Ngân hàng tăng cường gọi vốn qua kênh trái phiếu

(Banker.vn) Theo TS. Hiếu, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại đang ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng. Khi chất lượng tài sản bị suy giảm, việc các ngân hàng bổ sung nguồn vốn cấp 2 là thực sự cần thiết.

ACB vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ. Theo đó, Ngân hàng sẽ phát hành 3.000 trái phiếu, kỳ hạn ba năm với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương ứng với tổng mệnh giá phát hành 3.000 tỷ đồng.

Lần phát hành này được thực hiện tối đa trong 6 đợt. Trái phiếu trên là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không phải nợ thứ cấp của ACB và không được bảo đảm bằng tài sản. Lãi suất trái phiếu sẽ cố định trong suốt thời hạn, mức lãi suất cụ thể sẽ được quyết định tùy theo điều kiện thị trường, nhu cầu nhà đầu tư và phương án phát hành.

Như vậy, trong vòng 1 tháng qua, ACB đã lên kế hoạch huy động tổng cộng 12.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Theo phương án được thông qua vào tháng 4, quy mô hai đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 1 và 2 lần lượt là 5.000 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng. Trong đợt phát hành thứ 2 lần 2 mới công bố, ACB đã huy động được 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, với lãi suất 4%/năm từ hai công ty chứng khoán. Mức lãi suất này thấp hơn nhiều so với lãi huy động kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng.

Việc tăng cường huy động vốn qua kênh trái phiếu diễn ra trong bối cảnh ACB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.400 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tỷ lệ 25%. Sau khi tăng vốn, vốn điều lệ ACB tăng từ mức gần 21.616 tỷ đồng lên gần 27.020 tỷ đồng.

VIB cũng huy động được 4.000 tỷ đồng vốn qua kênh trái phiếu trong chưa đầy một tháng qua, lãi suất chỉ từ 3,7 - 4%/năm, thấp hơn nhiều lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng. Đây là lô trái phiếu thứ ba VIB phát hành thành công kể từ đầu năm 2021 tới nay. Được biết, một công ty chứng khoán trong nước đã mua trọn số trái phiếu này.

Ngày 10/5/2021, TPBank cũng đã phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu trực tiếp cho một công ty chứng khoán trong nước. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, trả lãi hàng năm theo lãi suất cố định 4,1%/năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không phải nợ thứ cấp, không có bảo đảm bằng tài sản và không kèm chứng quyền.

Ngay sau đó, ngày 12/5/2021, ngân hàng này tiếp tục phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu cho một công ty chứng khoán, kỳ hạn cũng là 3 năm với lãi suất 3,8%/năm, thấp hơn so với lô trái phiếu trước đó cũng như so với lãi suất huy động cùng kỳ hạn của TPBank.

Ngày 18/5 vừa qua, Hội đồng quản trị HDBank đã chấp thuận chủ trương phát hành trái phiếu lần 1/2021 với tổng mệnh giá phát hành tối đa 1.500 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành lần 2/2021. Trước đó, HDBank thông báo sẽ mua lại 4.000 tỷ đồng trái phiếu đã phát hành. Thời gian dự kiến mua lại từ ngày 25/5 - 10/6/2021.

SHB cũng vừa phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm trong ngày 18/5/2021, lãi suất cố định 3,8%/năm cho 2 công ty chứng khoán trong nước. Tiền lãi được trả sau, định kỳ 1 năm/lần. Đây là trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, không phải nợ thứ cấp của SHB.

Nhìn nhận về câu chuyện phát hành trái phiếu của các ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế cho rằng, việc phát hành trái phiếu giúp ngân hàng chủ động về nguồn vốn, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn. Loại trái phiếu đem lại tỷ lệ an toàn vốn cao nhất cho ngân hàng là trái phiếu có kỳ hạn trên 5 năm và trái phiếu chuyển đổi. Loại trái phiếu này được tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng.

Cũng theo TS. Hiếu, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại đang ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng. Khi chất lượng tài sản bị suy giảm, việc các ngân hàng bổ sung nguồn vốn cấp 2 là thực sự cần thiết.

Lưu Lâm

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán