Ngân hàng trung ương Trung Quốc cùng 7 Bộ cam kết hỗ trợ tài chính xanh cho khu kinh tế sông Dương Tử

(Banker.vn) Hướng dẫn về tài trợ vốn xanh cho vành đai kinh tế sông Dương Tử đã được ban hành khi Trung Quốc tiếp tục hành trình khử cacbon ra khỏi quá trình sản xuất.

Ngày 27/8, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một bộ hướng dẫn để hỗ trợ khu kinh tế lớn nhất của mình khi khu vực này theo đuổi quá trình chuyển đổi xanh và chuyển sang tăng trưởng “chất lượng cao hơn” - những ưu tiên của quốc gia - thông qua thị trường vốn.

Các công ty đủ điều kiện trong Vành đai kinh tế sông Dương Tử – khu vực chỉ chiếm 2,1% diện tích Trung Quốc nhưng đóng góp tới 44% tổng sản phẩm quốc nội – sẽ được khuyến khích huy động vốn thông qua trái phiếu xanh và vốn cổ phần, theo chỉ thị liên bộ do Ngân hàng Trung ương cùng 7 Bộ ban hành. Số tiền thu được sẽ được sử dụng để cải thiện việc xử lý chất thải, công nghệ xanh và kiểm soát ô nhiễm.

Động thái này diễn ra sau những cam kết được đưa ra tại Hội nghị Trung ương lần thứ ba khóa XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng trước, một hội nghị kinh tế lớn nhằm thúc đẩy tài chính xanh. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thường xuyên lên tiếng về sự cần thiết của các công cụ tài chính để cải thiện khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và theo đuổi tăng trưởng bền vững với môi trường.

Vành đai kinh tế sông Dương Tử bao trùm 11 tỉnh, thành phố, được chỉ thị đặt tên là “chiến trường chính” cho phát triển xanh, “huyết mạch” của hệ thống tuần hoàn kép và là “động lực” trong “phát triển kinh tế chất lượng cao”.

Các công ty trong khu vực đáp ứng các yêu cầu nhất định sẽ nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền trung ương để sử dụng thị trường vốn nhằm huy động vốn. Chỉ thị nêu rõ các doanh nghiệp nhà nước có thể niêm yết, tái cấp vốn, thực hiện mua bán và sáp nhập cũng như niêm yết trên hệ thống NEEQ, một thị trường cổ phiếu OTC phi tập trung ở Trung Quốc đại lục.

Các tổ chức tài chính và doanh nghiệp trong khu vực này sẽ được khuyến khích phát hành trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, nhằm “tạo điều kiện cho các quỹ nước ngoài đầu tư vào quá trình chuyển đổi carbon thấp của Trung Quốc”.

Các Bộ và Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết, các công cụ chính sách tiền tệ mang tính cấu trúc cũng sẽ được sử dụng để định hướng các tổ chức tài chính tăng cường hỗ trợ cho các sáng kiến ​​xanh.

Các tổ chức tài chính được kêu gọi hỗ trợ hơn nữa cho các dự án môi trường quan trọng trong khu vực, đặc biệt là xử lý chất thải đô thị, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ đất và nước, giảm thiểu biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.

Các cơ chế khuyến khích và hạn chế cũng sẽ được xây dựng, nhiều khả năng là sẽ thiết lập tài khoản carbon cho một số ngành và cá nhân nhằm nâng cao hiệu quả dữ liệu trong việc quản lý dấu chân carbon (lượng khí nhà kính phát thải ra).

Chỉ thị này được ban hành 2 tuần sau khi Hội đồng Nhà nước, nội các Trung Quốc, công bố kế hoạch làm cho nền kinh tế của đất nước trở nên thân thiện hơn với môi trường, bao gồm các lĩnh vực chính như nông nghiệp, giao thông và năng lượng.

Kế hoạch vạch ra lộ trình phát triển của các công cụ tài chính khác như bảo hiểm xanh, vốn chủ sở hữu và quỹ tín thác để hỗ trợ quá trình khử cacbon của nền kinh tế. Kế hoạch cũng đặt mục tiêu đầy tham vọng là phát triển ngành bảo vệ môi trường trị giá 15 nghìn tỷ Nhân dân tệ (2,1 nghìn tỷ USD) vào năm 2030.

V.A

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ