Ngân hàng thu phí trả nợ trước hạn: Cần thiết và phù hợp với thực tế kinh tế thị trường

(Banker.vn) Theo giới chuyên môn, ngân hàng thu phí trả nợ trước hạn là biện pháp cần thiết và phù hợp với thực tế kinh tế thị trường. Việc thu phí này nhằm bù đắp chi phí huy động vốn đã phát sinh/đã phải bỏ ra khi người vay thanh toán nợ trước hạn, đồng thời nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của bên vay.
tra-no-truoc-han.jpg
Thu phí trả nợ trước hạn là biện pháp cần thiết và phù hợp với thực tế kinh tế thị trường

Mới đây, tại hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội, ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội (HAMI) nêu ra những khó khăn cho doanh nghiệp khi phải trả nợ trước hạn. "Tôi đề xuất miễn phí trả nợ trước hạn, hoặc nếu có chỉ 1%", ông Lê Vĩnh Sơn nói.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, sở dĩ không thể bỏ việc thu phí trả nợ trước hạn, vì ngân hàng cũng là bên huy động vốn của người dân để cho vay. Điều đó đồng nghĩa với việc phải trả lãi cho người dân.

Thực tế đã có trường hợp doanh nghiệp chỉ sử dụng chính sách cho vay ưu đãi 2-3 năm đầu. Đến lúc hết thời gian ưu đãi lại chuyển sang vay ngân hàng khác để tiếp tục hưởng ưu đãi, vô hình trung khiến doanh nghiệp không thể đồng hành lâu dài với ngân hàng.

03adfc23-cd97-4590-87ba-4beee7ccf9ff.jpg
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank

Tổng Giám đốc Vietcombank cũng cho biết, hiện ngân hàng đang áp dụng phí trả nợ trước hạn theo bậc thang. Nếu doanh nghiệp duy trì khoản vay cam kết càng lâu thì phí trả nợ trước hạn lại giảm đi. “Phí trả nợ trước hạn ngân hàng rất linh hoạt, đảm bảo lợi ích cả hai bên”, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm.

Khẳng định ngân hàng rất chia sẻ với các doanh nghiệp về việc trả nợ trước hạn phải trả phí, tuy nhiên, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Ban điều hành VietinBank cũng mong các doanh nghiệp chia sẻ lại với ngân hàng. Bởi bên cạnh việc ngân hàng phải trả lãi huy động vốn của người dân, thì kế hoạch sử dụng vốn, cân đối vốn đã được các ngân hàng tính toán chi tiết trước khi cho doanh nghiệp vay nên khi doanh nghiệp trả nợ trước hạn đồng nghĩa với việc ngân hàng cũng rơi vào thế bị động.

b452b9d5-2184-42a9-bd6b-feb461568011.jpg
Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Ban điều hành VietinBank

“Tuy nhiên, tùy vào những trường hợp cụ thể, chúng tôi vẫn linh hoạt xem xét nguồn tiền trả nợ doanh thu để xem xét miễn giảm lãi, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và ngân hàng”, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Ban điều hành VietinBank khẳng định.

Theo các chuyên gia, thu phí trả nợ trước hạn là biện pháp cần thiết và phù hợp với thực tế kinh tế thị trường. Việc thu phí nhằm bù đắp chi phí huy động vốn đã phát sinh/đã phải bỏ ra khi người vay thanh toán nợ trước hạn, đồng thời nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của bên vay. Việc phạt trả nợ trước hạn cũng là biện pháp để ngân hàng, tổ chức tài chính dự phòng rủi ro có thể xảy ra về lãi suất, cân đối nguồn vốn huy động giữa lãi suất và kỳ hạn vay, bù đắp các khoản lãi suất ưu đãi đã áp dụng cho khách hàng; chế tài để phạt người vay khi vi phạm thoả thuận/cam kết trong hợp đồng đã ký.

Khảo sát thực tế cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều áp dụng phí phạt trả nợ trước hạn. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng có một cách tính khác nhau. Thường doanh nghiệp sẽ phải trả phí nếu khoản vay trả trước trong vòng 5 năm, tùy theo thời gian vay mà phí phạt trả trước giảm dần, dao động từ 5%- 0,5%. Sau 5 năm, nếu khách hàng trả trước hạn thì hầu hết đều không phải trả phí.

Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự, nếu cá nhân, tổ chức cho nhau vay thì cũng phải thoả thuận về số tiền/tài sản vay, thời hạn vay, thời hạn trả nợ, lãi suất (nếu có)… Còn nếu cá nhân, tổ chức vay vốn tại ngân hàng, tổ chức tài chính… thì theo khoản 16 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng, khi vay ngân hàng, công ty tài chính
thì ngân hàng phải cho khách hàng vay một khoản tiền trong một khoảng thời gian theo thoả thuận và đến hạn đó, khách hàng phải trả cả gốc và lãi. Do đó, có thể hiểu, tất toán trước hạn là việc khách hàng/người vay trả nợ gốc và lãi trước thời hạn cho vay mà các bên đã thoả thuận với nhau.

Với hình thức vay giữa cá nhân, tổ chức với nhau thì các bên lập hợp đồng vay tài sản. Riêng nếu cá nhân, tổ chức vay của ngân hàng, công ty tài chính thì cũng phải lập thoả thuận cho vay bằng văn bản trong đó có nội dung về thời hạn cho vay, trả nợ trước hạn, phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại… nếu trả trước hạn.

Thông thường, trong hợp đồng vay/hợp đồng tín dụng, các bên đều có thoả thuận về việc phạt vi phạm khi người vay trả nợ trước hạn. Phí phạt trả nợ trước hạn được xem là khoản tiền mà người vay phải trả thêm do đã vi phạm về thời hạn vay đã thoả thuận/cam kết trước đó.

(Nguồn: luatvietnam.vn)

Minh Đức

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ