Ngân hàng trung ương Nhật Bản giữ quan điểm ôn hòa, bất chấp kỳ vọng của thị trường về sự thay đổi chính sách

(Banker.vn) Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn giữ nguyên khuôn khổ chính sách hiện tại sau cuộc họp kéo dài hai ngày.

Ngày 22/9, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết sau khi BOJ vẫn quyết định duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ rằng vẫn còn quá sớm để hình dung ra một sự thay đổi, có thể là chấm dứt lãi suất âm hoặc chương trình giới hạn lợi suất.

Bất chấp kỳ vọng của thị trường rằng BOJ có thể cắt giảm kích thích tiền tệ thà sớm còn hơn là để muộn, điều này không báo hiệu sự thay đổi trong lập trường ôn hòa của BOJ và việc duy trì lạm phát ổn định là chưa thể trong lúc này.

Với quyết định giữ nguyên khuôn khổ chính sách hiện tại, theo chương trình đường cong lợi suất, lãi suất ngắn hạn được đặt ở mức âm (-) 0,1% và lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm được định hướng quanh mức 0%.

Quyết định đồng thuận được đưa ra sau khi 9 thành viên hội đồng xem xét tác động của quyết định tại cuộc họp hồi tháng 7 ( cho phép lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng lên 1,0%) đối với thị trường tài chính và nền kinh tế nói chung.

"Nếu chúng tôi có thể nhìn thấy trước mục tiêu lạm phát sẽ đạt được thì chúng tôi sẽ xem xét thay đổi chính sách. Tại thời điểm này, sự không chắc chắn về nền kinh tế và giá cả là cực kỳ cao và chúng tôi thấy chưa phải là lúc quyết định thay đổi chính sách hoặc các bước đi nào cần được thực hiện", Thống đốc Ueda phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp kéo dài 2 ngày của BOJ.

Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ kiên nhẫn tiếp tục nới lỏng tiền tệ để đạt được mục tiêu lạm phát một cách bền vững và ổn định, đồng thời phản ứng linh hoạt với môi trường đang thay đổi”.

Thống đốc Ueda đã thận trọng không để lộ tín hiệu gì về việc sớm chuyển sang thắt chặt chính sách, đồng thời vẫn cam kết thực hiện các bước đi không do dự nếu có nhu cầu như vậy. Ông nhận thấy nguy cơ lạm phát không đạt mục tiêu của BOJ lớn hơn nhiều so với nguy cơ lạm phát vượt quá mục tiêu.

Đây là cuộc gặp đầu tiên kể từ khi bình luận của ông trong một cuộc phỏng vấn trên báo Nhật Bản, được coi là ám chỉ về việc chấm dứt lãi suất âm nếu giá cả và tiền lương tăng. Thống đốc Ueda cho biết, tăng trưởng tiền lương bền vững là một trong những yếu tố quan trọng quyết định liệu thời điểm đã chín muồi để thay đổi chính sách hay chưa.

Ông cũng cho biết ngân hàng trung ương sẽ có đủ thông tin và dữ liệu để đưa ra quyết định vào cuối năm nay.

Quyết định duy trì chính sách tại kỳ họp tháng 9 này có nghĩa là BOJ sẽ vẫn còn cách xa Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Châu Âu trong việc tăng lãi suất.

Mặc dù BOJ cho biết kỳ vọng lạm phát đang tăng lên nhưng cũng nhìn nhận thấy triển vọng lạm phát ổn định đi kèm với tăng trưởng tiền lương bền vững chưa đủ thuyết phục. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát toàn phần tính đến tháng 8/2023 vẫn ở trên mức mục tiêu 2% trong 17 tháng qua, phản ánh chi phí nhập khẩu cao hơn.

Trước cuộc họp chính sách, thị trường tài chính bắt đầu định giá một tương lai hậu thời kỳ nới lỏng tiền tệ. Lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đóng cửa ngày thứ Sáu ở mức 0,740%, sau khi đạt mức cao nhất trong 10 năm là 0,745% vào ngày hôm trước.

Đồng Yên không xa ngưỡng tâm lý 150 Yên/USD là mấy, điều này đang thử thách khả năng chịu đựng của chính quyền Nhật Bản, vốn cảnh giác trước sự mất giá nhanh chóng của đồng tiền này. Sự mất giá của đồng Yên là sản phẩm phụ của xu hướng ôn hòa của BOJ.

BOJ cho biết: “Cần phải quan tâm đúng mức đến sự phát triển trên thị trường tài chính và ngoại hối cũng như tác động của chúng đối với hoạt động kinh tế và giá cả của Nhật Bản”.

Hội đồng quản trị đã quyết định rằng về nguyên tắc, mỗi ngày làm việc BOJ sẽ chào mua trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định 1,0%, giới hạn tối đa được phép theo chương trình giới hạn lợi suất.

Khi được hỏi về xu hướng tăng của lợi suất dài hạn, Thống đốc Ueda cho biết điều này trùng với kỳ vọng lạm phát ngày càng tăng, đồng thời nói thêm: “Không có gì phải lo lắng”.

BOJ sẽ tiếp tục mua tài sản, bao gồm các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) với hạn mức năm là 12 nghìn tỷ Yên, trong bối cảnh bất ổn kinh tế "cực kỳ cao" khi làn sóng thắt chặt tiền tệ toàn cầu đe dọa làm chậm tăng trưởng.

Sau nhiều năm giảm phát, Nhật Bản đã chứng kiến ​​một số diễn biến tích cực hướng tới lạm phát ổn định, với mức tăng lương tốt nhất trong ba thập kỷ nhờ các cuộc đàm phán giữa liên đoàn lao động và giới quản lý doanh nghiệp trong năm nay.

Theo dữ liệu của Văn phòng Nội các, khoảng cách sản lượng, thước đo quan trọng về cung và cầu được sử dụng để đánh giá xu hướng lạm phát, sau 4 năm, lần đầu tiên trong quý II năm nay chuyển sang tích cực.

Bên cạnh việc thiếu niềm tin vào triển vọng lạm phát, các thành viên hội đồng quản trị BOJ có thể không muốn đảo chiều tình hình vào thời điểm "nhạy cảm" khi có khả năng Thủ tướng Fumio Kishida có thể giải tán Hạ viện để tổ chức một cuộc bầu cử sớm trong năm nay. Shunsuke Kobayashi, nhà kinh tế trưởng tại Mizuho Securities.

Ông Kobayashi cho biết: “Trong trường hợp đó, BOJ đang chuẩn bị cho những rủi ro lạm phát tăng cao và lưu ý đến sự yếu đi của đồng Yên. Nếu sự giảm giá của đồng Yên tiếp tục đẩy dự báo lạm phát lên cao, BOJ sẽ phải chuyển sang loại bỏ kích thích tiền tệ”.

Đồng Yên yếu ảnh hưởng đến cả hai mặt đối với nền kinh tế Nhật Bản. Nhưng sự sụt giảm nhanh chóng gần đây của đồng Yên, đồng tiền có tỷ giá hối đoái thực tế đã ở mức thấp lịch sử so với các đồng tiền của các quốc gia đối tác, đã làm tăng thêm nỗi đau cho các hộ gia đình bằng cách đẩy nhanh lạm phát các sản phẩm nhập khẩu và phơi bày tính dễ bị tổn thương của một quốc gia nghèo tài nguyên.

Thống đốc Ueda thừa nhận lạm phát đang trở thành gánh nặng, đồng thời nói rằng ông "cực kỳ lo ngại" về việc lương thực tế không tăng. Do lạm phát không giảm nhiều như dự kiến ​​trước đây, BOJ sẽ kiểm tra dữ liệu mới khi công bố báo cáo triển vọng mới vào tháng 10.

Vân Anh

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục