Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) tăng trưởng tổng tài sản 6,5% trong quý II năm 2022

(Banker.vn) Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2022 với sự tăng trưởng về tổng cho vay khách hàng, tổng tiền gửi, thu nhập lãi thuần.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đứng top đầu về CASA và thị trường ngoại hối

Kết thúc quý 2/2022, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) ghi nhận mức tăng trưởng tổng tài sản 6,5% so với 30/6/2021, đạt trên 195.000 tỷ đồng. Chất lượng tài sản vẫn ở mức tốt khi tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ tính theo Thông tư 11/2021//TT-NHNN % chỉ 1,1%.

Trong đó, tổng cho vay khách hàng đạt gần 110.500 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Nhu cầu tín dụng tăng trưởng với sự gia tăng đáng kể của dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, tăng 28% và dư nợ tín dụng cấp cho khách hàng doanh nghiệp tăng khoảng 18% so với cùng kỳ.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) công bố kết quả kinh doanh quý II năm 2022

Về huy động vốn, tổng tiền gửi tại ngày 30/06/2022 vượt 98.300 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với quý 2/2021. Tỷ lệ CASA/tổng tiền gửi đạt 36,72%, tăng nhẹ so với cuối năm 2021, tiếp tục trong nhóm dẫn đầu thị trường. Đây là kết quả từ việc MSB đẩy mạnh triển khai các sản phẩm – dịch vụ và chương trình khuyến mại hấp dẫn, mang tới giá trị cao cho khách hàng, hướng tới mục tiêu tối ưu hóa cấu trúc vốn. Điều này cũng tác động trực tiếp đến biên lãi ròng (NIM), đưa chỉ số này tăng lên 4,05% vào cuối quý 2/2022.

Tổng thu nhập thuần của riêng quý 2 chạm mốc 2.800 tỷ đồng, trong đó ghi nhận sự đóng góp phần lớn từ thu nhập lãi thuần 2.060 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Mảng thu nhập ngoài lãi ghi nhận sự đóng góp đột phá từ kinh doanh ngoại hối khi lãi thuần mảng hoạt động này đạt hơn 315 tỷ đồng, tăng 223% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của riêng quý 2/2022 của MSB vượt 1.840 tỷ đồng.

Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, MSB đạt tổng lợi nhuận trước thuế gần 3.336 tỷ đồng, tăng trường 7% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2021, MSB ghi nhận 1 khoản thu phí từ hợp đồng hợp tác bán Bancassurance với Prudential và được tính vào quý 2, loại bỏ khoản thu bất thường này thì ngân hàng có tăng trưởng mạnh mẽ từ hoạt động lõi so với cùng kỳ 2021.

Song song mục tiêu tăng trưởng kinh doanh, MSB cũng chú trọng nâng cao tỷ lệ an toàn vốn và chất lượng tài sản. Tỷ lệ an toàn vốn CAR (theo Thông tư 41) hợp nhất của MSB đạt mức 12,17% tại cuối quý 2/2022. Ngân hàng cũng đã xử lý quyết liệt các hạng mục tài sản gán nợ trong năm 2021 và 2022, động thái này phản ánh sự tập trung của MSB vào quản trị rủi ro, ưu tiên cải thiện chất lượng tài sản, nâng cao các tiêu chuẩn và áp dụng các chuẩn mực rủi ro quốc tế cũng như sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Cơ quan quản lý.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) công bố kết quả kinh doanh quý II năm 2022
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng MSB

Cũng trong quý 2 vừa qua, MSB vinh dự nhận chuỗi giải thưởng trong nước và quốc tế về sản phẩm, dịch vụ, trải nghiệm thương hiệu. Cụ thể, việc ra mắt MPower – cấp tín chấp hoàn toàn trực tuyến cho doanh nghiệp với hạn mức tới 15 tỷ đồng trong tối đa 3 ngày làm việc là cơ sở để MSB được vinh danh là “Ngân hàng doanh nghiệp sáng tạo nhất Việt Nam” do Tạp chí World Economics bình chọn.

Cùng với sản phẩm tín chấp cho khách hàng cá nhân với quy trình 100% online và nhiều sáng kiến, giải pháp thuận ích khác, MSB liên tiếp được xướng tên tại các giải thưởng như “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam” do Tạp chí Global Finance trao tặng, Giải bạc cho hạng mục Trải nghiệm thương hiệu tốt nhất tại Transform Award Asia 2021, Ngân hàng TMCP tư nhân uy tín nhất Việt Nam do Vietnam Report vinh danh…

Những thành quả đã có là động lực để MSB nỗ lực hơn trong hành trình kinh doanh cũng như đáp ứng nhu cầu khách hàng. Để đạt mục tiêu này, ngày 20/7 vừa qua, MSB công bố Nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 30% và phát hành tối đa 14,25 triệu cổ phiếu cho người lao động từ nguồn vốn chủ sở hữu. Việc tăng vốn giúp ngân hàng tăng cường năng lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung – dài hạn, và đặc biệt là đầu tư cho chuyển đổi số. Dự kiến, việc tăng vốn điều lệ sẽ được thực hiện trong năm 2022 sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý.

Thuỳ Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục