Dễ dàng thuê, mua bán tài khoản ngân hàng trên mạng Ngân hàng cần cơ chế và nguồn lực để thực hành ESG Thị trường vàng trong nước: Khó mua hay là câu chuyện cần thay đổi một thói quen |
Trong 6% tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2024 thì vốn cho các lĩnh vực ưu tiên: Tam nông, công nghiệp, xuất nhập khẩu, công nghệ… chiếm tỷ lệ khá lớn. Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, những tháng đầu năm nay, tín dụng cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và chảy đều vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Đơn cử, lĩnh công nghiệp và xây dựng tăng 4,3%; nhóm các lĩnh vực ưu tiên tăng rất cao so với mặt bằng chung của nền kinh tế như: Công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%, công nghệ cao tăng 18,16%...; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 2,17%.
Đảm bảo mục tiêu tăng tín dụng 6 tháng cuối năm ở mức 9% để hoàn thành kế hoạch năm 2024 là tăng 15%, các ngân hàng thương mại đã liên tục bơm vốn ra thị trường và tập trung nhiều vào nhóm sản xuất, kinh doanh, thậm chí là thiết kế những gói vay chuyên biệt cho từng ngành hàng, lĩnh vực cụ thể.
Đơn cử như Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) vừa ra mắt sản phẩm tín dụng dành riêng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may có kinh nghiệm từ 3 năm hoạt động liên tục, đạt tỷ trọng doanh thu trên 50%, kinh doanh có lãi trong năm tài chính gần nhất. Ngân hàng thực hiện cấp tín dụng đa dạng về thời gian, từ ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn đáp ứng các mục tiêu kinh doanh cụ thể. Bên cạnh ưu đãi về lãi suất, khách hàng cũng có thể được cấp hạn mức lên tới 100% giá trị tài sản bảo đảm, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp.
PVcomBank vừa ra mắt sản phẩm tín dụng dành riêng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may |
Theo đại diện PVcomBank, trong xu thế phục hồi chung của nền kinh tế thì ngành dệt may sẽ cần đến sự trợ lực từ ngân hàng và các tổ chức tài chính nhằm tiếp cận nguồn vốn lưu động kịp thời. Đây là yếu tố tiên quyết để các doanh nghiệp duy trì được dòng tiền nhằm đẩy mạnh sản xuất, tìm kiếm cơ hội thúc đẩy tăng trưởng, mở rộng thị trường, khách hàng. Thông qua các chính sách đa dạng về đối tượng, phân khúc khách hàng, PVcomBank kỳ vọng có thể hỗ trợ khách hàng tổ chức tiếp cận được hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ tiện ích, nhanh chóng triển khai sản xuất kinh doanh, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế.
Trước đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) cũng công bố gói tín dụng được thực hiện đến hết năm nay dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp. Đây là chương trình được ngân hàng xây dựng hướng tới nhu cầu thiết thực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia dự thầu, thực hiện gói thầu, công trình, dự án trong lĩnh vực xây lắp, bao gồm thi công, xây dựng, lắp đặt, cung ứng máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên vật liệu, vật tư, tư vấn… Các doanh nghiệp có nhu cầu tín dụng như phát hành bảo lãnh, vay vốn,... sẽ được miễn 100% phí đối với Bảo lãnh dự thầu và giảm đến 50% phí đối với các loại bảo lãnh khác. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được ABBANK phát hành bảo lãnh ưu đãi với tỷ lệ tín chấp lên đến 100% giá trị bảo lãnh và các nhà thầu xây lắp được ưu đãi lãi suất cho vay chỉ từ 4,8%/năm để thực hiện gói thầu.
Ông Khương Đức Tiệp, Phó Tổng giám đốc thường trực ABBANK chia sẻ: “Mang đến các giải pháp tài chính chuyên biệt theo đặc thù ngành nghề là cách để ABBANK đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, các doanh nghiệp xây dựng và cung ứng vật liệu xây dựng là một trong những ưu tiên bởi mức độ tác động đến xã hội”.
Từ tháng 7, VPBank vận hành chương trình tín dụng tài trợ có trị giá 150 triệu USD dành cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê |
Thông tin về các gói vay hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là việc đáp ứng vốn cho khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) - cho biết, Agribank đã chủ động dành khoảng 250.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất tới nhiều đối tượng khách hàng: Doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án đầu tư trung, dài hạn, khách hàng xuất nhập khẩu, khách hàng đầu tư sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP và khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ hoạt động kinh doanh, tiêu dùng... Trong đó, khoảng 110.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân, lãi suất ưu đãi ngắn hạn chỉ từ 3,5 - 4%/năm phục vụ tiêu dùng và sản xuất kinh doanh; khoảng 140.000 tỷ đồng tiếp vốn các doanh nghiệp, tổ chức trong đa dạng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5 -2,4%/năm.
Một ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trong tháng 7 này cũng bắt đầu vận hành chương trình tín dụng tài trợ có trị giá 150 triệu USD dành cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê. Theo đại diện lãnh đạo ngân hàng, trước mắt gói tài trợ tín dụng này sẽ cung cấp vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê với mức lãi suất ưu đãi.
Thông tin thêm về tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú - cho biết, ngành ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho thủy sản, lâm sản xuất khẩu, chế biến xuất khẩu. Sau khi hoàn thành giải ngân 15.000 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại đã tiếp tục tăng thêm 15.000 tỷ đồng nữa nữa thành 30.000 tỷ và đến nay thì vẫn đang tiếp tục tích cực giải ngân. “Đây là một tín hiệu rất tích cực cho lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt trong nuôi, trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng chế biến, lâm sản xuất khẩu” - ông Tú nhấn mạnh.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV- cho rằng, để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của nền kinh tế, cần triển khai các biện pháp tác động tổng cung và cầu. Trong đó, cần tập trung vào các động lực tăng trưởng như đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư tư nhân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng. Cần có đánh giá đúng và trúng thực trạng tình hình doanh nghiệp, từ đó tháo gỡ kịp thời và chính xác những tồn tại, vướng mắc được chỉ ra. Đồng thời gia tăng nguồn lực cho các tổ chức tín dụng để có thể hỗ trợ nền kinh tế.
“Các ngân hàng cũng cần tiết giảm chi phí, cân đối chi phí huy động vốn, phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay; chủ động cơ cấu lại nợ, triển khai các gói tín dụng, rà soát, linh hoạt hơn, phù hợp hơn trong việc áp dụng nhưng không hạ chuẩn các điều kiện tín dụng gồm cả việc xem xét, chấp nhận tài sản bảo đảm là hàng tồn kho, đơn hàng, hợp đồng thi công... Đồng thời tinh giản quy trình, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt tín dụng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt vừa là tiết giảm chi phí, vừa giảm thủ tục giấy tờ và phù hợp với xu thế” - TS Cấn Văn Lực đề xuất.