cũng khiến ngân hàng đối mặt với nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn. Tại Thông tư 14 cũng quy định các TCTD phải trích lập DPRR cho các khoản nợ được cơ cấu, theo đó các TCTD sẽ tiếp tục thực hiện trích bổ sung phần chênh lệch tối thiểu là 30% năm 2021, 60% năm 2022 và đủ 100% năm 2023.

Ông Bùi Quang Tuấn, PGS. TS, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đánh giá, nợ xấu của khu vực ngân hàng sẽ bộc lộ rõ hơn khi có tổng kết về hoạt động của các DN đã dừng hoạt động, phá sản và khi dự phòng rủi ro bắt đầu được áp dụng. Do vậy, cần phải cẩn trọng với xu hướng nợ xấu tăng nhanh.

Hiện, nhiều ngân hàng vẫn đang thực hiện quy định cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ, song để chủ động giảm rủi ro trong vấn đề kiểm soát nợ xấu có thể xảy ra trong tương lai, các ngân hàng cần chủ động tăng trích lập DPRR cho những khoản nợ xấu tiềm ẩn, những khoản nợ xấu đã được cơ cấu lại để phòng xa. Đồng thời, tiếp tục đa dạng hóa dịch vụ phi tín dụng, đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả quá trình ngân hàng số để tạo bộ đệm chống đỡ và giảm nhẹ rủi ro nợ xấu.

Thực tế, ngay trong kỳ áp dụng trích lập DPRR đầu tiên theo Thông tư 14, nhiều ngân hàng đã đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt trên 100%, thậm chí một số ngân hàng đạt trên 200% - 300%.

Theo TS. Cấn Văn Lực, nếu tính thêm cả con số DPRR bổ sung theo Thông tư 03 và Thông tư 14, số tiền của gói hỗ trợ còn lớn hơn (năm 2021, DPRR phải trích thêm theo Thông tư 03 là khoảng 42,6 nghìn tỷ đồng, còn theo Thông tư 14 là khoảng 69 nghìn tỷ đồng).

Tuy nhiên, việc ban hành Thông tư 14 không tác động nhiều đến lợi nhuận dự kiến của ngành ngân hàng năm 2021 nhưng tạo thêm áp lực trích lập bổ sung DPRR trong giai đoạn 2021-2023. Sang nửa đầu năm 2022, tác động của Thông tư 14 lên lợi nhuận của các TCTD sẽ rõ nét hơn.

Các chuyên gia kỳ vọng, sang quý II/2022, Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng, nền kinh tế có sự hồi phục rõ nét hơn thì số tiền trích lập DPRR có thể ít hơn, cùng với tiến trình giảm nợ xấu và dư nợ cơ cấu lại.

Linh Đan

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục