Báo cáo tháng 8 về kinh tế Việt Nam với chủ đề "Việt Nam Số hóa - Con đường đến tương lai", của World Bank vừa được công bố, dự báo nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022. Dự báo này được điều chỉnh giảm so với dự báo 6,8% cho năm 2021 trong Báo cáo Điểm lại kỳ trước ban hành vào tháng 12/2020, và còn phụ thuộc vào các rủi ro tiêu cực. Dự báo này cũng thấp hơn so với mục tiêu tăng trường 6% của Chính phủ trong năm 2021.
Việc điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 liên quan đến đợt bùng phát dịch gần đây, dự kiến sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Tuy nhiên, giả định của dự báo là đợt dịch đang diễn ra hiện nay sẽ từng bước được kiểm soát, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi trong quý IV. Phục hồi kinh tế cũng sẽ được hỗ trợ bằng cách đẩy nhanh triển khai thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin diện rộng để đảm bảo ít nhất 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng vào cuối năm, nhằm ngăn ngừa các đợt bùng phát nghiêm trọng mới. Bất kỳ thay đổi nào tới giả định trên dĩ nhiên cũng đều ảnh hưởng đến dự báo.
WB cho rằng chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi năm 2021. Khi nền kinh tế thoát khỏi đợt dịch lần thứ tư, chính sách tài khóa sẽ hỗ trợ tổng cầu trong nước thông qua các biện pháp có lựa chọn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Cân đối ngân sách và tỷ lệ nợ công trên GDP dự kiến sẽ xấu đi trong năm 2021. Gói hỗ trợ doanh nghiệp và các hộ gia đình lần hai chỉ ở mức khiêm tốn, nhưng nếu triển khai sẽ tương đương khoảng 0,5% GDP. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh vẫn trong phạm vi ngân sách. Chính sách tiền tệ vẫn tạo thuận lợi để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Lạm phán vẫn ở mức vừa phải.
Khi các động lực tăng trưởng đã được củng cố, chính sách tiền tệ sẽ trở lại vị thế trung lập từ năm 2022. Khi nền kinh tế trong nước phục hồi, chính sách tiền tệ sẽ rút lại những chính sách thích ứng trước đó, tập trung nhiều hơn vào mục tiêu ổn định lạm phát. Lạm phát dự kiến vẫn thấp hơn mục tiêu chính sách 4% của NHNN. Tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý và các cú sốc tự nhiên đến nguồn cung lương thực thực phẩm có thể khiến cho giá lương thực thực phẩm và một số dịch vụ hoặc dịch vụ tiện ích công tăng lên trong ngắn hạn, nhưng dự kiến không làm thay đổi căn bản kỳ vọng về giá cả trong những năm tới.
Word Bank cho rằng, các cấp có thẩm quyền cần theo dõi cẩn thận sự gia tăng của nợ xấu để đảm bảo sức khỏe cho khu vực tài chính và thúc đẩy áp dụng quy định về an toàn vốn theo chuẩn Basel II đối với mọi ngân hàng đang hoạt động.
Trong bối cảnh những đợt dịch gần đây, đặc biệt là đợt bùng phát trên diện rộng bắt đầu từ tháng 5, đã khiến nhiều doanh nghiệp ở các thành phố lớn và một số khu công nghiệp phải đóng cửa phòng dịch, cơ quan phụ trách chính sách tiền tệ cần thận trọng với những rủi ro đang gia tăng về nợ xấu.
Việt Nam cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự ổn định của hệ thống ngân hàng, khi hiện vẫn còn có một số ngân hàng chưa đảm bảo an toàn vốn. Một hệ thống cảnh báo sớm cần được xây dựng để xác định những nguy cơ tiềm năng ở từng ngân hàng và cả hệ thống. Các cấp có thẩm quyền cần xây dựng chiến lược chấm dứt các biện pháp cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ rõ ràng. Việc triển khai thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ có thể che lấp một phần mức độ dễ bị tổn thương của bên vay và các ngân hàng, vì vậy cần được theo dõi chặt chẽ.
Điều cần làm nữa là sớm ban hành kế hoạch xử lý nợ xấu, không cho phép gánh nặng nợ xấu kéo dài trong hệ thống ngân hàng vì điều này có thể hạn chế vai trò hỗ trợ tăng trưởng bao trùm của hệ thống ngân hàng. Thêm vào đó, cũng cần có cơ chế rõ ràng để xử lý những ngân hàng yếu kém và đang gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu vốn các ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu của chuẩn Basel II.
Lưu Lâm
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|