Ngân hàng Silicon Valley của Mỹ phá sản, ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?

(Banker.vn) Ngân hàng Silicon Valley (SVB) - lớn thứ 16 tại Mỹ vừa phá sản. Các chuyên gia nhận định, sẽ có những tác động tâm lý tới thị trường tài chính Việt Nam.
Ngành ngân hàng Mỹ choáng váng vì sự sụp đổ của Silicon Valley Bank Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam tại Silicon Valley Ecomeasy Asia mang giải pháp thương mại điện tử đi tranh tài tại Silicon Valley

Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ - trở thành nhà băng đầu tiên phá sản sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009. Việc SVB sụp đổ đã khiến các thị trường tài chính rối loạn và dấy lên câu hỏi liệu sự kiện này có làm suy yếu hệ thống ngân hàng và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới? Quan trọng hơn cả là Việt Nam sẽ chịu tác động như thế nào?

SVB có tổng quy mô 212 tỉ USD, chỉ bằng 1/12 quy mô của ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ JPMorgan Chase. Khách hàng phục vụ chủ yếu là các công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon và quỹ đầu tư mạo hiểm, phần lớn nằm trong lĩnh vực tiền số. Đây là nhóm đối tượng không quá lớn trong nền kinh tế Mỹ.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Bảo Ngọc - Nhà sáng lập nền tảng hỗ trợ đầu tư Fstock cho biết, rất khó để đánh giá rủi ro lây lan. Tuy nhiên ảnh hưởng rõ nhất sẽ là những ngành nghề, doanh nghiệp, đối tác, khách hàng đã được khoanh vùng xác định và có thể được xử lý trong thời gian tới. Tâm lý nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Thực chất nền kinh tế Mỹ hiện đã đủ mạnh và ngân hàng đã ổn định tình hình tài chính dù lãi suất neo cao. Vì thế nên sẽ không quá mong manh đến mức kinh tế đối mặt với khủng hoảng ngay. Chính phủ Mỹ và các ngân hàng đã có kinh nghiệm sâu sắc từ vụ đổ vỡ trước để có năng lực trong ngăn chặn những tình huống xấu nhất có thể" - ông Ngọc đánh giá.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp về mặt tài chính do không có quan hệ kinh doanh gì với SVB. Thị trường chứng khoán cũng tương tự. Tuy nhiên ảnh hưởng gián tiếp vẫn có nhưng sẽ chỉ tác động tâm lý trong một vài phiên giao dịch. Nếu tình hình tại Mỹ sớm ổn định thì ảnh hưởng sẽ không kéo dài.

“Việt Nam không có ngân hàng cũng như doanh nghiệp niêm yết nào có mối quan hệ làm ăn kinh doanh với SVB nên tác động gần như là không có. Nếu có, thì chỉ là những ảnh hưởng về mặt tâm lý với nhà đầu tư” - ông Đỗ Bảo Ngọc nhận định.

Ngân hàng Silicon Valley của Mỹ phá sản, ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?
Ngân hàng Silicon Valley của Mỹ phá sản, ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?

Theo ông Ngọc, sau thông tin SVB phá sản, nhà đầu tư trên các sàn chứng khoán thế giới có thể bi quan, lo ngại. Tâm lý này dẫn đến hành động bán bớt tài sản khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm. Hai phiên gần nhất, chứng khoán Mỹ đã lao dốc. “Các tác động về mặt tâm lý thường sẽ trong ngắn hạn. Còn việc quá trình xử lý các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, nhà đầu tư trái phiếu, cổ đông và khách hàng SVB như thế nào, có lan tòa tâm lý tiêu cực đến các thị trường khác trong dài hạn hay không thì còn phải chờ thời gian”- ông Ngọc cho biết.

Chuyên gia kinh tế tài chính - TS. Bùi Kiến Thành cũng cho rằng, việc SVB đóng cửa không ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng cũng như các hoạt động kinh tế tài chính khác ở Việt Nam. Qua đây cũng có thể xem SVB như một trường hợp tiêu biểu mà chúng ta theo sát và học hỏi.

"Từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước quản lý tốt hoạt động của các ngân hàng, trong đó cả những ngân hàng chưa thực sự bền vững. Các nhà băng này chưa được sự quản lý chặt chẽ cho nên có thể dẫn đến nợ xấu và đến một lúc nào đó sẽ ảnh hưởng dư luận, từ đó trở nên khó quản lý hơn. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục quản lý và đưa vào danh sách các ngân hàng cần được theo dõi, kiểm soát" - ông Thành nói.

Cũng nói về các ảnh hưởng của việc SBV phá sản, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC cho rằng, một trong những yếu tố cần lưu tâm tuần này là diễn biến thị trường thế giới, với việc sự kiện tại SVB có phải là hiện tượng cục bộ hay mang tính bất ổn hệ thống của ngành ngân hàng ở Mỹ?

“Tôi đã xem xét cẩn trọng và có thể thấy SVB là trường hợp cục bộ và là ví dụ điển hình cho việc quản lý không tốt trong suy thoái, chứ không phải bắt nguồn từ rủi ro hệ thống và khả năng thấp có thể gây nên một hiệu ứng dây chuyền” - ông Huy nhìn nhận.

Trước đó, ngày 10/3, SVB sụp đổ sau khi khách hàng đổ xô tới rút tiền trong tuần này do lo lắng về tình trạng tài chính của ngân hàng này. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ nhì trong lịch sử nước Mỹ sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) sụp đổ năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cơ quan điều hành ngân hàng bang California ngay lập tức đóng cửa SVB và chỉ định Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) là nơi nhận tiền bán các tài sản của SVB sau này.

Theo thông báo của FDIC, trụ sở chính cũng như toàn bộ chi nhánh của SVB sẽ mở cửa lại vào ngày 13/3 và tất cả khách hàng có bảo hiểm sẽ được rút hết số tiền gửi có bảo hiểm, chậm nhất là trong sáng hôm đó. Tuy nhiên, theo FDIC, tính tới cuối năm 2022, 89% trong tổng số 175 tỷ USD tiền gửi ở SVB không có bảo hiểm và cơ quan này chưa biết tính sao với số tiền khổng lồ đó.

SVB chủ yếu phục vụ giới nhân viên công nghệ và công ty khởi nghiệp. Nhiều công ty, như Roblox Corp - công ty sản xuất trò chơi điện tử, và Roku Inc - công ty sản xuất thiết bị xem video trực tuyến, cho biết họ gửi hàng trăm triệu USD ở SVB. Theo Roku, phần lớn tiền gửi của họ ở SVB không có bảo hiểm, khiến giá cổ phần của công ty sụt giảm tới 10%.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục