Thời gian vừa qua, trước tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng và lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch (trong đó có các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, lữ hành, giao thông vận tải…).
Về tín dụng, NHNN đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 tạo cơ sở pháp lý và hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ tại thời điểm trước dịch, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục vay mới để thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Đồng thời, để hỗ trợ TCTD có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, NHNN đã giảm 0,85%-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn Việt Nam đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên; chỉ đạo TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, bảo đảm an toàn tài chính; tiết giảm chi phí hoạt động để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Về lãi suất, tính đến thời điểm này kể từ khi bùng dịch COVID-19, NHNN đã 4 lần liên tục điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô lớn với tổng mức giảm khoảng 1,5-2,0%/năm lãi suất điều hành để sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD.
Cho đến nay nhiều nhà băng đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tích cực tái cơ cấu, giãn nợ, đảm bảo nguồn tín dụng để khách hàng có đủ dòng tiền trong kinh doanh trong lúc khó khăn. Từ khi bị đại dịch năm 2020 đến nay, Techcombank cũng là ngân hàng liên tục giảm lãi suất, trong đó nhóm lĩnh vực ưu tiên có lãi suất cho vay là dưới 4,5%/năm; các lĩnh vực kinh tế thiết yếu lãi suất cho vay vào khoảng 6-7%/năm, thậm chí có khách hàng thấp hơn…
Tại cuộc họp, ông Phạm Quang Thắng - Phó Tổng Giám đốc Techcombank đề xuất :"Trong hỗ trợ không nên cào bằng mà nên tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn… Còn các doanh nghiệp bất động sản đang lãi lớn, các cá nhân vay tiền mua xe ô tô… thì không nên hỗ trợ lãi suất. Điều quan trọng nhất tại thời điểm này là làm sao duy trì được nguồn tín dụng, đặc biệt là các khách hàng đã được tái cơ cấu. Để giữ được doanh nghiệp, quan trọng nhất là “mạch máu lưu thông” của nền kinh tế mới giúp họ có khả năng phục hồi mạnh sau đại dịch…"
Linh Đan
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|