Ngân hàng và công ty Fintech: Đối thủ và đối tác

(Banker.vn) Các công ty Fintech xuất hiện ngày càng nhiều và đe dọa các ngân hàng truyền thống. Câu hỏi đặt ra là liệu các ngân hàng và các fintech là đối thủ hay đối tác, là thay thế hay bổ sung cho nhau, là chiến tranh hay hòa bình trên thị trường tài chính? Bài viết mong muốn trả lời câu hỏi trên.
Ngày nay, công nghệ đã đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, công nghệ quyết định hầu như tất cả. Lĩnh vực Ngân hàng không phải là ngoại lệ, trong đó, vai trò của công nghệ ngày càng được khẳng định và nâng cao. Các công ty Fintech xuất hiện ngày càng nhiều và đe dọa các ngân hàng truyền thống. Câu hỏi đặt ra là liệu các ngân hàng và các fintech là đối thủ hay đối tác, là thay thế hay bổ sung cho nhau, là chiến tranh hay hòa bình trên thị trường tài chính? Bài viết mong muốn trả lời câu hỏi trên.
 
 
1. Fintech - những người chơi mới trên thị trường
 
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Tiết kiệm (Sberbank) H.Gref, cựu Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và Thương mại Liên bang Nga trong “Ngày nhà đầu tư của Ngân hàng Tiết kiệm” đã phát biểu: “Các ngân hàng đang khóc ròng vì Thung lũng Silicon đang lấy đi bữa ăn sáng hằng ngày của họ. Chúng tôi không muốn rơi vào tình cảnh như thế này! Chúng tôi muốn đòi lại bữa ăn sáng của những kẻ đang lấy đi bữa ăn sáng của những ngân hàng khác. Đó là tham vọng cốt lõi của chúng tôi” [5]
Hàm ý “Thung lũng Silicon” của Gref là các công ty công nghệ cao, chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính (Fintech).
 
Công ty công nghệ cao là công ty ứng dụng những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin để xây dựng mô hình kinh doanh của mình và trên cơ sở đó, cung cấp hàng loạt các dịch vụ thông qua Internet [3;7;11].
 
Trong số các công ty công nghệ cao, người ta phân thành nhóm các công ty dịch vụ tài chính (Fintech - Financial Technology), gồm các công ty ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để cung cấp các dịch vụ tài chính, nhờ đó, giảm giá thành dịch vụ. Nếu như ban đầu, thuật ngữ Fintech thường được gắn với các công ty khởi nghiệp, ứng dụng các công nghệ mới nhất trong lĩnh vực tài chính thì ngày nay, thuộc nhóm các công ty Fintech còn bao gồm các thành viên lớn nhất trên thị trường tài chính như: Câu lạc bộ cho vay (Lending Club), Apple, Google, Samsung...
 
Fintech - đang là xu thế chủ đạo trên thị trường dịch vụ tài chính, phát triển nhanh chóng. Tốc độ thanh toán nhanh (các khoản thanh toán ngang hàng P2P), thuận tiện trong quản lý tài chính cá nhân, khả năng tiếp cận các khoản vay (tài trợ cộng đồng, crowdfunding) là những đặc điểm nổi trội trong hoạt động của các công ty Fintech, nơi chuyên thiết kế các ứng dụng chuyên sâu về các dịch vụ tài chính. Nhờ các ứng dụng này mà chi phí của người sử dụng được giảm mạnh.
 
Theo số liệu của Công ty Phân tích Dữ liệu CB Insights [14], tài trợ cho các công ty Fintech khởi nghiệp trong năm 2016 đạt mức 30 tỉ USD, theo đánh giá của CB Insights, năm 2018 là năm vàng son của các công ty Fintech, hơn 1700 thương vụ với tổng trị giá khoảng 40 tỉ USD. Đầu tàu thế giới về giá trị đầu tư vào Fintech vẫn là Mỹ (năm 2018, có 659 thương vụ với trị giá 11,89 tỉ USD). Ngoài Mỹ, các “người chơi lớn” có Anh, Trung Quốc, tỉ trọng các thương vụ trên thị trường các nước đó chiếm 39%, lập nên đỉnh mới của năm 2018.
 
Phân tích các công ty công nghệ cao hoạt động thành công trong lĩnh vực Fintech cho thấy, chúng đã cạnh tranh tích cực với các ngân hàng. “Đối thủ cạnh tranh của chúng ta - không phải top 5 ngân hàng Nga mà là những công ty IT hàng đầu của thế giới”, V. Yakovlev, CEO số hóa và marketing số hóa, Otkritie Bank khẳng định [12]. “Ngọn hải đăng của chúng ta - đó là những công ty công nghệ cao. Và họ cũng là những đối thủ cạnh tranh chủ yếu của chúng ta. Chúng ta cần dũng cảm so sánh các chỉ số, tốc độ vận động của mình với họ”, Gref phát biểu [5].
 
2. Ba giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động ngân hàng
 
“Cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng đang hướng về phương diện số hóa”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Rosbank, I. Polyakov đã phát biểu như vậy trong bài phỏng vấn Báo “Saint - Petersburg Business” tháng 9 năm 2018. Ông khẳng định, “việc hoàn thiện các dịch vụ số và thái độ, kĩ năng phục vụ khách hàng sẽ có ý nghĩa quyết định trong cuộc cạnh tranh này” [9].
 
Vì vậy, các ngân hàng đã bắt đầu tìm kiếm giải pháp ứng dụng công nghệ cao. Có ba phương án ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động ngân hàng.
 
Thứ nhất, thành lập ngân hàng mới. Trong trường hợp này, mô hình kinh doanh của ngân hàng ban đầu định hướng sử dụng công nghệ trực tuyến (online) và các sản phẩm của công ty Fintech. Hoạt động ngân hàng chuyển sang môi trường số hóa, việc tiếp cận các dịch vụ được thực hiện thông qua các trang Web và các ứng dụng trên điện thoại di động, trụ sở để phục vụ khách hàng không còn, nhờ đó, chi phí ngân hàng được giảm mạnh. Những thành viên mới này của thị trường tài chính được gọi là “NEOBANK”1 - hiếm hơn là ngân hàng trực tuyến (online bank hoặc direct bank), còn ở Anh, chúng được phân vào nhóm ngân hàng thách thức (challenger banks). Thuộc nhóm Neobank bao gồm: các ngân hàng Anh như Atom Bank, Starling Bank, Monzo Bank, Tandem Bank; các ngân hàng Mỹ như Moven và Simple; hai ngân hàng Trung Quốc WeBank và MyBank; và hai ngân hàng Đức N26 và Fidor Bank.Theo nhận định của Fintechnews Switzerland, chính các neobanks này đã trở thành những cánh chim đầu đàn về ứng dụng công nghệ tài chính trong hoạt động ngân hàng [15].
 
Những neobanks nêu trên xây dựng mô hình kinh doanh trên các nguyên tắc trực tuyến (online), nghĩa là, cung cấp các dịch vụ cho khách hàng hoàn toàn dựa trên nền tảng các ứng dụng di động trong hệ thống phục vụ trực tuyến qua điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị khác có khả năng truy cập Internet. Khi đề cập đến việc thành lập ngân hàng từ số không, hàm ý tiếp cận từ khía cạnh kỹ thuật và công nghệ. Các neobanks có thể được cấp giấy phép thành lập và hoạt động như một tổ chức tín dụng độc lập, tuy nhiên, cần giải quyết các vấn đề liên quan, và một trong số đó là quy mô vốn ngân hàng. Các neobanks thường hợp tác với các ngân hàng truyền thống.
 
Ngân hàng Mỹ Moven sử dụng thỏa thuận đối tác với CBW Bank (Mỹ). Các dịch vụ của Moven được cung cấp ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt ở Mỹ, Canada, Newzealand. Moven thường xuyên hoàn thiện công nghệ, mở rộng danh mục sản phẩm và các kênh cung cấp dịch vụ ngân hàng; ứng dụng công nghệ định danh người sử dụng và truy cập tài khoản bằng dấu vân tay; có thể rút tiền tại 42 nghìn cây ATM ở các nước; miễn phí dịch vụ tài khoản và không yêu cầu số dư tối thiểu trong tài khoản; chuyển tiền P2P cho cá nhân được thực hiện thông qua thư điện tử (email) và tin nhắn SMS; đồng thời,  không nhất thiết phải có tài khoản tại Moven để nhận tiền, khách hàng có thể nhận tiền tại ngân hàng của mình.
 
Điển hình của neobank có giấy phép hoạt động ngân hàng là Ngân hàng Atom rất nổi tiểng ở Anh. Ngân hàng này không có phòng, ban, bộ phận. Hoạt động của nó dựa trên các ứng dụng di động dành cho Iphone và Android. Để nhận biết khách hàng, Ngân hàng sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt và giọng nói (đang có kế hoạch bổ sung ứng dụng nhận diện khách hàng bằng dấu vân tay). Với tư cách là một ngân hàng độc lập, Atom có danh mục sản phẩm của riêng mình, đó là: cho vay nhà ở với tổng giá trị lên đến 2 triệu Bảng Anh, kì hạn đến 35 năm, các chương trình khác nhau đối với các DNNVV, tiền gửi với lãi suất cố định.
 
Năm 2015, Monzo Bank (neobank) được thành lập. Vốn điều lệ 1 triệu Bảng Anh được huy động trên nền tảng gọi vốn cộng đồng (Crowdcube) ở Anh chỉ trong vòng 96 giây, sau đó 2 tuần, được cấp giấy phép hoạt động hạn chế. Tháng 4 năm 2017, các hạn chế đã được dỡ bỏ, theo đó, Monzo được phép cung cấp khá nhiều dịch vụ ngân hàng truyền thống, tuy nhiên, công nghệ cung cấp dịch vụ khác nhiều với các ngân hàng truyền thống. Về các khoản thanh toán được thực hiện bằng thẻ Monzo sẽ được thông báo bằng tin nhắn đẩy (push notification) trong cơ chế thời gian thực đến các điện thoại từ các ứng dụng, ở đó, khách hàng có thể tra cứu lịch sử giao dịch. Neobank tích cực hoạt động với các sản phẩm thẻ, thực hiện các nghiệp vụ thanh toán, chuyển tiền và các dịch vụ khác. Tất cả các dịch vụ này đều được tiếp cận thông qua các ứng dụng trên điện thoại. Hiện nay, Monzo có hơn hai triệu khách hàng ở Anh. Định vị là công ty công nghệ cao, Monzo đặt mục tiêu loại bỏ các ngân hàng truyền thống lỗi thời, không còn phù hợp.
 
Neobank Starling có trụ sở chính ở Anh được cấp giấy phép hoạt động ngân hàng. Starling giới hạn hoạt động trong phạm vi cung cấp dịch vụ thanh toán cho khách hàng.
 
Tandem Bank được biết đến như một ngân hàng online lớn thứ hai, có giấy phép hoạt động ngân hàng ở Anh. Ngân hàng cung ứng các dịch vụ số, bao gồm tài khoản vãng lai, thẻ tín dụng và cho vay thông qua các ứng dụng và website.
 
Neobank Simple, lúc đầu, được biết đến với tên gọi BankSimple, được thành lập ở Mỹ vào năm 2009, hoạt động theo giấy phép của Ngân hàng Compass Bank The Bancorp Bank. Simple là một thành viên của mạng lưới STAR có thể tiếp cận miễn phí với 55 nghìn cây ATM, cung cấp các dịch vụ tiền gửi cho cá nhân. Banco Billbao Vizcaya Argentaria (BBVA), một trong những ngân hàng lớn nhất của Tây Ban Nha đã mua Simple với giá 117 triệu USD nhằm mở rộng dịch vụ ngân hàng số.
WeBank - một chi nhánh của người khổng lồ Internet Trung Quốc Tencent Holdings Ltd. là ngân hàng online đầu tiên của Trung Quốc, chuyên cho vay các DNNVV và cá nhân, nhà cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật đầu tiên cho mạng Blockchain của Trung Quốc. MYbank là thành viên số hóa thứ hai nhận giấy phép hoạt động ngân hàng. MYbank cung cấp các dịch vụ ngân hàng chỉ trong môi trường số hóa. WeBank MYbank ra các quyết định cho vay chỉ trong vòng một giây. MYbank gọi quy trình cho vay của ngân hàng này là “3-1-0”, nghĩa là, mất ba phút để khách hàng vay nhập các thông tin cần thiết và một giây để trí tuệ nhân tạo (AI) đưa ra quyết định liệu có cho vay hay không và không cần nhân viên nào tương tác với khách hàng trong quy trình này. Dựa vào kết quả phân tích dữ liệu khổng lồ thu được từ hoạt động thanh toán của người dùng ví điện tử Alipay WeChat Pay, hai ngân hàng WeBank MYbank có thể nhanh chóng thẩm định thu nhập và khả năng thanh toán của khách hàng để ra quyết định cho vay. Để thẩm định khả năng trả nợ của khách hàng, WeBank không chỉ căn cứ vào lịch sử thanh toán của họ qua WeChat Pay, mà còn dựa vào hoạt động của họ qua WeChat. Nếu đáp ứng các tiêu chí cho vay, người dùng WeChat có thể được WeBank chủ động mời vay tiền và họ có thể nhận được tiền sau ba phút kể từ lúc nộp đơn xin vay trực tuyến. Cho đến nay, tỉ lệ nợ xấu chỉ chiếm 1% tổng dư nợ tại WeBank MYbank.
 
Ngân hàng Đức Number26 đặt mục tiêu thực hiện cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp ngân hàng truyền thống: N26 nhận được giấy phép hoạt động ngân hàng và đồng thời công bố mở rộng nền tảng tài chính, cũng như ra mắt sản phẩm đầu tư online đầu tiên. N26 đã tạo nên những làn sóng mới ở châu Âu bằng các sản phẩm và dịch vụ như tài khoản séc và thẻ ghi nợ dựa trên các ứng dụng di động. Ngân hàng không có một điểm giao dịch vật lí nào, nhưng vẫn thu hút được 3,5 triệu khách hàng ở 24 nước trong khu vực. Ngân hàng Fidor được thành lập tại thành phố Munich, Đức, được chuyên môn hóa trên các lĩnh vực công nghệ số, có giấy phép hoạt động ngân hàng. Fidor là một trong những ngân hàng đầu tiên sử dụng giải pháp IP Payments (sử dụng giao thức Internet để thực hiện các khoản thanh toán) của Ripple (hệ thống thanh toán tổng thời gian thực, mạng lưới trao đổi và chuyển tiền được tạo bởi Ripple Labs Inc., một công ty công nghệ của Mỹ). Ngân hàng được mua bởi tập đoàn lớn thứ hai của Pháp BPCE, giá trị thương vụ không được công bố.
 
Thứ hai, ngân hàng truyền thống thành lập ngân hàng số từ con số “không”. Lợi thế của ngân hàng truyền thống - tính duy nhất của đề án và liên kết tối ưu với hệ thống ngân hàng lõi hiện đang hoạt động của ngân hàng. Không cần thiết phải đuổi theo các đối thủ cạnh tranh đã ứng dụng nền tảng Fintech, không phát sinh những rào cản không thể vượt qua được trong quá trình đồng bộ hóa từ hệ thống ngân hàng lõi và các ứng dụng di động.
 
Thứ ba, hợp tác với các công ty Fintech hoặc mua các sản phẩm, dịch vụ của các công ty Fintech và tích hợp chúng vào mô hình kinh doanh của ngân hàng, nghĩa là, tích hợp với hệ thống ngân hàng lõi của ngân hàng.
 
Có thể nêu thêm một phương án phát triển Fintech trong các ngân hàng, đó là, kết hợp phương án thứ hai và phương án thứ ba; nghĩa là, ngân hàng xây dựng nền tảng công nghệ cao của mình, nhưng sau này, có thể mua những giải pháp, thiết kế có sẵn hay thường gặp hơn trong thực tiễn là mua lại các công ty Fintech.
 
Trên thị trường Nga, ba phương án phát triển công nghệ cao như đề cập trên đây đã được triển khai trong lĩnh vực ngân hàng.
Neobank đầu tiên của Nga là Tinkoff Bank được thành lập năm 2006 với tên gọi là “Tinkoff Credit Systems, 100% ngân hàng số, không có trụ sở phục vụ khách hàng và không một cây ATM, được cấp giấy phép hoạt động ngân hàng, là thành viên của hệ thống bảo hiểm tiền gửi, quy mô vốn tự có 55,6 tỉ Rúp vào ngày 01/10/2018 [10].
 
Mô hình Ngân hàng Tinkoff khác các ngân hàng truyền thống ở chỗ, không có trụ sở vật lý, nhân sự không lớn (13 nghìn nhân viên), nhờ đó, cắt giảm chi phí vận hành ngân hàng.
 
Ban đầu, ngân hàng có định hướng hoạt động tập trung vào khách hàng cá nhân trong lĩnh vực cho vay, sau đó, từng bước phát triển các dịch vụ tiền gửi cho khách hàng cá nhân, thành lập công ty bảo hiểm riêng hoạt động trên thị trường B2B cũng như B2C và sau cùng, là các dịch vụ cho khách hàng pháp nhân. Đối với các doanh nhân cá thể và khách hàng pháp nhân, ngân hàng cung cấp các dịch vụ thanh toán, ngân quỹ, các loại thẻ tín dụng công ty (Corporate Credit Card), dịch vụ chi trả lương, thanh toán trực tuyến bằng thẻ ngân hàng (Internet acquring), bảo lãnh ngân hàng và cho vay, dịch vụ kế toán miễn phí và thiết kế trang web, chứng từ [13].
 
Neobank “Modulbank” định vị là ngân hàng duy nhất ở Nga, chỉ phục vụ khách hàng doanh nghiệp nhỏ. Giao diện Ngân hàng được thiết kế đơn giản để quản lí tài sản, có thể phân tích tình hình biến động tài sản, nhận trích xuất dữ liệu, thực hiện hỗ trợ kế toán và pháp lý, chuyển lương của nhân viên sang thẻ của các ngân hàng khác, cung cấp dịch vụ hỗ trợ cá nhân. Modulbank cũng như Tinkoff Bank được cấp giấy phép hoạt động ngân hàng và thành viên của hệ thống bảo hiểm tiền gửi.
 
Đa số các chuyên gia kinh tế và tài chính đều cho rằng sự kết hợp hài hòa hai mô hình ngân hàng truyền thống và ngân hàng số là chìa khóa đưa đến thành công trên thị trường tài chính. Và hoạt động của nhiều ngân hàng Nga đã khẳng định giả thiết này, trước hết, đó là các ngân hàng lớn nhất như Sberbank (Sbertech - công ty IT lớn nhất của Nga chuyên nghiên cứu thiết kế và ứng dụng các giải pháp phần mềm cho Sberbank), Tập đoàn Ngân hàng VTB (Otkritie Bank và bộ phận số hóa của ngân hàng, Alfa Bank (Alfa - Lab), Ural Bank for Reconstruction and Development. Các ngân hàng này có nguồn nội lực hùng hậu để phát triển các bộ phận IT riêng, có năng lực phát triển các dịch vụ đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh với các công ty Fintech độc lập. Không để tụt hậu trước các ngân hàng quốc gia và khu vực đầu đàn, cuối năm 2016, Ngân hàng thương mại cổ phần hỗ trợ thương mại và kinh doanh (SKB Bank) bắt đầu thành lập Fintech Lab - SKB Lab, và ngay trong năm 2017, đã đưa vào hoạt động SKB online (web-bank) và SKB Mobile; đầu năm 2018, bắt đầu vận hành ngân hàng online cho doanh nghiệp (“DeloBank”).
 
3. Ngân hàng và Fintech: Hợp tác và cạnh tranh
 
Phương án ứng dụng công nghệ tài chính vào hoạt động ngân hàng có triển vọng cao nhất là sự hợp tác giữa ngân hàng và các công ty Fintech. Ở đây, có thể có bốn phương án hợp tác chủ yếu:
 
(1) Hoàn thiện giao diện và các kênh tương tác khách hàng;
(2) Số hóa các quá trình;
(3) Phân tích sâu;
(4) Mở rộng cung ứng sản phẩm.
 
Y. H. Goydenko và Y. V. Rozkov trong nghiên cứu “Định giá trong các NHTM: Định hướng để tồn tại” (2005) đã đưa ra giả thiết về hiện thực của mối nguy cơ biến mất hoàn toàn định chế thị trường như NHTM [4]. Khả năng xảy ra kịch bản tiêu cực này đối với hệ thống ngân hàng, A. A. Kozlov cũng đã chỉ ra. Ông cho rằng: “Có nguy cơ hệ thống ngân hàng sẽ chấm dứt sự tồn tại của mình sau 6 - 8 năm nữa” [8].
 
Nghiên cứu của PriceWaterHouseCooper được thực hiện trong năm 2016, đã kết luận “Những người chơi mới (công ty Fintech) hiểu rằng, sản phẩm cần được thiết kế không phải rập khuôn, mà xuất phát từ sự cần thiết thỏa mãn nhu cầu đa dạng của khách hàng tại các thời điểm khác nhau” [2].
 
Tuy nhiên, nếu như xem xét đổi mới sáng tạo trong hoạt động ngân hàng thì cần thừa nhận rằng, trong bộ ba “dịch vụ - sản phẩm - công nghệ”, các công ty Fintech chỉ làm việc với nội dung công nghệ. Không một sản phẩm hay dịch vụ ngân hàng mới nào được cung ứng bởi các công ty Fintech. Họ chỉ làm việc trong lĩnh vực công nghệ, mở rộng cung ứng sản phẩm đến khách hàng. Chỉ có duy nhất một điều mà các công ty Fintech có thể thực hiện trong việc đáp ứng các dịch vụ tiền gửi, đó là, mở tài khoản tiền gửi nhanh chóng mà không cần phải đến trụ sở ngân hàng, và hiếm khi thu nhập từ tiền gửi cao hơn một chút so với một số ngân hàng khác. Tuy nhiên, không một công ty Fintech nào cung cấp một sản phẩm tiền gửi với các lựa chọn bổ sung, hoặc một sản phẩm tiền gửi với tư cách là một sản phẩm ngân hàng đổi mới sáng tạo.
 
Đối với các sản phẩm tín dụng, cũng có thể phát biểu tương tự. Nhiều chuyên gia không nhất trí với quan điểm cho rằng sự phát triển nhanh chóng của hoạt động cho vay ngang hàng (P2P) có thể loại bỏ các công nghệ truyền thống [1]. Công nghệ cho vay ngang hàng (P2P) sẽ có hiệu quả lớn nhất khi đề cập đến hoạt động cho vay mạo hiểm, một lĩnh vực không phải là phạm vi hoạt động ưu tiên của ngân hàng, hoặc một phương án duy nhất có thể vay được tiền trong trường hợp ngân hàng từ chối cho vay. Nhiều ngân hàng đã sử dụng thành công công nghệ P2P để cung cấp các khoản cho vay nhanh. Khi nhà đầu tư (chủ nợ) tự quyết định phân bổ tài sản của mình thông qua công nghệ P2P và gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) thì trong trường hợp này, nhà đầu tư (chủ nợ) chấp nhận toàn bộ những rủi ro có thể xẩy ra. Khi vay vốn qua ngân hàng thì ngân hàng là chủ thể chấp nhận những rủi ro về phía mình.
 
Các ngân hàng giữ vị thế vững chắc trên thị trường vốn, nơi thị trường các công cụ nợ vẫn thuộc về ngân hàng. Trên thị trường sơ cấp, ngân hàng đóng vai trò là nhà trung gian giữa nhà phát hành và nhà đầu tư. Cũng không thể thiếu ngân hàng trên thị trường nợ rất đa dạng và phức tạp so với thị trường cổ phiếu. Những sự kiện gắn với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây chứng tỏ rằng còn quá sớm để nói về sự lụi tàn của ngân hàng [6]. Sau khủng hoảng, mới thực sự hiểu được rằng mong muốn cung ứng sản phẩm của các thành viên khác trên thị trường tài chính không phải là tất cả, mà chỉ là các sản phẩm chủ yếu. Trước hết, điều đó liên quan đến rủi ro giao dịch tài chính mà theo truyền thống, do các ngân hàng chấp nhận về mình. Đánh giả năng lực trả nợ của những người vay thế chấp nhà ở không thỏa đáng đã dẫn đến sụp đỗ trong phân khúc thị trường này. Tuy nhiên, khi quảng cáo các sản phẩm cho vay, không một công ty Fintech nào lưu ý rằng các khoản vay chỉ được cấp cho những khách hàng vay tin cậy, trên các trang web của các công ty này, công bố khả năng tiếp cận chung sản phẩm tín dụng đối với tất cả những người có nhu cầu. Hiện tại, các công ty Fintech cung ứng các khoản vay để tài trợ các dự án kinh doanh, trong đó, có các dự án khởi nghiệp. Nhưng đến một thời điểm nào đó, khi các công ty Fintech đối mặt với vấn đề mất khả năng hoàn trả các khoản cho vay hoặc không thực hiện các cam kết đối với các khoản cho vay, NHTW sẽ đối mặt với trách nhiệm trong quản lý.
 
Tóm lại, lĩnh vực duy nhất trong hoạt động ngân hàng, nơi ngân hàng đối mặt với những đối thủ cạnh tranh mạnh, những công ty công nghệ cao - đó là công nghệ ngân hàng. Khách hàng cần vững tin vào ngân hàng mình, còn ngân hàng phải phát triển hoạt động kinh doanh, đảm bảo tính tiện lợi và nhanh chóng trong cung ứng dịch vụ ngân hàng cho khách hàng.
 
Hiện nay, vẫn tồn tại một vấn đề toàn cầu trong hoạt động ngân hàng và hoạt động của các công ty Fintech, đó là, an ninh mạng. Vấn đề này cả ngân hàng và các công ty Fintech phải cùng phối hợp giải quyết.
 
Theo nhận định của các chuyên gia, 82% những người phỏng vấn kì vọng sự gia tăng hợp tác giữa ngân hàng và các công ty Fintech trong 3 - 5 năm tới. Trong đó, theo mức độ đầu tư, 74% những người được hỏi thiên về công nghệ phân tích dữ liệu; 51% - công nghệ di động; 34; 32 và 30% - tương ứng là AI, an ninh mạng và robot. Các ngân hàng đầu tư vào lĩnh vực Fintech không chỉ bởi vì giá trị bình quân ROI đạt ngưỡng 20%, mà còn xuất phát từ sự cần thiết duy trì khách hàng hiện có và thu hút khách hàng mới thông qua nâng cao chất lượng phục vụ. Để đạt được mục tiêu này, các ngân hàng cần tạo lập mẫu thiết kế rõ ràng, đơn giản, trực giác để thực hiện các khoản thanh toán và tiếp cận dịch vụ ngân hàng, đảm bảo khả năng tiếp cận theo chế độ làm việc 24/7 và tăng tốc độ thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng. Đây chính là những nhân tố mà những người được phỏng vấn nêu lên khi trả lời câu hởi: “Cần lưu ý điều gì để duy trì những khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới?”[16]. Trong khi chỉ tiêu “Giá thành dịch vụ” chỉ có ý nghĩa trong quản lí tài sản thì hoàn toàn lô gic khi chỉ tiêu khác - tốc độ thực hiện công việc - được đề cập khi đánh giá cung ứng dịch vụ qua Internet Banking và khi thực hiện các dịch vụ thanh toán; đồng thời, đứng thứ hai và thứ ba một cách tương ứng (Bảng 1).
 
Như vậy, tốc độ thực hiện công việc và giá thành tối thiểu không phải là nhân tố nền tảng khi khách hàng của ngân hàng tiếp cận dịch vụ; do đó, nhận định sự dịch chuyển toàn bộ khách hàng từ ngân hàng sang các công ty Fintech là chưa đủ cơ sở.
 
Nếu như bàn về sự cạnh tranh giữa các ngân hàng Nga với các công ty Fintech thì chắc chắn, lợi thế vẫn đứng về phía các ngân hàng. Với thực tế hệ thống ngân hàng Nga còn trẻ, mới hơn 30 năm phát triển, việc ứng dụng đổi mới sáng tạo trong hoạt động ngân hàng sẽ càng tăng thêm sức mạnh cho hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng lớn nhất của Nga, rõ ràng, là những thành viên đầu đàn trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Trong thực tế, toàn bộ các ngân hàng trong top 100 đều có Internet Banking, Mobile Banking..., trên nền mở rộng chuỗi sản phẩm.
 
Phí dịch vụ của các ngân hàng Nga linh hoạt và tối thiểu, một số lượng lớn các giao dịch, khách hàng thực hiện miễn phí (trước hết, đó là khách hàng cá nhân). Những giao dịch được thực hiện thường xuyên nhất như chuyển tiền trong nội bộ ngân hàng, thanh toán hóa đơn bằng thẻ ngân hàng được thực hiện ngay lập tức và miễn phí. Nếu chuyển một số tiền lớn sang tài khoản của ngân hàng khác thì thông thường, các ngân hàng Nga chịu giới hạn về mức tối đa phí chuyển tiền. Chẳng hạn, tại Sberbank, phí chuyển tiền thiết lập ở mức 1% tổng số tiền cần chuyển, nhưng không vượt quá mức 1000 Rúp đối với hệ thống Sberbank online và 2% tổng số tiền cần chuyển, nhưng không vượt quá 1500 Rúp thông qua các chi nhánh của Sberbank. Do chính sách phí ưu đãi, nên mức đóng góp vào thu nhập từ dịch vụ thanh toán và ngân quỹ của các ngân hàng Nga nhỏ hơn nhiều các ngân hàng nước ngoài.
 
Tại các ngân hàng các nước phát triển, thu nhập tư dịch vụ thanh toán và ngân quỹ cao hơn rất nhiều, nếu tính cả thu nhập từ các loại phí dịch vụ khác thì tỉ trọng thường chiếm trên 50%. Chính vì lí do này mà tại các nước phát triển, các công ty Fintech là những đối thủ cạnh tranh rất rõ ràng và đáng gờm đối với các ngân hàng. Hãy so sánh bảng phí dịch vụ của các ngân hàng quốc gia và các công ty Fintech trong một nước thuộc Liên minh châu Âu và khu vực Euro - Ai-len. Tại Ai-len, hai nhà cung cấp số hóa có số lượng đông đảo khách hàng nhất là Ngân hàng N26 và Revolut.
 
Ngân hàng N26 - neobank của Đức, được NHTW Đức cấp giấy phép hoạt động ở Ai-len và các nước châu Âu; ngoài ra, Ngân hàng N26 được ECB cấp giấy phép hoạt động ngân hàng và là đối tượng quản lý của NHTW Ai-len. Ngân hàng N26 có hơn 3,5 triệu khách hàng, sinh sống ở nhiều nước châu Âu, số dư tài khoản của khách hàng bình quân đạt 1 tỉ EUR. Từ năm 2016, Ngân hàng có giấy phép hoạt động ngân hàng đầy đủ; toàn bộ tiền gửi của khách hàng đến mức 100 nghìn EUR được bảo hiểm. Do đó, khách hàng của Ngân hàng có thể mở tài khoản như với các ngân hàng truyền thống khác, có thể chuyển lương đến tài khoản và từ tài khoản này, có thể thanh toán hóa đơn mua hàng, thực hiện các khoản thanh toán và các giao dịch cần thiết khác. N26 hỗ trợ Apple Pay và Google Pay, nhưng là một neobank, không có trụ sở, không giao dịch với tiền mặt và séc. Từ tháng 7 năm 2018, sau khi nâng cấp ứng dụng web, Ngân hàng có thể thực hiện phần lớn các giao dịch trên các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop, PC... chứ không chỉ trên các thiết bị di động. Chủ các tài khoản ngân hàng được cung cấp thẻ ghi nợ Mastercard.
 
Cạnh tranh với neobank N26 tại Ai-len là Công ty Fintech Revolut của Vương quốc Anh. Ngày 12 tháng 12 năm 2018, Công ty Revolut được NHTW châu Âu cấp giấy phép hoạt động ngân hàng. Đến tháng 12 năm 2019, Công ty có 10 triệu khách hàng trên khắp châu Âu và 310 nghìn khách hàng tại Ai-len. Hiện tại, Revolut đã hỗ trợ Apple PayGoogle Pay. Khách hàng của Revolut cũng như N26 có thể mở tài khoản, được cấp IBAN (International Bank Acount Number, tài khoản ngân hàng để chuyển tiền trong phạm vi quốc tế), BIC (Bank Identifer Code, mã định dạng ngân hàng), có thể chuyển lương đến tài khoản và từ tài khoản này, có thể thực hiện các giao dịch cần thiết. Sử dụng thẻ ghi nợ trả trước của Revolut, có thể thực hiện các giao dịch đến 5000 EUR/tháng, trường hợp vượt quá hạn mức, phải trả phí 0,5% doanh số giao dịch; miễn phí rút tiền mặt 200 EUR/tháng, vượt quá hạn mức này, phải trả phí 2%. Thẻ Revolut là loại thẻ đa tệ (multi - currency card), do đó, có thể nhận chuyển tiền đến thẻ Revolut bằng nhiều ngoại tệ khác nhau, trong đó có USD, Bảng Anh, EUR, Đô la Úc, Đôla Newzealand, JPY...
 
Những ưu điểm chủ yếu của các neobank tại Ai-len so với các ngân hàng truyền thống là phí thấp, đặc biệt đối với các dịch vụ ngân hàng thường xuyên của các cá nhân (Bảng 2).
 
 
4. Xu hướng hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech tại Việt Nam
 
Dòng vốn hàng trăm tỉ USD đang chảy vào lĩnh vực Fintech, một lĩnh vực đang nổi lên rất mạnh mẽ trên toàn thế giới và Việt Nam. Theo Vụ Thanh toán NHNN, hiện có hơn 150 công ty Fintech hoạt động đầy đủ trên các lĩnh vực tài chính như trung gian thanh toán (chiếm khoảng 60,5%); gọi vốn cộng đồng (khoảng 10,5%)... Có khoảng 72% công ty Fintech lựa chọn hợp tác với ngân hàng để cùng kinh doanh, cung ứng dịch vụ. Hợp tác giữa ngân hàng và Fintech sẽ tạo tiền đề để nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính - ngân hàng tại Việt Nam. Các lĩnh vực hoạt động của Fintech tại Việt Nam gồm có: (1) Thanh toán với các công cụ như Moca, OnePay, Payoo, VinaPay, Momo, Bankplus... hoặc cung ứng giải pháp thanh toán kĩ thuật số POS/mPOS như Hottab, MPOS; (2) Gọi vốn cộng đồng, các công ty cung cấp nền tảng gọi vốn như FundStart, Comicola, Betado hay FirstStep; (3) Cho vay trực tuyến như LoanVi, Interloan; (4) Quản lí tài chính cá nhân như BanGo, MoneyLover, Mobivi... (5) Quản lí dữ liệu và trí tuệ nhân tạo như Trusting Social; (6) Chuyển tiền như MatchMovie, Cash2vn;(7) Blockchain như Bitcoin Vietnam, VBTC Bitcoin; (8) Ngân hàng số đầu tiên với Timo.
 
Tại Việt Nam, các ngân hàng bắt đầu làm việc với các công ty Fintech để hỗ trợ và triển khai công nghệ, thúc đẩy sự đổi mới trong thời đại công nghệ số. Tỉ lệ dân cư chưa có tài khoản ngân hàng cao (đến 40%), số người dân sống ở nông thôn bị hạn chế tiếp cận các dịch vụ tài chính, nhưng tỉ lệ người dùng Internet cao (khoảng 66%), trong đó có đến 96% người dùng thiết bị di động để truy cập Internet (theo We are social) là cơ hội không nhỏ cho các công ty Fintech tiếp cận. Với những cơ hội và tiện ích như cung cấp dịch vụ tài chính trên nền tảng kĩ thuật số, khả năng tối ưu hóa tiện ích, tiết giảm chi phí, tạo ra những giá trị và trải nghiệm mới cho người sử dụng, các công ty Fintech góp phần quan trọng vào việc đổi mới dịch vụ tài chính, có tác động tích cực đến các lĩnh vực ngân hàng số, thanh toán, bảo hiểm, rô bốt tự động... Vì vậy, để ứng dụng các giải pháp công nghệ cao trong hoạt động ngân hàng, việc hợp tác giữa ngân hàng với các công ty Fintech là xu hướng tất yếu và là cơ hội lớn chưa từng có đối với ngân hàng trong làn sóng đổi mới công nghệ.
 
Hiện nay, có nhiều ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, TPbank, Sacombank, VIB, OCB, VPbank, Ngân hàng Á Châu... đã liên kết với ví MoMo để phát triển ví điện tử, VPbank hợp tác với Fintech thành lập không gian làm việc chung cao cấp UP@VPbank. Vietinbank đang lập Fintech lab - không gian trao đổi giữa Vietinbank và công ty Fintech, nơi gặp gỡ, trao đổi ý tưởng công nghệ và kinh doanh. Vietinbank đang hợp tác với bảy công ty Fintech trong các lĩnh vực khác nhau nhằm đưa ra các sản phẩm mang yếu tố công nghệ và tài chính - ngân hàng để phục vụ khách hàng. 
 
VPbank với chiến lược tập trung đẩy mạnh mảng dịch vụ ngân hàng số hiện đại, đã tích cực hợp tác với các đối tác Fintech lớn và có uy tín lớn tại Việt Nam như VnPay, NAPAS, Payoo, Bankplus, Momo... để triển khai các giải pháp thanh toán và giao dich ngân hàng trực tuyến. Đặc biệt, VPbank đã phối hợp với Lifestyle Project Management Vietnam thành lập ngân hàng số thế hệ mới Timo. Timo là ngân hàng số đầu tiên trong nước không có chi nhánh hoặc các phòng giao dịch  như các ngân hàng truyền thống.
 
Ngân hàng Quân đội (MB) đã hợp tác với Boomerang Technology (Fintech) cho ra đời sản phẩm eMBee Fanpage, cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch tài chính như tra cứu số dư, chuyển tiền, gửi tiết kiệm, mua bảo hiểm, vay vốn chỉ bằng thao tác đơn giản là “chat” với eMBee thông qua ứng dụng tin nhắn Facebook Messenger.
 
Vietcombank hợp tác với Công ty cổ phần Di động Trực tuyến (M_Service) để thực hiện dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ ở khu vực nông thôn.
 
Một số thương vụ hợp tác điển hình nêu trên cho thấy, sự kết hợp giữa ngân hàng và Fintech sẽ làm mới mô hình ngân hàng trực tuyến, chuyển đổi sản phẩm ngân hàng truyền thống, ứng dụng đơn năng sang sản phẩm số hóa, đa tính năng và phát triển sản phẩm số hóa để đáp ứng yêu cầu khách hàng, hỗ trợ thương mại điện tử.
 
5. Một số kết luận
 
Như vậy, các giao dịch qua thẻ ngân hàng và chuyển khoản của các cá nhân có nhiều lợi thế về giá tại các công ty Fintech ở các nước phát triển, nơi khó thay đổi các mô hình kinh doanh của các ngân hàng truyền thống. Các công ty Fintech không thể thay thế ngân hàng trong lĩnh vực phục vụ các pháp nhân, song, họ có thể cạnh tranh trong hoạt động với khách hàng cá nhân. Ngoài ra, sẽ diễn ra cạnh tranh giữa các công ty Fintech như đã được phân tích trong trường hợp với Ai-len.
 
Để bảo đảm sự cạnh tranh được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, cần xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động của các công ty Fintech nhằm giảm giảm rủi ro trong quá trình hoạt động.
 
Tóm lại, theo quan điểm của chúng tôi, xu hướng tương lai trong hoạt động ngân hàng - đó là sự hợp tác và nhiều hình thức phối hợp giữa ngân hàng và công ty Fintech. Và tất cả đều thắng Win - Win.

----------------
[1] “Neobank”, tức ngân hàng thế hệ mới, chỉ dựa trên nền tảng di động có lợi thế là không phải gánh chi phí khổng lồ trong việc duy trì mạng lưới chi nhánh và họ lại đang giành giật từng khách hàng từ tay ngân hàng truyền thống. Khái niệm 
neobank chỉ ngân hàng thế hệ mới chủ yếu sử dụng công nghệ để cung cấp dịch vụ ngân hàng bán lẻ thông qua ứng dụng trên smartphone và nền tảng dựa trên Internet, cho phép các ngân hàng này có thể cung cấp dịch vụ với chi phí thấp hơn so với ngân hàng truyền thống.
 
Tai liệu tham khảo:
1. Агапитов Д. (2017) “Финтех сервисы - партнеры или конкуренты”. http://www.forbes.ru/tehnologii/340535-finteh-servisy-i-banki-partnery-ili-konkurenty (truy cập ngày 14/01/2020)
2. В центр внимания–клиенты. Как Финтех сегмент изменяет банковский рынок (2016). 
http://www.pwc.ru/ru/banking/publications/fintech-changes.pdf (truy cập ngày 15/01/2020)
3. Востриков В. С. (2015) “Высокотехнологичные компании как фактор стратегического развития отечественной экономики”//креактивная экономика, No 4.
4. Гойденко Ю. Н. Рожков Ю. В. “Ценообразовние в коммерческих банках: ориентация на выживание”, Иркутск,  БГЭП, 2005.
5. Греф (2017): “Главные конкуренты Сбербанка - технологические компании”. http://www.bankir.ru/news/lenta/?id=10168211 (truy cập ngày 14/01/2020)
6. Ершов А. П. (2007) “Кризис ликвидности: есди ружье висит на стене...”// Банковское дело, No 12.
7. Заецев А. В. (2014) “Особенности функционирования высокотехнологичного предприятия в инновационной экономике”//Вопросы инновационной экономики, No 1
8. Козлов А А. (2003) “Модернизация банковского сектора: задачи совершенствования банковского надзора”//Деньги и кредит, No 1
9. “Конкуренция между банками уходит в цифровую плоскость” (2018). http://www.dp.ru/a/2018/09/17/konkurencia_uhodit_v_cifr (truy cập ngày 15/01/2020)
10. Консолидированный балансовый отчет на 01 октября 2018 г.http://cbr.ru/credit/main/coinfo/f802/?regnum=2673&dt=201809 (truy cập ngày 16/01/2020)
11. ЛаптевА. А. (2007) “Понятие “высокотехнологичной компании” в современной микроэкономической теории”//Инновации, No 7.
12. “Теперь наши конкуренты - не банки, а передовые ИТ- компании” (2017). http://www.vc.ru/promo/20963-open-digital (truy cập ngày 14/01/2020)
13. Тинькофф Банк. www.tinkoff.ru (truy cập ngày 14/01/2020)
14. Machine Intelligence Platform. http://www.cbinsights.com (truy cập ngày 15/01/2020)
15.  The World’s Top 10 Neo - and Challenger Banks in 2016. http://www.fintechnews.ch/the-world’s-top-10-neo-and-challenger-banks- in-2016 (truy cập ngày 14/01/2020)
16. Л. B. Kox, Ю. B. Kox (2019) “Банки и финтех-компании - партнеры или конкуренты”, Bulletin of ZabGU, Vol 25, No 6

PGS., TS. Nguyễn Hồng Nga
Nguồn: TCNH số 5/2020
Theo Tạp chí Ngân hàng
Theo: tapchinganhang.com.vn
    Bài cùng chuyên mục