Ngân hàng với việc thu hút kiều hối

(Banker.vn) Ngành Ngân hàng có vai trò như thế nào trong việc thu hút kiều hối và cần giải pháp nào để tăng cường thu hút dòng tiền này trong thời gian tới?

Tóm tắt: Kiều hối về Việt Nam thời gian qua phụ thuộc khá lớn vào chính sách tiền tệ và chính sách tài chính, trong đó ngành Ngân hàng giữ vai trò chủ lực thu hút dòng tiền quan trọng này.

Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút kiều hối lớn trên thế giới trong suốt hơn hai thập kỷ qua. Nguồn kiều hối đã và đang góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế đất nước. Vậy ngành Ngân hàng có vai trò như thế nào trong việc thu hút kiều hối và cần giải pháp nào để tăng cường thu hút dòng tiền này trong thời gian tới?

Từ khóa: kiều hối, phát triển kinh tế, ngân hàng

Banks with the attraction remittances

Abstract: Remittances to Vietnam in the past time have largely depended on monetary and financial policies, in which the banking sector plays a key role in attracting this important cash flow.

Vietnam is one of biggest remittances receivers in the world over the past two decades. Remittances have been contributing significantly to the country's economic development. So what role does banking sector play in attracting remittances and what solutions are needed to attract this cash flow in the future?

Keywords: remittance, economic development, banking

KIỀU HỐI VẪN TĂNG BẤT CHẤP ĐẠI DỊCH COVID-19

Kiều hối được hiểu là khoản tài chính hoặc hiện vật do người đang cư trú hay làm việc, lao động ở nước ngoài chuyển về cho người thân ở quê hương. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), kiều hối bao gồm tất cả các món chuyển khoản hiện tại bằng tiền mặt hoặc hiện vật giữa cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú, không phụ thuộc vào nguồn thu nhập của người gửi và mối quan hệ giữa các hộ gia đình (bất kể họ là cá nhân có liên quan hay không liên quan).

Kiều hối vào Việt Nam từ những năm 1980, chủ yếu là tiền gửi về của người Việt định cư ở các nước Mỹ, Canada, Úc và Pháp... Nhưng từ năm 1990, kiều hối bao gồm cả tiền gửi của chuyên gia, lao động xuất khẩu và người đi học tập ở nước ngoài gửi về. Dòng kiều hối vào Việt Nam trong suốt 2 thập kỷ qua đã không ngừng gia tăng (xem bảng 1)

Bảng 1: Tình hình thu hút kiều hối ở Việt Nam

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, WB

Bảng 1 cho thấy, giai đoạn 2001-2010 tốc độ tăng kiều hối khá cao nhưng số tiền không nhiều (cao nhất 6,3 tỷ USD/bình quân năm giai đoạn 2006-2010). Giai đoạn 2011-2020, kiều hối tăng trưởng bình quân gần 7% (nếu trừ năm 2016 giảm thì bình quân các năm tăng trên 10%) nhưng quy mô lại tăng nhanh lên gần 15 tỷ USD (bình quân năm giai đoạn 2016-2020). Lượng kiều hối đã tăng gần như liên tục qua các năm; chỉ bị ngắt quãng (giảm xuống) trong 3 năm là năm 1997 (do khủng hoảng tài chính - tiền tệ Đông Nam Á), năm 2009 (do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới) và năm 2016 (ảnh hưởng bởi chính sách ủng hộ nền kinh tế trong nước và chính sách nâng giá trị đồng USD của nước Mỹ đã khiến kiều hối về Việt Nam chậm lại). Lượng kiều hối vào Việt Nam đạt con số rất ấn tượng: năm 2012 Việt Nam xếp thứ 7, năm 2013 lọt vào top 10 quốc gia có dòng kiều hối lớn nhất, với con số 11 tỷ USD; năm 2020 và 2021 mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID nhưng dòng kiều hối vẫn tăng.

KIỀU HỐI ĐÃ ĐÓNG GÓP GÌ CHO VIỆC PHÁT TRIỂN KINH TẾ VIỆT NAM?

Kiều hối là một nguồn vốn đầu tư quan trọng để phát triển nền kinh tế

Các nguồn vốn từ bên ngoài vào một quốc gia thường là: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); Kiều hối; Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và Đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII). Trong đó, lợi thế lớn nhất của kiều hối là không tiềm ẩn rủi ro, trong khi vốn ODA có thể đem đến sự phụ thuộc chủ quyền hoặc các can thiệp chính trị của các nhà tài trợ, nếu sử dụng không tốt sẽ tạo ra gánh nặng nợ nần cho các thế hệ sau; Hoặc như vốn FDI  hay gặp các vấn đề: nguồn vốn nước ngoài đầu tư làm giảm quyền sở hữu của doanh nghiệp trong nước, hoặc hàng hoá tạo ra cạnh tranh với hàng nội địa, thậm chí phải đối mặt với ô nhiễm môi trường…

Bảng 2: Tình hình kiều hối, FDI và ODA ở Việt Nam                 

Đơn vị: Tỷ USD

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, WB, OECD và tính toán của tác giả

Qua số liệu bảng 2 có thể thấy, kiều hối chiếm tỷ trọng lớn trong các nguồn vốn từ bên ngoài vào Việt Nam. Có những thời kỳ, kiều hối còn tăng vượt so với FDI. So với nguồn vốn ODA thì kiều hối vào Việt Nam luôn có giá trị lớn hơn và ổn định hơn. Trong 20 năm qua, kiều hối có giá trị bằng gần 80% nguồn vốn FDI và gấp 1,7 lần nguồn vốn ODA được giải ngân.

Kiều hối góp phần tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, ổn định tỷ giá

 Kiều hối đóng góp, tạo nguồn ngoại tệ rất quan trọng cho các ngân hàng, giúp giảm áp lực, cân đối được nguồn vốn cho vay ngoại tệ, nhất là dịp cuối năm. Ngoài ra lượng kiều hối giúp ổn định tỷ giá hối đoái. Nếu ngoại tệ khan hiếm, đồng Việt Nam mất giá, tỷ giá của VND đối với ngoại tệ sẽ lên cao và làm tăng lạm phát.

Bảng 3: Tình hình kiều hối, dự trữ ngoại tệ, GDP ở Việt Nam 

Nguồn: IMF, WB,  Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và đầu tư, NHNN

Số liệu bảng 3 cho thấy lượng kiều hối bình quân thời kỳ 2001-2020 bằng 29% dự trữ ngoại tệ quốc gia. Có những thời kỳ, tỷ lệ này lên đến 43% (2011-2015), 69% (năm 2011).

Số kiều hối chuyển về nước trong những năm qua là một lượng ngoại tệ lớn nhất. Bởi vì, nguồn thu kiều hối dường như không phải đầu tư, hoặc nếu có thì không đáng kể so với giá trị mà nó mang lại. Trong khi đó, xuất khẩu và du lịch hiện đang là lĩnh vực tạo ra nguồn thu ngoại tệ đáng kể nhưng phải đầu tư nhiều. Chẳng hạn như: chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam năm 2013 khoảng 7,52 tỷ USD, nhưng nếu trừ đi phần chi tiêu của người Việt Nam khi đi nước ngoài (năm 2013 là 2,5 tỷ USD), thì “xuất siêu” về dịch vụ du lịch cũng chỉ dưới 6 tỷ USD. Hay như số ngoại tệ thu được do xuất khẩu hàng hóa năm 2014 lên đến trên 150 tỷ USD, nhưng nếu trừ đi số ngoại tệ để nhập khẩu thì chỉ còn khoảng 1,9 tỷ USD… Vốn FDI thực hiện cũng là một nguồn ngoại tệ lớn, (từ 2001-2020 giải ngân 211 tỷ USD - xem bảng 2), nhưng nếu trừ đi phần góp vốn của các doanh nghiệp trong nước vào các liên doanh (khoảng vài ba chục %) và phần các nhà đầu tư nước ngoài vay trong nước, thì số ngoại tệ thực vào cũng là khiêm tốn. Vốn ODA cũng tương tự. Chẳng hạn như năm 2014, vốn ODA là 5,6 tỷ USD, nếu trừ đi phần vốn vay, phần viện trợ không hoàn lại chỉ khoảng 0,5 tỷ USD và phần trả nợ hàng năm đang tăng lên; Vốn FII hiện đang có xu hướng vào nhiều hơn ra, nhưng chưa lớn; hơn nữa nguồn này vào nhanh cũng dễ ra nhanh và rất khó kiểm soát.

Kiều hối đóng góp cho tăng trưởng GDP, nâng cao đời sống người lao động

Nguồn vốn này đã thúc đẩy đầu tư tư nhân, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao mức thu nhập cho các chủ thể nhận kiều hối và các chủ thể được hưởng lợi từ nguồn đầu tư kiều hối; có vai trò lớn trong việc duy trì sức sống của nền kinh tế trong nước, đặc biệt trong lúc nền kinh tế gặp khó khăn, chịu ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng kinh tế.

Cũng theo số liệu bảng 3, trong suốt thời kỳ 2001 - 2021, tổng lượng kiều hối bình quân chiếm khoảng 5,57% GDP (có những năm như 2008, 2010, tỷ lệ này hơn 7% GDP). Trong mấy năm gần đây, với mức bình quân 15 tỷ USD kiều hối chuyển về mỗi năm và chiếm tỷ trọng không nhỏ trong GDP của Việt Nam đã góp phần cải thiện thu nhập bình quân đầu người.

Kiều hối hỗ trợ cán cân thanh toán quốc gia, cân bằng cán cân thương mại

Nhìn vào bảng 4 cho thấy giai đoạn 2006-2010, Việt Nam luôn trong tình trạng thâm hụt cán cân thương mại, kiều hối là nguồn rất quan trọng để bù đắp sự thâm hụt này, đã bù đắp gần 50% thâm hụt thương mại. Năm 2012, cán cân vãng lai của Việt Nam từ tình trạng thiếu hụt lần đầu tiên trở nên thặng dư với con số khiêm tốn là 1 tỷ USD và tăng lên là 19 tỷ USD vào năm 2020. Cán cân thương mại đã được cải thiện mạnh trong 5 năm trở lại đây nên tổng giai đoạn 2006-2020 chỉ thâm hụt 32,4 tỷ USD. Điều này một phần nhờ vào thặng dư về cán cân thương mại và phần lớn hơn nhờ thặng dư về tài khoản chuyển nhượng vãng lai, trong đó có kiều hối chuyển vào Việt Nam. Chưa kể lượng tiền chuyển về không qua kênh chính thức, kiều hối đã bù đắp cho thiếu hụt ngoại hối và làm lành mạnh hơn cán cân thanh toán quốc tế. Như vậy, kiều hối có vai trò trong ổn định kinh tế vĩ mô.

Bảng 4: Kiều hối và kim ngạch xuất nhập khẩu ở Việt Nam

Đơn vị: Tỷ USD

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Bộ Công Thương và tính toán của tác giả

Kiều hối đóng góp cho sự gia tăng tiết kiệm của quốc gia

Đó là số tiền kiều hối để lại không sử dụng cho mục đích tiêu dùng của những chủ thể nhận kiều hối. Phần tiết kiệm này có thể được sử dụng để đầu tư trực tiếp, gửi tiết kiệm vào các ngân hàng hoặc cất trữ dưới dạng vàng… Phần kiều hối được gửi vào các tổ chức tài chính sẽ được cho vay tài trợ cho các hoạt động đầu tư phát triển kinh tế. Như vậy, kiều hối đã trực tiếp hoặc gián tiếp là nguồn đầu tư phát triển kinh tế đất nước thời gian qua.

Kiều hối đóng góp tích cực đến sự phát triển của thị trường tài chính

Mối quan hệ giữa kiều hối, sự phát triển thị trường tài chính được xem xét: (i) Tại các thị trường tài chính phát triển, tác động của kiều hối được gia tăng do tiền này được sử dụng vào những mục đích có hiệu quả nhất, từ đó tác động tích cực hơn đến tăng trưởng kinh tế. (ii) Còn ở các thị trường chưa phát triển, kiều hối có thể bù đắp cho những thị trường tài chính kém hiệu quả. Bởi vì, kiều hối có thể giúp các nhà đầu tư vượt qua được những hạn chế của thị trường tài chính do thiếu vắng các sản phẩm huy động và cấp tín dụng phù hợp để tìm kiếm được mức sinh lời cao. Như vậy, ở Việt Nam, kiều hối chắc chắn có tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường tài chính. Kiều hối đã đóng góp tiền gửi tiết kiệm, nguồn ngoại tệ và phí chuyển tiền… cho các ngân hàng thương mại (NHTM) trong suốt thời gian qua.

NGÀNH NGÂN HÀNG ĐÓNG VAI TRÒ GÌ TRONG VIỆC THU HÚT KIỀU HỐI?

Từ những phân tích ở trên cho thấy, kiều hối đã góp phần đáng kể cho phát triển kinh tế ở Việt Nam. Đó là nhờ Chính phủ và các cấp, các ngành đã và đang có nhiều chính sách, giải pháp thu hút ngày càng nhiều kiều hối cho nền kinh tế. Trong đó, ngành Ngân hàng có vai trò hết sức quan trọng trong thu hút nguồn vốn này. Để thấy được vai trò của ngành Ngân hàng, trước hết cần chỉ ra các nguyên nhân khiến kiều hối tăng mạnh vào nước ta trong suốt 2 thập kỷ qua. Các nguyên nhân đó là:

Thứ nhất, kết quả của chính sách kinh tế vĩ mô ở Việt Nam tốt hơn như: lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế khá cao, dự trữ ngoại hối Nhà nước gia tăng, Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi theo hướng quản lý ngoại hối chặt chẽ, giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, tiến tới xóa bỏ việc sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán... đã tạo điều kiện giữ ổn định tỷ giá, tạo lập niềm tin để cho bà con Việt kiều gửi tiền về nước.

Một nhân tố quan trọng nữa là chính sách thu hút kiều hối của ngành Ngân hàng không chỉ hấp dẫn mà còn khiến bà con tin tưởng hơn khi chuyển tiền về. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích thu hút kiều hối, trong đó từ năm 2013 đã có những thay đổi lớn. Theo đó, người thụ hưởng kiều hối có thể nhận bằng tiền VND hoặc bằng ngoại tệ theo yêu cầu và không phải đóng thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về. Người thụ hưởng có thể bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng hay được phép chuyển khoản vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ cá nhân…

Thứ hai, các giải pháp mở rộng mạng lưới chuyển tiền và chi trả kiều hối được thực hiện qua các kênh: hệ thống NHTM, tổ chức kinh tế, bưu điện... tạo thuận lợi cho hoạt động gửi tiền về nước của người Việt Nam ở nước ngoài. Số lượng các đơn vị chi trả kiều hối tăng cao với hơn 20 công ty và hàng chục NHTM.

Các NHTM và công ty chuyển tiền đã không ngừng phát triển dịch vụ chuyển tiền kiều hối, tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại xử lý giao dịch thanh toán chuyển tiền, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách hàng nhanh chóng, thuận tiện. Thủ tục chuyển tiền khá đơn giản và nhanh chóng. Thông thường chỉ trong vòng 24 giờ là người ở Việt Nam nhận được tiền, kể cả ở vùng quê.

Hệ thống ngân hàng đã có sự kết nối mạnh mẽ với tổ chức quốc tế và cả các nhà trung gian cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế, đầu tư công nghệ, tăng cường hiệu quả dịch vụ. Điều này cần được nhìn nhận là nhân tố có giá trị lớn kích hoạt lượng kiều hối linh hoạt, thông suốt về Việt Nam.

Mặt khác, chi phí chuyển tiền qua công ty kiều hối và ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm do tính cạnh tranh rất cao.

Thứ ba, nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn đã xuất hiện trong hơn 2 thập kỷ trở lại đây, đặc biệt là trong những thời kỳ bùng nổ của thị trường bất động sản và chứng khoán. Hay như sau thời gian ảm đạm của thị trường bất động sản, các chính sách cho Việt kiều, người nước ngoài cư trú có thời hạn được mua nhà ở trong nước… cũng góp phần gia tăng lượng kiều hối.

Như vậy, kiều hối chảy mạnh vào nước ta trong những năm qua phụ thuộc khá lớn vào chính sách tiền tệ và chính sách tài chính. Trong đó, ngành Ngân hàng giữ vai trò chủ lực với nhiều chính sách, giải pháp để thu hút dòng tiền này.

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC THU HÚT KIỀU HỐI

Những năm gần đây, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng đều theo từng năm. Theo số liệu báo cáo từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-TBXH), trong 5 năm gần đây, mỗi năm tăng thêm khoảng 10 nghìn người. Số lượng người đi xuất khẩu lao động ngày càng tăng kéo theo lượng kiều hối hằng năm cũng tăng theo. Bên cạnh đó, những người tự đi nước ngoài theo diện bảo lãnh, người đi du học sau đó tìm việc ở nước ngoài hay người Việt Nam làm cho các dự án của doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài cũng gia tăng, góp phần thúc đẩy lượng kiều hối chuyển về nước hằng năm tăng cao. 

Mặt khác, ngoài kiều hối chính thức còn có kiều hối phi chính thức. Tiền gửi theo con đường không chính thức theo khảo sát của một số nghiên cứu khoảng 25-30% lượng kiều hối qua kênh chính thức. Điều này sẽ làm khó cho các nhà quản lý kinh tế nhưng lại cho thấy tiềm năng để thu hút kiều hối qua kênh chính thức còn rất lớn. Các kênh chính thức phải cải thiện, cạnh tranh để thu hút lượng kiều hối qua con đường không chính thức.

Về tình hình dịch bệnh COVID-19, đến nay, nhiều quốc gia đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 nhờ tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao, sản xuất kinh doanh phục hồi, đời sống của người dân dần ổn định. Khi tăng trưởng kinh tế được hồi phục thì thu nhập của người dân, trong đó có cả các kiều bào Việt Nam, cũng có xu hướng tăng lên. Dự báo năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam khởi sắc hơn, GDP tăng 6,5 - 6,8%. Vì thế, dòng tiền kiều hối sẽ chuyển dịch về nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Về chính sách lãi suất, trong giai đoạn lãi suất tiền gửi ngoại tệ và tiền gửi VND ở Việt Nam lên cao, có khoản tiền không nhỏ ở nước ngoài được chuyển về đầu tư trên thị trường tiền gửi ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, NHNN kiên định mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế, lãi suất tiền gửi USD bằng không (0%), đồng thời lãi suất tiền gửi VND đang đi dần vào thế ổn định, do đó, việc thay đổi chính sách lãi suất để thu hút kiều hối sẽ không còn nhiều cơ hội.

Về chính sách tỷ giá, cũng với mục tiêu kiên định giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam không khuyến khích gửi ngoại tệ vào NHTM lấy lãi, không khuyến khích găm giữ, hay cất trữ bằng ngoại tệ. Bên cạnh đó, với mục tiêu điều hành của NHNN là ổn định tỷ giá, nâng cao vị thế VND thì tỷ giá VND/USD trong 3 năm gần đây chỉ tăng 1-2%/năm và dự báo trong một số năm tới cũng vẫn nằm trong biên độ đó. Bởi vậy, cũng khó có thể kỳ vọng vào chính sách tỷ giá để thu hút kiều hối.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG THU HÚT KIỀU HỐI TRONG THỜI GIAN TỚI

Một là, Việt Nam cần phải tiếp tục thực thi các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững. Đặc biệt là sau hơn 2 năm dịch bệnh COVID hoành hành trên khắp thế giới, gây đứt gãy các chuỗi cung ứng, có nhiều yếu tố thúc đẩy giá cả hàng hóa gia tăng… thì các chính sách này càng trở nên quan trọng để thu hút kiều hối.

Hai là, Nhà nước cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi về cơ sở hạ tầng như giao thông, điện nước, viễn thông, cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh chính quyền số, hoàn thiện các quy định trong hoạt động đầu tư… nhằm tạo động lực để kiều hối đầu tư vào khu vực sản xuất và các lĩnh vực con người như giáo dục và sức khỏe cộng đồng..., tạo ra các hiệu ứng phát triển tích cực về dài hạn cho đất nước. Bên cạnh đó, việc tạo lập một hạ tầng tài chính vững mạnh với các tổ chức tài chính hoạt động an toàn hiệu quả, cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thu hút và sử dụng có hiệu quả các dòng kiều hối.

Ba là, đối với ngành Ngân hàng, bên cạnh việc NHNN điều hành các chính sách vĩ mô (chính sách tiền tệ, tỷ giá, dự trữ ngoại hối, lãi suất, tín dụng, thanh toán…) để đảm bảo hoạt động tài chính ngân hàng an toàn, hiệu quả thì các NHTM cần tiếp tục có nhiều chính sách, giải pháp để tăng cường thu hút kiều hối trong hoàn cảnh mới, như:

- Có nhiều chương trình khuyến mại, tặng quà hấp dẫn đối với người gửi và nhận kiều hối. Khuyến khích người nhận kiều hối chuyển qua VND để gửi tiết kiệm với lãi suất hấp dẫn.

- Đầu tư đổi mới công nghệ, kết nối với các đối tác nước ngoài để thực hiện chuyển tiền trực tuyến, đảm bảo giao dịch an toàn và thông suốt… Đây là xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0.

- Mở rộng mạng lưới giao dịch nhận tiền kiều hối qua các đối tác để có thể kết nối với các kiều bào ở trên khắp thế giới.

- Tiếp tục mở rộng các hình thức cho vay để hỗ trợ người đi lao động xuất khẩu, du học (bao gồm vay để học ngoại ngữ, học nghề, đặt cọc), tăng mức cho vay, thời hạn cho vay…

- Tiếp tục giảm phí chuyển tiền, đơn giản hóa thủ tục quy trình giao dịch để tăng khả năng cạnh tranh, thu hút kiều hối đang qua con đường phi chính thức.

Kiều hối là một nguồn ngoại tệ tương đối ổn định, ngay cả khi có cuộc khủng hoảng kinh tế, so với những nguồn tài chính khác như FDI hay ODA. Kiều hối chứng tỏ là một yếu tố quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, giúp cân bằng cán cân vãng lai, tăng cường ngoại tệ dự trữ và giúp cải thiện đời sống của người dân, giúp cho các NHTM có thêm nguồn tiền gửi, nguồn ngoại tệ để kinh doanh… Do vậy, NHNN và các NHTM cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút dòng tiền này.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo thường niên của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Công thương, NHNN;

2. Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2014), cơ sở dữ liệu về vốn FDI các ngành kinh tế Việt Nam;

3. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia: Mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư ở Việt Nam- Nhà xuất bản Đại học kinh tế quốc dân - Hà Nội 9/2016;

4. Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật các TCTD, Pháp lệnh Kiều hối và các Nghị định có liên quan;

5. WB (2014), Migration and Development Brief.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 7 năm 2022

TS. Đỗ Thị Thủy -

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục