Ngân hàng Quốc tế (VIB) chi hơn 2.100 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt vào đầu tháng 3

(Banker.vn) Ngân hàng VIB thông qua việc thực hiện phương án tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2022 cho cổ đông hiện hữu với số tiền là hơn 2.100 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng hồi phục mạnh mẽ, thanh khoản tăng vọt

HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa thông qua phương án tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt. Theo đó, Ngân hàng sẽ thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng số tiền tạm ứng hơn 2.107 tỷ đồng.

Nguồn vốn sử dụng để chia cổ tức là lợi nhuận chưa phân phối, gồm lợi nhuận để lại từ các năm trước chưa sử dụng là 565 tỷ đồng và lợi nhuận thuần lũy kế 3 quý đầu năm 2022 là 1.542,67 tỷ đồng.

Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông được nhận tạm ứng cổ tức tiền mặt là ngày 10/2/2023. Ngày VIB thực hiện chi trả tạm ứng cổ tức tiền mặt là 3/3/2023.

VIB trả cổ tức tiền mặt
VIB trả cổ tức tiền mặt

Đáng chú ý, mới đây, VIB đã công bố Nghị quyết ĐHCĐ, trong đó, dựa trên kết quả lợi nhuận năm 2022, Ngân hàng có thể chia cổ tức lên đến hơn 35%, bao gồm cả cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu.

Trên thị trường, cổ phiếu ngân hàng VIB đã có chuỗi hồi phục tích cực trong tháng 1/2023 với mức tăng gần 24% từ mức giá 19.000 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 30/12/2022) lên 23.550 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 31/1/2023). Đồng thời, thanh khoản của VIB cũng sôi động, với khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây đạt hơn 4 triệu đơn vị/phiên.

Một trong những thông tin liên quan đến VIB là trong báo cáo tài chính quý IV/2022 mới đây của Công ty CP Cơ điện lạnh (REE), Công ty đã mạnh tay đầu tư cổ phiếu VIB với số dư chốt sổ năm là hơn 738 tỷ đồng, tương đương khoảng 38,8 triệu cổ phiếu VIB.

Kết thúc năm 2022, VIB đạt kết quả lợi nhuận trước thuế hơn 10.580 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với năm trước. Kết quả tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi, đặc biệt là ngân hàng bán lẻ.

Cụ thể, tổng doanh thu tăng trưởng 21%, tiếp tục cao hơn tỷ lệ tăng trưởng chi phí hoạt động 17%, góp phần giảm tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu (CIR) của VIB xuống còn 34%, thuộc nhóm ngân hàng bán lẻ có hiệu quả quản trị chi phí tốt nhất.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VIB đạt hơn 343.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt 234.000 tỷ đồng, tăng trưởng 14,5%, riêng tiền gửi huy động từ khách hàng tăng trưởng hơn 15,3% đến từ việc gia tăng mạnh mẽ cơ sở khách hàng bán lẻ chất lượng. Biên lãi ròng (NIM) đạt mức 4,5% nhờ chiến lược tập trung vào bán lẻ và nguồn vốn huy động trung dài hạn chất lượng, đồng thời duy trì tính ổn định của thanh khoản và lãi suất trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.

Hiệu quả sinh lời (ROE) của VIB thuộc top đầu ngành với 3 năm liên tục đạt mức trên 30%. Hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 12,7%, cao hơn đáng kể so với mức 8% của Ngân hàng Nhà nước. Với nền tảng quản trị rủi ro vững mạnh, VIB kiểm soát nợ xấu ở mức thấp 1,79%.

Lợi nhuận trước thuế và ROE của VIB. (Ảnh: VIB).
Lợi nhuận trước thuế và ROE của VIB. (Ảnh: VIB).

Hoàng Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán