Ngân hàng thắng lớn quý I/2025: Động lực nào dẫn dắt

(Banker.vn) Quý I/2025, lợi nhuận ngành ngân hàng tăng trưởng mạnh nhờ tín dụng bứt phá, biên lãi ròng cải thiện và doanh thu dịch vụ tăng cao.
Thành lập và ra mắt Ngân hàng Nhà nước Khu vực 8 Doanh nghiệp ngành lúa gạo muốn vay không có tài sản bảo đảm Thành lập Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7, trụ sở đặt tại Thanh Hóa

Tín dụng “bùng nổ”

Thông tin tại hội nghị “Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 8” diễn ra ngày 3/4/2025, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng cho biết, tín dụng toàn hệ thống đến ngày 25/3 đã tăng được khoảng 2,5% so với cuối 2024 (trong khi cùng kỳ 2024 chỉ tăng trưởng được khoảng 0,26%). Mức tăng này đã gấp 10 lần so với cùng kỳ, đồng thời, hệ số sử dụng vốn của các ngân hàng hiện nay đạt 103%, cho thấy các tổ chức ứng dụng đã sử dụng tối đa nguồn vốn để cấp tín dụng cho nền kinh tế.

Đây là một trong những yếu tố giúp lợi nhuận quý I/2025 của các ngân hàng có mức tăng trưởng tốt. Đi kèm với đó là việc tối ưu chi phí, gia tăng dịch vụ được các ngân hàng đẩy mạnh triển khai.

Mặc dù chưa có công bố chính thức tức các ngân hàng nhưng báo cáo nghiên cứu của các công ty chứng khoán đưa ra cho thấy, bức tranh lợi nhuận dự kiến của các ngân hàng thương mại trong quý I/2025 khá khả quan.

Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) ngày 4/4/2025 đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2025 ghi nhận lợi nhuận dương với các chỉ tiêu kinh doanh đạt mức tăng trưởng tích cực với lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 125 tỷ đồng. Các chỉ tiêu tăng trưởng tích cực một cách toàn diện: vốn huy động (gồm tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá) ước đạt hơn 107.000 tỷ đồng, tăng trưởng 6,8% so với cuối năm 2024; cho vay khách hàng ước đạt hơn 78.000 tỷ đồng, tăng trưởng 9,6% so với cuối năm 2024, tương ứng mức tăng hơn 6.800 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần đạt mức cao nhất trong 9 quý liên tục, ước đạt gần 510 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh khác như hoạt động dịch vụ, hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư... đều có lãi trong quý vừa qua. Tổng tài sản tại 31/03/2025 đạt gần 131.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10,4% so với 31/12/2024.

Ngân hàng thắng lớn quý I/2025: Động lực nào dẫn dắt
Thu nhập lãi thuần của NCB đạt mức cao nhất trong 9 quý liên tục. Ảnh: Duy Minh

Tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức cuối tháng 3/2025, trước đó, Tổng giám đốc NCB Tạ Kiều Hưng đã hé lộ kết quả kinh doanh tươi sáng của ngân hàng này, dự kiến có lãi ngay từ quý I/2025. “Kết quả này có được nhờ NCB đẩy mạnh hoạt động kinh doanh theo Chiến lược mới song song với tích cực tái cơ cấu ngân hàng theo đúng lộ trình tại Phương án cơ cấu lại tầm nhìn tới 2030 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt” - ông Hưng nhấn mạnh.

Được biết, năm 2025, NCB đặt kế hoạch kinh doanh cả năm với tổng tài sản đạt 135.500 tỷ đồng, huy động khách hàng đạt 118.500 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 14,6% và 23,2% so với thực hiện 2024; cho vay khách hàng tăng trưởng 35% lên hơn 96.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước phương án tái cơ cấu đạt 59 tỷ đồng và quy mô khách hàng tăng thêm 424.000 khách so với 2024.

Báo cáo nghiên cứu của các công ty chứng khoán vừa công bố cũng đưa ra các dự báo tích cực về tăng trưởng tín dụng quý I/2025 của nhiều nhà băng. Đơn cử, theo Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI), Sacombank ước đạt lợi nhuận trước thuế ước đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước; VPBank có thể đạt lợi nhuận 5.500 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2024; HDBank dự kiến báo lãi 4.800 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 6% và NIM duy trì ổn định; MSB ước tính đạt 1.700 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 11%; hay Techcombank được kỳ vọng đạt 8.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; còn VietinBank cũng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh với lợi nhuận trước thuế ước đạt 8.800 tỷ đồng, tăng 42%...

Theo các chuyên gia tài chính, nhiều ngân hàng thương mại ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm trước, nhờ vào ba yếu tố chính: tăng trưởng tín dụng, cải thiện biên lãi ròng (NIM) và kiểm soát chi phí chặt chẽ.

Những ngân hàng có nền tảng bán lẻ mạnh như VPBank, MB, Techcombank hay HDBank tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt nhờ việc đẩy mạnh cho vay cá nhân và doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, nhóm "Big 4" bao gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank vẫn giữ vững vị thế nhờ nguồn tiền gửi dồi dào và khả năng tối ưu hóa nguồn vốn.

Ngân hàng thắng lớn quý I/2025: Động lực nào dẫn dắt
Bức tranh lợi nhuận dự kiến của các ngân hàng thương mại trong quý I/2025 khá khả quan. Ảnh: Duy Minh

Những thách thức vẫn còn đó

Mặc dù bức tranh lợi nhuận quý I khá tích cực, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, vẫn còn nhiều điểm đáng lưu tâm. Trước hết, nợ xấu vẫn là một vấn đề nan giải. Một số ngân hàng đang phải đối mặt với tỷ lệ nợ xấu tăng, kéo theo áp lực trích lập dự phòng lớn, làm giảm lợi nhuận. Ngoài ra, lãi suất cho vay mặc dù đã có xu hướng ổn định nhưng vẫn chưa thực sự giảm sâu, gây áp lực lên doanh nghiệp và cá nhân vay vốn. Điều này đặt ra bài toán về khả năng mở rộng tín dụng trong các quý tới.

Một điểm đáng chú ý khác là áp lực cạnh tranh trong ngành ngày càng gia tăng. Các ngân hàng buộc phải đầu tư mạnh vào công nghệ, số hóa và các dịch vụ phi tín dụng để giữ chân khách hàng. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí vận hành tăng lên, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận trong dài hạn.

Từ diễn biến thị trường và kết quả kinh doanh quý I, có thể thấy ngành ngân hàng đang có một nền tảng khá vững chắc để bước vào giai đoạn tiếp theo của năm 2025. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận, các ngân hàng cần tập trung vào một số chiến lược quan trọng.

Thứ nhất, cần kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, đi đôi với việc nâng cao chất lượng tín dụng.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ trong bối cảnh lợi nhuận từ tín dụng có thể gặp nhiều áp lực thì cần gia tăng doanh thu từ bảo hiểm, thanh toán, thẻ tín dụng và các dịch vụ tài chính khác.

Thứ ba, tập trung phát triển công nghệ và chuyển đổi số để giảm chi phí kinh doanh và tăng lợi thế cạnh tranh.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích & Nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nhận định rằng, các yếu tố chính tác động đến lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2025 là tăng trưởng tín dụng, chất lượng tài sản, thu nhập ngoài lãi và tối ưu chi phí. “Những yếu tố này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các ngân hàng đạt được mức lợi nhuận tăng trưởng tích cực trong năm 2025” - ông Hoàng khẳng định.

Ở một góc nhìn khác, đại diện lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ: Các ngân hàng đang có một giai đoạn kinh doanh thuận lợi với biên lãi ròng cải thiện và tăng trưởng tín dụng ổn định. Tuy nhiên, để duy trì mức lợi nhuận cao thì không thể mãi dựa vào tín dụng mà cần đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ, đặc biệt là ngân hàng số và các sản phẩm tài chính có giá trị gia tăng. Và chúng tôi cũng đang phát triển theo hướng bền vững này.

Quý I/2025 khép lại với những con số lợi nhuận ấn tượng của ngành ngân hàng, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế và khả năng thích ứng linh hoạt của các tổ chức tín dụng. Dự báo trong những quý tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định, nhưng sự phân hóa giữa các ngân hàng sẽ ngày càng rõ nét. Những ngân hàng có chiến lược tốt, quản trị rủi ro hiệu quả và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục bứt phá, trong khi những ngân hàng còn chậm chân sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giữ vững đà tăng trưởng lợi nhuận.

Thuỳ Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục