Rất nhiều gói hỗ trợ được triển khai tới doanh nghiệp
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) mới đây đã cấp vốn cho các doanh nghiệp trong ngành nhựa để hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến máy móc, thiết bị, mở rộng kinh doanh và giao dịch với đối tác nước ngoài, nhập khẩu nguyên liệu - xuất khẩu bán hàng.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong những năm gần đây, ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp năng động và có tốc độ tăng trưởng cao nhất Việt Nam với mức tăng trường hàng năm từ 16-18% với sản phẩm đa dạng, có mặt tại gần 160 nước trên thế giới. Tuy nhiên, ngành này cũng đang đối mặt với những khó khăn về nguyên liệu do 75-80% nguyên liệu và phụ liệu đầu vào phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, những hạn chế về chênh lệch tỷ giá, thị trường tiêu thụ, hệ thống máy móc, nguồn nhân lực và đặc biệt là về nguồn vốn ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành này.
Với tình hình đó, từ nay đến 31/12/2021, MSB triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất từ 5,5%/năm. Đối với khách hàng có nhu cầu về vốn ngắn hạn, MSB đưa ra giải pháp tài trợ đến 3 lần giá trị tài sản bảo đảm, chấp thuận đa dạng tài sản (bất động sản, máy móc thiết bị,...) hoặc giải pháp tài trợ không tài sản bảo đảm lên đến 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có kế hoạch hoạt động dài hạn có thể lựa chọn gói tài trợ trung dài hạn tới 70% giá trị tài sản đầu tư với thời gian vay tối đa tới 7 năm.
Ngoài ưu đãi lãi suất cho khoản vay, miễn giảm phí dịch vụ, từ nay đến hết ngày 31/12/2021, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cung cấp các khoản vay mới (ngắn hạn và trung dài hạn) với mức lãi suất ưu đãi, giảm 0,5% lãi suất cho vay trong 6 tháng đầu. Với các khách hàng tổ chức, doanh nghiệp đang sử dụng tài khoản thanh toán đa lợi, SCB giảm 50% phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống trên Internet Banking và giảm 10% phí thanh toán quốc tế so với mức phí thông thường.
SCB còn triển khai "Vay vốn siêu tốc, phát lộc kinh doanh" dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có doanh thu thuần dưới 25 tỷ đồng. Theo đó, khách hàng có thể vay đến 10 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 6,99% một năm; có cơ chế hỗ trợ đối với các doanh nghiệp mới thành lập.
Các doanh nghiệp ngóng gói hỗ trợ về tín dụng để gỡ khó trong thời điểm này
Ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết dự kiến trong thời gian sắp tới MB sẽ giải ngân thêm khoảng 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho nhóm khách hàng kinh doanh lúa gạo với mức lãi suất ưu đãi giảm so với các sản phẩm cho vay thông thường từ 0,5 - 1%/năm. Tính đến nay, MB đã giải ngân được khoảng 4.500 tỷ đồng cho khách hàng kinh doanh lúa gạo.
Cùng với đó, MB đang phối hợp chặt chẽ với nhiều khách hàng để đưa công nghệ thanh toán vào các hoạt động nghiệp vụ. "Trên các nền tảng ứng dụng MBBank và Biz MBBank, chúng tôi đang và sẽ hỗ trợ khách hàng trong việc thanh toán thu mua lúa gạo trực tuyến, đảm bảo hạn chế việc tiếp xúc giữa ngân hàng với khách hàng và giữa khách hàng với ngân hàng. Giải pháp này hạn chế rủi ro cho cả ngân hàng và khách hàng trong bối cảnh xã hội phải thực hiện giãn cách trên diện rộng như hiện nay", lãnh đạo MB chia sẻ.
Để góp phần giúp doanh nghiệp sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) triển khai chương trình "VietinBank SME Stronger 2021: Chi lương vượt khó, gắn bó dài lâu".
Theo đó, từ nay đến hết ngày 31/12, khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vay vốn để trả lương cho người lao động sẽ có cơ hội được giảm lãi suất cho vay lên tới 0,3%/năm đối với các khoản giải ngân mới ngắn hạn.
Khơi thông điểm nghẽn để vực dậy sản xuất, kinh doanh
Để bơm vốn cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định: Việt Nam cần phải có một cơ chế đặc thù và một giải pháp mang tính đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam cần có một tổ hợp tín dụng với số vốn cung cấp cho tất cả thị trường, riêng TP Hồ Chí Minh là 100.000 tỷ đồng và cho cả quốc gia là 300.000 tỷ đồng. Các ngân hàng có thể dùng nguồn vốn CASA - nguồn vốn tiền gửi không kỳ để cho vay với lãi suất thấp, thời hạn cho vay là từ 2 - 5 năm.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng chủ trì, xây dựng tổ hợp tín dụng, tạo ra một quy chế đặc thù, yêu cầu tất cả các ngân hàng quốc nội và ngân hàng nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam phải tham gia, chứ không dừng ở câu chuyện khuyến khích.
“Với hạn mức 100.000 tỷ đồng dành cho TP Hồ Chi Minh, chia bình quân cho mỗi khách hàng 5 tỷ đồng, với 100.000 tỷ chúng ta sẽ giúp được khoảng 20.000 doanh nghiệp vượt khó. Không biết con số này có phải muối bỏ bể hay không nhưng cũng giúp được một lượng doanh nghiệp bớt lao đao”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.
Ông Đào Gia Hưng, Giám đốc khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngân hàng VPBank cho biết: Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay, bản thân các doanh nghiệp phải tăng cường đoàn kết, liên kết với nhau trong việc giới thiệu, tìm kiếm bạn hàng, đầu vào, đầu ra để cùng hợp tác vay vốn.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mạnh hơn như: Nới hạn mức tín dụng; miễn giảm, vay ưu đãi lãi suất thấp, nâng hạn mức tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên mức cao hơn.
"Đặc biệt, cần tăng cơ hội tiếp cận vốn cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, các hộ kinh doanh... dưới hình thức các Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... để có thể sản xuất trong bối cảnh khắc nghiệt hiện nay" - Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ |
Hoàng Quyên
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|